Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) - doanh nghiệp sở hữu hệ thống xe khách lớn nhất Việt Nam vừa quyết định đầu tư tối thiểu 100 triệu USD để phát triển ứng dụng VATO thông qua việc mua lại ứng dụng Vivu.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus), ông Nguyễn Trí Dũng xác nhận thông tin nói trên. Ông Dũng cho biếtPhương Trang quyết định mua Vivu và sáp nhập vào VATO, để tạo một hệ sinh thái thương mại điện tử.
Thương hiệu VATO ban đầu dự kiến ra mắt vào tháng 5.2018 tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sau quyết định rút lui của Uber Việt Nam, VATO sẽ ra mắt ngay trong tháng 4 này.
Với sự hỗ trợ từ Phương Trang, VATO không chỉ là ứng dụng gọi xe mà sẽ tích hợp nhiều chức năng đi kèm, tạo thành một hệ sinh thái các ứng dụng, bao gồm thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng…
Theo Tiền Phong, với 100 triệu USD này, ngoài phát triển ứng dụng, VATO sẽ dành cho các hoạt động khuyến mãi, dành cho hành khách lẫn tài xế. Năm đầu tiên, dự án sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỉ đồng. Đây cũng là hướng đi mà Uber và Grab đã thực hiện trong thời gian đầu tham gia thị trường Việt Nam.
Vivu ra mắt đầu tiên vào tháng 3.2016 với tên gọi FaceCar. Sau đó 1 năm, FaceCar đổi tên sang Vivu, ứng dụng hầu như không được quảng bá rộng rãi và ít được biết đến, số lượng xe hạn chế. Sự khác biệt của ứng dụng này là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (với giá tối thiểu Vivu đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi.
Trong khi đó, theo BizLive, Phương Trang phục vụ hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm với hơn 200 phòng vé, trạm trung chuyển trên toàn hệ thống, theo thông tin từ website công ty. Sau khi mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc (trước đây Phương Trang chỉ hoạt động phía Nam), Phương Trang đang có hơn 1.000 xe khách các loại. Phương Trang cũng tham gia kinh doanh taxi với hàng trăm chiếc tại TP HCM.
Ngoài ra, Phương Trang cũng là chủ sở hữu các dự án bất động sản như khu căn hộ Đà Nẵng Plaza, khu căn hộ cao cấp New Pearl, dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang vịnh Đà Nẵng.
Ngày 30.3, Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận chuyển nhượng mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á của Uber cho đối thủ Grab, đánh dấu lần rút lui thứ 2 của Uber tại thị trường châu Á.
Theo SGGP, lý do cơ quan chức năng nước nàyđưa ra là lo ngại thỏa thuận này có thể tạo thế độc quyền cho Grab, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và giới tài xế.
Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp tạm thời cho Uber và Grab, yêu cầu 2 công ty này không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.
Thông báo của ủy ban cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin mật liên quan đến vấn đề định giá, hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế