Tuy nhiên, Trung Quốc chính là nước gặp khó khăn lớn hơn khi USD tăng giá. Năm ngoái, giao dịch thương mại của Trung Quốc chiếm 42% GDP, so với 23% của Mỹ. Trung Quốc hiện đang kiểm soát chặt chẽ đồng nhân dân tệ so với đồng USD để tăng cường sự ổn định tài chính. Điều này có nghĩa là khi đồng USD tăng so với các tiền tệ khác trên thế giới, đặc biệt là hướng tới kỳ vọng Fed sắp tăng lãi suất thì Trung Quốc, một nền kinh tế đang suy thoái và phụ thuộc gần gấp đôi vào giao dịch, sẽ là nước tổn thương nặng nhất.
Đồng USD đột ngột tăng 10% đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gần 1 điểm phần trăm, tổn thất gần gấp đôi so với Mỹ, theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs.
"Trung Quốc đã mở cửa rộng hơn đối với thương mại. Theo đó, những động thái về tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến GDP của quốc gia này", nhà kinh tế trưởng của Goldman Jan Hatzius phát biểu.
Kể từ giữa năm 2014, đồng nhân dân tệ đã tăng gần 15% so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ. Diễn biến gia tăng này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mất khả năng cạnh trạnh so với các nước khác như Việt Nam và Thái Lan vì chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn.
Trong 10 năm qua, nhân dân tệ tăng 26% so với USD, chỉ đứng sau mức tăng 31% của đồng franc Thụy Sĩ. Trong quý 3, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,9% so với một năm trước, thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Sự yếu ớt của khu vực sản xuất và xuất khẩu đã triệt tiêu những tiến bộ trong ngành dịch vụ và tiêu dùng.
Đồng nội tệ tăng giá cũng ảnh hưởng đến nỗ lực chống lại giảm phát của Trung Quốc vì nó sẽ gây áp lực lên giá nhập khẩu. Báo cáo mới được công bố cho thấy trong tháng 10 chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm 5,9% so với 1 năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ 44 liên tiếp.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm phát, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nếu nhân dân tệ tiếp tục tăng so với USD", Xiao Geng, giáo sư ĐH Hồng Kông, nhận định.
Về phía Việt Nam, diễn biến lên giá của đồng USD ở trong nước đã tác động đến một số ngành, lĩnh vực, một số đối tượng trên thị trường, rõ nhất là đối với xuất nhập khẩu. Theo đó doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, ngược lại doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bất lợi. Đối với cả nền kinh tế do nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu (và ở vị thế nhập siêu), nên xét về giá trị tuyết đối sẽ bị thiệt, nhưng không thể phủ nhận việc USD lên giá cũng sẽ có tác động ngăn chặn nhập siêu.
Đáng lưu ý là, khi USD lên giá thì nợ ngoại tệ tính bằng tiền Việt Nam sẽ cao lên, số trả nợ sẽ tăng. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ thì chi phí vay vốn và trả lãi tính bằng tiền Việt cũng sẽ cao lên, làm giảm lãi suất hoặc tăng lỗ.
Ngoài ra, khi USD tăng giá, người có ngoại tệ sẽ không bán ra, tình trạng găm giữ USD sẽ tăng lên, làm cho tình trạng đô la hóa có nguy cơ trở lại.
Tuyết Nhung (theo Bloomberg)