Phát biểu tại Đại học Houston ngày 22.5, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết bà dùng tính cách khó đoán của Tổng thống Donald Trump để buộc Trung Quốc tham gia chiến dịch trừng phạt quốc tế với CHDCND Triều Tiên.
Theo Đại sứ Mỹ: “Tôi luôn dùng tính khó đoán của Tổng thống Trump để giúp những trừng phạt được thông qua”.
Bà kể lại một lần đối thoại với các đối tác phía Trung Quốc: “Khi họ từ chối ngưng không cho lao động Triều Tiên sang làm việc, tôi bảo được thôi, nhưng nói thêm rằng không thể đảm bảo Tổng thống Trump sẽ không dùng đến quân đội. Tôi không cam kết Mỹ sẽ không cho tiến hành nhiều hành động mạnh mẽ hơn, vì vậy tại sao ta không làm việc này (cấm lao động Triều Tiên) và xem thử nguồn thu của Bình Nhưỡng có bị cắt giảm không”.
“Vậy là balệnh trừng phạt đều trót lọt, và khi đã khiến Trung Quốc đồng ý thông qua thì tôi chuyển hướng sang các nước khác, như Nga. Chúng tôi khiến họ thay đổi quan điểm”, bà Haley cho biết.
Theo đài CNN, chiến thuật của Đại sứ Haley tương tự như “Lý thuyết người điên” (Madman Theory) được Ngoại trưởng Henry Kissinger và Tổng thống Richard Nixon áp dụng vào những năm 1970. Vào thời điểm đó, ông Nixon tạo cho mình một hình tượng lãnh đạo dễ thay đổi bất chợt để gây rối các đối thủ của mình, qua đó chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán thời Chiến tranh Lạnh.
Trong buổi nói chuyện tại đại học Houston, Đại sứ Haley thừa nhận bà và Tổng thống Trump có cách giao tiếp khác biệt nhau, nhưng bà luôn được ông Trump ủng hộ khi đặt các vấn đề nhân quyền tại Liên Hợp Quốc.
Khi Triều Tiên năm 2017 tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, đã ủng hộ và tuân thủ những nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Cường quốc châu Á đã cấm xuất khẩu sắt, thép, máy móc công nghiệp, phương tiện vận tải,… cũng như hạn chế xuất khẩu xăng dầu sang quốc gia láng giềng. Biện pháp ngừng sử dụng lao động Triều Tiên cũng được thực hiện.
Tuy vậy, khi tình hình chuyển biến tích cực. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng với những tính toán riêng đang cố gắng cải thiện mối quan hệ song phương. Trung Quốc không muốn bị “gạt ra rìa” của các cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa, còn Triều Tiên muốn có được sự ủng hộ của một cường quốc trước khi bước vào đàm phán với Mỹ.
Cẩm Bình (theo CNN)