Sáng nay 13.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 3.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 3

Lam Thanh | 13/09/2021, 10:43

Sáng nay 13.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 3.

Theo dự kiến chương trình, phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 9 ngày làm việc từ ngày 13 đến 22.9 để cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và quyết định một số nội dung theo thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án luật trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 2 gồm 6 dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chủ tịch Quốc hội cho biết các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; bảo đảm đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu thi hành các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như CPTPP, EVFTA; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, điện ảnh, thống kê, tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động vững mạnh, tinh nhuệ.

qh(1).jpg
Khai mạc phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhằm bảo đảm hoàn thiện kỹ hơn các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu hơn, tập trung phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, xem xét các chính sách mới có đảm bảo hợp lý, chặt chẽ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; xem xét chất lượng của các dự án luật, các hồ sơ có liên quan để góp ý cho các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện để trình ra kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 15.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo: tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm 2021.

Ngoài ra là kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8.2021).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến một số vấn đề để nâng cao chất lượng các báo cáo và hiệu quả hoạt động giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát các chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 để việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề được chủ động, đạt kết quả và chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nét mới của công tác giám sát đối với các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội.

Song song với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; cho ý kiến vào Kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời cho ý kiến về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15. Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung này đã được cho ý kiến bước đầu phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã thống nhất một số vấn đề cơ bản.

Nhấn mạnh, khối lượng công việc cần giải quyết trong phiên họp này là rất lớn, tập trung nhiều nội dung cần trình Quốc hội tại kỳ họp tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tập trung, chủ động sắp xếp lịch làm việc để tham gia phiên họp đầy đủ. Theo đó, cố gắng cao nhất, hoàn thành chương trình theo đúng thời gian dự kiến, đảm bảo các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 3