Bé gái thấy khát nước vô tình uống phải chai nước chế biến bột bánh khiến bé bị bỏng nặng thực quản. Dù đã được các bác sĩ điều trị và cho xuất viện, nhưng sau đó bé gái này lại bị teo thực quản, không ăn uống được.
Bé gái trên là cháu Phạm Mai Lan (4 tuổi, ngụ ở Đồng Tháp).
Ngày 8.10, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, bé gái này được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nôn ói, ăn không được. Sau khi tiến hành nội soi, bác sĩ phát hiện một đoạn thực quản bị teo.
“Chúng tôi đã đặt stent để nong thực quản cho bé, hiện bé đã ăn uống trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều khả năng cơ của bé sẽ bong trở lại, nên mỗi tháng phải kiểm tra và nong 1 lần. Đối với bé gái này phải nong cả năm mới có thể hồi phục hoàn toàn”, bác sĩ Sơn cho biết.
Theo bác sĩ Sơn, đối với bệnh nhân bị bỏng thực quản, chọn đúng thời điểm nội soi là rất quan trọng để đánh giá mức độ tổn thương, có biện pháp xử lý chính xác. Nếu nội soi không đúng lúc, nhất là lúc mô đang mềm có thể gây thủng thực quản, tai biến tràn khí trung thất gây viêm trung thất, nguy cơ dẫn đến tử vong. Do đó, chỉ nên nội soi khi bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 24 đến 48 tiếng đồng hồ mới soi, còn nếu bệnh nhân đến trễ, từ ngày thứ 3 trở đi không nên nội soi.
Sau 3 tuần điều trị, nhận thấy tình trạng sức khỏe của bé ổn định, các bác sĩ đã tháo stent và cho bé xuất hiện. Tuy nhiên, sau đó bé lại xuất hiện tình trạng nôn ói, khó nuốt thức ăn nên gia đưa cháu trở lại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Theo người nhà của bé Lan, trong lúc bé ngồi chơi trên một sạp ván. Bất ngờ bé nhìn thấy 1 chai nước tro tàu để trên sạp ván, tưởng nước uống, bé liền vớ lấy chai nước này uống. Ngay sau đó, bé gào khóc dữ dội, mọi người chạy tới thì phát hiện 2 môi của bé bị đông đặc lại. Quá hoảng sợ, mọi người đã đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Theo bác sĩ Sơn, nước chế biến bột bánh mà dân gian thường gọi nước tro tàu. Đây là một loại dung dịch kiềm giúp bột trong và dai. Với những trường hợp bị bỏng do dung dịch kiềm này thường không nhìn thấy. Để xử lý ban đầu của bỏng do chất kiềm gây ra, cách tốt nhất là lấy nước lọc rửa sạch vết thương và cho bé uống nước lọc.
Nhiều người cứ nghĩ, xử lý bỏng do chất kiềm nên vắt chanh vào nước cho bé uống sẽ trung hòa chất kiềm, nhưng điều này sẽ lợi bất cập hại, vì chúng ta không biết chính xác nồng độ như thế nào có thể gây tổn thương thêm.
Hồ Quang