Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết rõ nhưng với những người đã có mẹ, chị em gái hoặc con gái từng mắc thì có đến 5% nguy cơ mắc bệnh này.
Buồng trứng là một trong các cơ quan sinh dục của người phụ nữ có chức năng phóng noãn và tiết ra các chất nội tiết (estrogen, progesteron) từ lúc dậy thì cho đến tuổi mãn kinh. Ung thư buồng trứng là khối u ác tính của buồng trứng, một trong những ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Ở Việt Nam, ung thư buồng trứng đứng hàng thứ ba sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú.
Càng lớn tuổi càng dễ mắc
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết rõ nhưng nếu trong gia đình đã có người bị mắc (mẹ, chị em gái hoặc con gái) thì nguy cơ mắc bệnh của bạn là 5%. Những phụ nữ dễ bị ung thư buồng trứng nữa, gồm: Không sinh hay vô sinh, có tiền sử dùng thuốc kích thích phóng noãn để điều trị vô sinh.
Ung thư buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, nhất là những phụ nữ sau mãn kinh. Bị béo phì ở thời trẻ cũng sẽ tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng sau tuổi mãn kinh.
Ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm thường diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu đặc biệt. Tuy nhiên, nếu có những biểu hiện sau đây thì hãy gặp ngay bác sĩ phụ khoa để được khám và phát hiện bệnh sớm: Rối loạn kinh nguyệt, đau hoặc nặng ở vùng bụng dưới, đau khi quan hệ vợ chồng, rối loạn tiểu (tiểu khó, són tiểu), mệt mỏi kéo dài, giảm cân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu, đại tiện táo hoặc tiêu chảy).
Rối loạn tiêu hóa có liên quan đến ung thư buồng trứng, bởi khối u buồng trứng chèn ép vào các cơ quan tiêu hóa như đại trực tràng gây các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Trường hợp u Krukenberg là một ung thư buồng trứng di căn từ dạ dày hoặc trực tràng thì rối loạn tiêu hóa cũng là những biểu hiện đầu tiên thường gặp. Ở giai đoạn muộn, các dấu hiệu trên sẽ kéo dài và nặng hơn, thậm chí sờ được khối u ở vùng bụng dưới, có nhiều trường hợp khối u to choán hết toàn bộ vùng bụng.
Chẩn đoán và điều trị
Điều trị ung thư buồng trứng bao gồm sự kết hợp phẫu thuật và điều trị hóa chất, nâng cao sức đề kháng của người bệnh. Khi đã chẩn đoán nghi ngờ ung thư buồng trứng thì việc phẫu thuật sẽ thực hiện mổ mở theo đường giữa dưới rốn, có khi kéo dài lên trên rốn nếu khối u quá to, để lấy trọn vẹn khối u. Có nhiều bệnh nhân yêu cầu mổ nội soi nhưng không được đáp ứng do khi mổ nội soi, khả năng phát tán của tế bào ung thư ra khoang bụng là rất cao, điều đó giúp tế bào ung thư di căn nhanh và xa hơn.
Tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư buồng trứng mà bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp. Ở giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư khu trú ở buồng trứng chưa lan ra lớp vỏ của buồng trứng thì việc phẫu thuật cắt tử cung và hai phần phụ tương đối dễ dàng. Cắt một phần mạc nối lớn cũng rất quan trọng nhằm đánh giá giai đoạn ung thư buồng trứng để có kế hoạch điều trị và tiên lượng sau phẫu thuật. Điều trị hóa chất kết hợp sau phẫu thuật sẽ cho tỉ lệ sống 5 năm là 66%.
Ở giai đoạn muộn hơn, khi tế bào ung thư đã xâm lấn vào các cơ quan lân cận trong chậu hông hoặc di căn xa hơn nữa thì việc phẫu thuật sẽ hết sức khó khăn. Nguyên tắc phẫu thuật trong các trường hợp này là cắt bỏ được càng nhiều tổ chức ung thư càng tốt. Điều trị hóa chất có thể thực hiện trước và sau khi phẫu thuật. Ở giai đoạn cuối của ung thư buồng trứng, tỉ lệ sống 5 năm chỉ còn 4%.
Khám ngay khi có biểu hiện bệnh
Hầu hết bệnh nhân ung thư buồng trứng đều đến bác sĩ ở giai đoạn muộn. Để việc phát hiện và điều trị đạt kết quả cao hơn, nên khám phụ khoa định kỳ hoặc khám ngay khi mới có những biểu hiện sớm của bệnh, nhất là những người có mẹ, chị hoặc em gái bị ung thư buồng trứng. Phụ nữ mang thai và cho con bú dù một lần trong đời cũng góp phần làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Các u thực thể của buồng trứng cũng phải được phẫu thuật sớm và làm xét nghiệm tổ chức học để nếu có tế bào ác tính thì phải xử trí triệt để
MTG