Twitter đang rời bỏ ít nhất 12 văn phòng quốc tế do đóng cửa hoặc không trả tiền thuê nhà. Các trung tâm ở châu Âu và thậm chí cả trụ sở chính của Twitter ở châu Á đều bị đóng cửa.

Twitter đóng cửa ít nhất 12 văn phòng quốc tế do nợ tiền và thu hẹp hoạt động

Sơn Vân | 12/01/2023, 17:25

Twitter đang rời bỏ ít nhất 12 văn phòng quốc tế do đóng cửa hoặc không trả tiền thuê nhà. Các trung tâm ở châu Âu và thậm chí cả trụ sở chính của Twitter ở châu Á đều bị đóng cửa.

Việc này diễn ra trong bối cảnh công ty liên tục cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên dưới thời Elon Musk. Tỷ phú Mỹ đang đóng cửa nhiều văn phòng Twitter quốc tế khi ông tiếp tục cắt giảm chi phí và cố gắng tìm cách để công ty có thể kiếm tiền.

Ít nhất 12 văn phòng quốc tế đã hoặc chuẩn bị đóng cửa, theo hai người quen thuộc với Twitter và các tin nhắn mà trang Insider đã xem. Một số văn phòng khác của Twitter ở Mỹ dự kiến ​​sẽ đóng cửa trong vài tuần tới.

Động thái này sẽ dẫn đến việc vài trăm nhân viên Twitter khác mất việc, bên cạnh hàng ngàn người bị Elon Musk sa thải hoặc từ chức kể từ khi tỷ phú 51 tuổi người Mỹ tiếp quản công ty cuối tháng 10.2022.

Văn phòng Twitter bị đóng cửa có cả ở Hồng Kông, Philippines, Mexico và châu Phi, nơi tất cả nhân viên Twitter bị sa thải vào tháng 11.2022, theo những người quen thuộc với vấn đề.

Các văn phòng Twitter ở Úc, Hàn Quốc và hầu hết văn phòng tại châu Âu và Ấn Độ đã hoặc dự kiến đóng cửa trong vài tuần tới, nguồn tin của Insider cho biết thêm và yêu cầu giấu tên.

Một văn phòng lớn ở Singapore, trụ sở chính của Twitter ở châu Á, cũng đóng cửa do không thanh toán tiền thuê nhà, theo phóng viên Casey Newton của trang Platformer.

Nguồn tin của Insider cho biết Elon Musk đã thanh toán khoản tiền thuê văn phòng quá hạn tại Singapore. Chủ sở hữu tòa nhà là CapitaLand, một trong những tập đoàn bất động sản đa dạng lớn ở châu Á. Những nhân viên buộc phải rời văn phòng Twitter trong giờ làm việc do bị đuổi đã được đề nghị quay lại làm.

twitter-dong-cua-it-nhat-12-van-phong-quoc-te.jpg
Cảnh bên trong văn phòng của Twitter của Singapore trước đây - Ảnh: Internet

Twitter trước đây có hơn hai mươi văn phòng quốc tế tại các thành phố lớn trải dài gần như tất cả khu vực trên thế giới, như Paris (thủ đô Pháp), Madrid (thủ đô Tây Ban Nha), Berlin (thủ đô Đức), Manila (thủ đô Philippines), Mumbai và Bangalore (hai thành phố Ấn Độ), Jakarta (thủ đô Indonesia), Ghana, cùng khoảng 20 văn phòng tại Mỹ.

Giờ đây, Twitter đang thảo luận nội bộ chỉ giới hạn các văn phòng ở một số nơi, chẳng hạn các thành phố lớn ở Mỹ như San Francisco, New York và Los Angeles, cũng như trên toàn cầu tại London (thủ đô Anh), Tokyo (thủ đô Nhật Bản), Dublin (thủ đô Ireland).

Một đại diện Twitter không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Lần khai trương văn phòng gần đây nhất của Twitter vào năm 2021 tại Ghana, sự hiện diện chính thức lần đầu của công ty truyền thông xã hội tại châu Phi.

Kayvon Beykpour, cựu lãnh đạo Twitter, đã viết trong một bài đăng trên blog công ty vào thời điểm đó: “Để thực sự phục vụ cuộc trò chuyện của công chúng, chúng ta phải hòa mình hơn vào các cộng đồng sôi động, những người thúc đẩy các cuộc trò chuyện diễn ra hàng ngày trên khắp lục địa châu Phi”.

Được khai trương lần đầu tiên vào năm 2015, văn phòng Singapore thậm chí còn mở rộng vào năm ngoái với nhiều không gian hơn và các kỹ sư đến để phát triển trong khu vực.

"Việc mở rộng các trung tâm kỹ thuật của chúng tôi bên ngoài Mỹ thúc đẩy cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một sản phẩm thực sự toàn cầu, toàn diện và dễ tiếp cận bằng cách tạo ra lực lượng lao động phân tán hơn", Twitter viết trong một tuyên bố về việc mở rộng sự hiện diện của mình tại Singapore.

Với các văn phòng quốc tế khác của Twitter, hầu hết đều là những cơ sở nhỏ hơn cho các hoạt động kinh doanh, bao gồm kỹ thuật và bán quảng cáo. Quảng cáo chiếm gần như toàn bộ doanh thu của Twitter, nhưng hoạt động kinh doanh gặp khó khăn dưới thời Elon Musk.

Với nền tảng tài chính đang xấu đi và các kế hoạch đầy tham vọng về doanh thu từ người đăng ký Twitter Blue không đạt được thành công, Elon Musk đã phải liên tục cắt giảm chi phí và tiến hành sa thải nhân viên. Lợi ích, đặc quyền và thậm chí cả nhân viên bảo vệ đã bị cắt giảm. Tuần trước, Twitter đã sa thải thêm nhân viên bộ phận Niềm tin và An toàn cùng Tiền tệ hóa.

Một số cá nhân cũng thường xuyên bị sa thải vì làm mất lòng Elon Musk theo cách này hay cách khác.

Hôm 11.1, Twitter vừa cho biết vụ rò rỉ dữ liệu chứa hơn 200 triệu tên và địa chỉ email người dùng không phải là kết quả của việc khai thác bất kỳ lỗi kỹ thuật nào trên nền tảng của họ.

Theo trang Bloomberg, công ty thông báo trong bài đăng trên blog rằng “không có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu bị rao bán trực tuyến có được bằng cách khai thác lỗ hổng của hệ thống Twitter”.

Twitter cho biết kho thông tin người dùng không khớp với dữ liệu bị lộ trong các sự cố bảo mật trước đó.

Tuần trước, một người dùng ẩn danh trên diễn đàn hack BreachForums đã rao bán cơ sở dữ liệu "có chứa thông tin cơ bản về hơn 200 triệu người dùng Twitter". BreachForums là diễn đàn thường được sử dụng để bán dữ liệu người dùng bị đánh cắp trong các vụ hack.

Các chuyên gia trước đây tin rằng hacker có thể lợi dụng lỗ hổng trong những dịch vụ dành cho lập trình viên của Twitter để đánh cắp dữ liệu. Thế nhưng, Twitter cho biết: “Dữ liệu có thể là một tập hợp dữ liệu đã được công khai trực tuyến thông qua các nguồn khác nhau”.

Hôm 11.11, Twtter cảnh báo người dùng nên sử dụng xác thực hai yếu tố và cẩn thận hơn khi nhận được email có thể được sử dụng để đánh cắp thông tin đăng nhập của họ.

Ngày 5.11, Reuters đưa tin chuyên gia bảo mật cho rằng hacker đã đánh cắp địa chỉ email hơn 200 triệu người dùng Twitter và đăng chúng lên BreachForums hòng thu lợi bất chính.

"Thật không may, vụ rò rỉ này sẽ dẫn đến rất nhiều vụ hack và lừa đảo có chủ đích", Alon Gal, đồng sáng lập công ty giám sát an ninh mạng Hudson Rock (Israel), viết trên LinkedIn. Alon Gal cho rằng "đây là một trong những vụ rò rỉ nghiêm trọng nhất mà ông từng chứng kiến".

Theo nhiều nguồn tin, tập tài liệu được phát tán bao gồm địa chỉ email hoặc số điện thoại của khoảng 235 triệu người dùng Twitter. Thông tin này đã được ghép nối với các chi tiết được thu thập công khai từ hồ sơ người dùng, cho phép tội phạm mạng tạo hồ sơ dữ liệu hoàn chỉnh hơn về các nạn nhân tiềm năng.

Trang Bleeping Computer cảnh báo rằng thông tin của mỗi người dùng không chỉ có địa chỉ email, số điện thoại mà còn gồm tên, số lượng người theo dõi và ngày tạo tài khoản. Trang Gizmodo cho rằng dữ liệu người dùng có dung lượng 63 GB đó thực tế đã bị đánh cắp từ năm 2021.

Tờ Washington Post đưa tin các hacker đã khai thác lỗ hổng API trong nền tảng của Twitter để tra cứu thông tin người dùng được kết nối với hàng trăm triệu tài khoản khác.

Lỗi này đã tạo ra một chức năng “tra cứu” kỳ lạ, cho phép bất kỳ người nào nhập số điện thoại hoặc email vào hệ thống của Twitter. Sau đó, chức năng này sẽ xác minh xem thông tin xác thực có được kết nối với một tài khoản đang hoạt động hay không. Thậm chí lỗ hổng này còn tiết lộ cụ thể tài khoản nào được liên kết với thông tin đăng nhập được đề cập.

Lỗ hổng ban đầu được phát hiện ở chương trình phát hiện lỗi có thưởng của Twitter vào tháng 1.2022. Song mãi đến tháng 8.2022, phía Twitter mới chính thức công khai thừa nhận lỗ hổng này.

Trong một bài đăng trên blog, Twitter cho biết lỗi đó là kết quả của việc cập nhật đoạn mã vào tháng 6.2021. Vào thời điểm đó, Twitter trấn an người dùng rằng “không có bằng chứng nào cho thấy ai đó đã lợi dụng lỗ hổng này”.

Tuy vậy, một bộ dữ liệu được cho chứa địa chỉ email và số điện thoại của hơn 400 triệu người dùng Twitter sau đó đã được rao bán trên BreachForums. Hacker tuyên bố bộ dữ liệu có cả những người nổi tiếng, doanh nghiệp và tổ chức chính phủ. Hacker có nickname Ryushi đã chia sẻ hai mẫu dữ liệu trên BreachForums, với cựu Thủ tướng Úc - Scott Morrison có thể nằm trong số những người dùng Twitter bị ảnh hưởng.

Hồ sơ người dùng bị rao bán chứa dữ liệu Twitter công khai và riêng tư, gồm cả địa chỉ email, tên, tên người dùng và số điện thoại. Hacker tuyên bố một lỗ hổng hệ thống vào năm ngoái giúp chúng đánh cắp dữ liệu trước khi sự cố được khắc phục vào đầu năm 2022.

Ryushi trực tiếp đề cập đến Elon Musk, Giám đốc điều hành Twitter, nói rằng công ty của ông đang phải đối mặt với những hậu quả từ chính quyền châu Âu vì vụ rò rỉ dữ liệu trước đó. Ngoài ra, hacker kêu gọi tỷ phú 51 tuổi người Mỹ mua lại dữ liệu để ngăn chặn sự cố tiếp theo.

Ryushi nói với trang Bleeping Computer rằng đang cố bán cho Twitter dữ liệu với giá 200.000 USD rồi sẽ xóa dữ liệu đó, hoặc bán các bản sao cho nhiều người với giá 60.000 USD mỗi lần bán hàng.

Bài liên quan
Các startup mọc lên từ đống tro tàn sau cuộc sa thải nhân viên ồ ạt của Meta, Twitter, Microsoft
Quỹ Day One Ventures đã đưa ra sáng kiến tài trợ cho các công ty khởi nghiệp được thành lập bởi những người mất việc làm công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Twitter đóng cửa ít nhất 12 văn phòng quốc tế do nợ tiền và thu hẹp hoạt động