Đây là nhận định Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) trong Báo cáo tóm tắt ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019 trước Quốc hội sáng 4.11.

Ủy ban Tư pháp: Có tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng

Bùi Trí Lâm | 04/11/2019, 10:42

Đây là nhận định Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) trong Báo cáo tóm tắt ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019 trước Quốc hội sáng 4.11.

Có tham nhũng ngay cơ quan chống tham nhũng

UBTP nhận thấy, trong năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố còn ít.

UBTP nhận thấy, hiện nay hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” như yêu cầu đặt ra của Luật PCTN.

Đáng lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Cùng với đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế. Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra, có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp gây bức xúc trong dư luận”, báo cáo nêu.

Lạm dụng thông tin mật để cản trở báo chí

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, vẫn có bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Còn tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết. Việc công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ hành chính còn nhiều hạn chế…

Vẫn còn tình trạng không công khai, lạm dụng bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… làm cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí, người dân. Trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật, nhất là giải trình khi báo chí đăng tải thông tin vi phạm trong một số trường hợp chưa được thực hiện.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện… Do đó, hiệu quả của biện pháp này trong công tác PCTN chưa cao.

Cũng theo báo cáo, việc kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vẫn chủ yếu kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự và theo phản ánh của dư luận là chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự.

Một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trái phép.

Cử tri cho rằng, để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị lớn là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng.

Tham nhũng thông qua cổ phần hóa

UBTP nhận thấy, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó. Đáng lưu ý, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng do không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố này để xử lý nghiêm minh..

Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ là khâu yếu. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp trung ương khám phá, điều tra. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội.

UBTP cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, UBTP cho rằng, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.

Đáng lưu ý, trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.

Theo đó, UBTP kiến nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật PCTN mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Tư pháp: Có tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng