Ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục là sự thay đổi lớn không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn.

Ứng dụng KH-CN vào giáo dục: Còn nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật

Dạ Thảo | 20/10/2023, 11:00

Ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục là sự thay đổi lớn không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT gửi tới các trường đề án cũng như kế hoạch với những nội dung cụ thể trong việc thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục.

Theo chia sẻ của ngành giáo dục Q.Ba Đình (Hà Nội), đơn vị này cũng đã chỉ đạo cho 49/49 trường công lập tổ chức hội nghị đối thoại giữa hiệu trưởng với giáo viên, phụ huynh học sinh về những chủ đề nóng, vấn đề nổi cộm; trong đó có công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục cũng thúc đẩy triển khai đại trà sổ điểm, học bạ điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn ngành, đồng thời giúp đội ngũ giáo viên tiết kiệm nhiều thời gian, tập trung cho công tác chuyên môn. Số hóa trong giáo dục còn minh bạch kết quả học tập của học sinh, tránh tình trạng xin điểm của các phụ huynh cho con em mình.

z4736803013815_6e3b7a2bab7f65e682c3644f31e713e1.jpg
Các trường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào giáo dục để có thể tiếp cận kiến thức cho học sinh tốt hơn

Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Tú Anh (Trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Thanh Hóa) cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào ngành giáo dục đã giúp cho giáo viên tự tìm tòi, học hỏi những kiến thức công nghệ. Nó giúp cho các thầy cô ghi nhớ những việc cần thiết trong khi giảng dạy. Ngoài đánh giá định kỳ, còn có cột điểm đánh giá thường xuyên. Sổ phụ giúp giáo viên nắm được tiến bộ, thay đổi trong quá trình học tập của học sinh để cải thiện điểm số qua phát biểu xây dựng bài, đóng góp nổi bật trong quá trình làm dự án học tập…

Bên cạnh chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức dạy học và kết nối với phụ huynh học sinh, đại diện các trường bày tỏ về một số vướng mắc như hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế; nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa đồng đều... 

"Mong muốn lớn nhất của giáo viên chính là ngành giáo dục mở thêm các lớp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt đối với các thầy cô giáo lớn tuổi, chưa được tiếp xúc nhiều với công nghệ" - cô Mỹ Hảo (Trường THCS Mai Dịch, Hà Nội) cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình cho biết đơn vị đã lập đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư cho trường học thông minh và xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh của ngành GD-ĐT quận. Về khó khăn trong việc lựa chọn phần mềm phù hợp, ông Thuận nói quan điểm của phòng là sử dụng các phần mềm đã được cấp phép, chi phí phải chăng và sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể với từng nhà trường về nội dung này.

z4691256797498_1dd01b130f784c1048645b3781098a59.jpg
Nhiều trường tổ chức tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho các giáo viên

"Sắp tới để chuẩn bị cho ngày hội công nghệ thông tin cấp thành phố, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình sẽ tổ chức ngày hội công nghệ thông tin cấp quận với các nội dung như thi kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin dành cho giáo viên, nhân viên, thi bài giảng điện tử, xây dựng kho học liệu số... Hy vọng các thầy cô sẽ nâng cao năng lực bản thân, tiếp cận với chuyển đổi số ngành giáo dục thông qua ngày hội công nghệ này" - ông Thuận cho biết.

Cũng đưa ra quan điểm của mình, thầy Long (Trường THPT Mỹ Đình, Hà Nội) lại cho rằng hiện nay hầu hết phụ huynh ít quan tâm đến ứng dụng công nghệ trong ngành giáo dục, kể cả đó là các ứng dụng cập nhật, hay theo dõi kết quả, sức khỏe của con em. Một phần nguyên nhân là vẫn có những phụ huynh không dùng điện thoại có hỗ trợ internet, nhưng phần còn lại chính là rào cản kỹ thuật khiến việc truy cập, theo dõi gặp khó khăn.

"Phụ huynh họ có nhiều mối quan tâm khác nhau nên nếu phần mềm nào không đáp ứng được nhu cầu cũng như thuận lợi để theo dõi thì họ rất ít khi chú ý. Thường phụ huynh hay hỏi kết quả học tập của con em qua Zalo hay Facebook cá nhân, hoặc điện thoại. Hơn nữa công tác chuyển đổi số của trường còn một số khó khăn như kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin lớn, thiết bị hay hư hỏng, tốc độ truy cập của một số website có liên quan đến giáo dục chậm…" - thầy Long trao đổi.

Thực tế cho thấy, ngành giáo dục đang "hòa mình" vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ có thể tạo ra hiệu ứng khác nhau trong giáo dục và mang lại nhiều giá trị tích cực. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi giáo dục ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số trở thành giải pháp đúng đắn để giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục. Đây cũng là mục tiêu của ngành giáo dục, đặc biệt là ngành giáo dục thủ đô đang muốn trở thành mũi nhọn của ngành giáo dục trên cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng KH-CN vào giáo dục: Còn nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật