Đủ điểm chuẩn vẫn rớt
Khi trường ĐH Tài chính marketing công bổ điểm chuẩn trúng tuyển, nhiều TS đăng ký xét tuyển vào trường tá hỏa bởi điểm chuẩn có yêu cầu thêm tiêu chí phụ. Trường lấy điểm chuẩn trúng tuyển từ 21-22,5 điểm tùy theo ngành (trừ ngành Ngôn ngữ Anh có nhân hệ số). Thế nhưng, đủ điểm trúng tuyển cũng chưa chắc đậu. Những TS có tổng điểm bằng điểm trúng tuyển thì sẽ xét đến các tiêu chí phụ. Cụ thể, điểm tiêu chí phụ tùy theo ngành sẽ dao động từ 6-7,75 điểm, là mức điểm tối thiểu để xét trúng tuyển. Như vậy, nhiều TS dù đủ điểm chuẩn trúng tuyển vào trường cũng đành ngậm ngùi "rời cuộc chơi".
Anh Thanh Hùng (Q.Bình Tân), một phụ huynh có con xét tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh của trường cho biết: Ban đầu, trường đâu có thông báo điểm phụ, điểm sàn xét tuyển là 15 điểm. Thấy con mình hơn điểm sàn xét tuyển đến 7 điểm nên tôi yên tâm nộp hồ sơ vào. Mỗi ngày nhìn điểm chuẩn tạm thời của trường cứ nhích lên vô cùng căng thẳng, may mắn con số chốt hạ đúng ngay mức 22 điểm, niềm vui như vỡ òa khi con tôi vừa đủ điểm vào ngành học yêu thích. Giờ tự nhiên "thò" ra thêm hai tiêu chí phụ yêu cầu môn toán và vật lý phải đạt từ 7,5 điểm trở lên, con tôi bị vướng môn vật lý. Rớt ở thời điểm sau khi đã tin chắc mình đậu thật đau đớn. Giờ chỉ trông chờ vào NV bổ sung mà hầu như rất ít trường ĐH công lập còn tuyển NV bổ sung.
Không ít TS "vỡ mộng" dù đủ điểm trúng tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng cũng phải ngậm ngùi chuyển sang trường khác. Để trúng tuyển vào trường, TS phải đạt 31,67 điểm (nhân hệ số môn chính) với ngành Ngôn ngữ Anh, các ngành còn lại là 23,25 điểm và áp dụng tiêu chí phụ là môn toán từ 7 điểm trở lên."Rất nhiều TS đủ điểm vào trường nhưng không đủ điểm môn toán. Trường đâu có thông báo điểm này để TS biết trước. Tôi thấy điều này là không công bằng với các em đã đủ điểm chuẩn nhưng vẫn trượt", chị Minh Mẫn, phụ huynh của một TS bức xúc.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM là một trong những trường có điểm chuẩn NV1 thuộc hàng cao nhất nước. Nhiểu ngành của trường có điểm chuẩn lên đến 28 điểm (ngành Bác sĩ đa khoa), 27,25 điểm (Bác sĩ Răng hàm mặt), 26 điểm (Dược sĩ đại học)... Muốn đậu vào những ngành này, TS phải có điểm thi thuộc hàng rất "khủng". Điển hình như ngành Bác sĩ đa khoa có điểm chuẩn lên đến 28 điểm, TS muốn vào ngành này trung bình mỗi môn thi phải đạt hơn 9,3 điểm. Thế nhưng, đủ 28 điểm chuẩn chưa chắc đậu, còn phải đủ điểm tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ đang khiến nhiều TS điểm cao "khóc thét", điểm tiêu chí phụ dao động từ 6,25-9 điểm tùy theo ngành, trong đó, ngành Dược sĩ đại học có điểm tiêu chí phụ lên đến 9 điểm.
Rất nhiều trường xét tiêu chí phụ kèm theo điểm chuẩn khiến nhiều TS rớt rất oan uổng, dù đủ điểm chuẩn cũng bị loại. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có tính điểm theo thứ tự ưu tiên các môn thi trong từng tổ hợp xét tuyển, điểm này dao động từ 5-8,5 điểm tùy theo tổ hợp xét tuyển. Trường ĐH Mở TP.HCM cũng tính đến điểu kiện bổ sung khi xétTS trúng tuyển...
Nghịch lý nằm ở chỗ các trường không thông báo điểm tiêu chí phụ này trước thời gian nộp hổ sơ xét tuyển để TS lượng sức. TS bị đẩy vào thế đã rồi không thể xoay sở được, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết: Không phải các trường cố tình đẩy cái khó về cho TS mà về mặt kỹ thuật buộc phải như thế. Mọi năm, TS muốn vào trường nào thì dự thi trường đó. Thi xong, các trường có dữ liệu điểm, lấy từ trên xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu thì ngừng nên hoàn toàn chủ động trước khi xác định điểm chuẩn trúng tuyển. Nhưng năm nay, các trường không biết TS có điểm thi như thế nào sẽ xét vào trường, bao nhiêu TS tham gia xét... Chính vì vậy, các trường không có dữ liệu để công bố điểm tiêu chí phụ ngay từ đầu cho TS, phải chờ TS nộp mới có dữ liệu, vấn đề phát sinh khi có quá nhiều TS bằng mức điểm chuẩn nhưng nếu lấy hết sẽ vượt chỉ tiêu quy định, buộc các trường phải đưa ra tiêu chí phụ để loại bớt TS cho đủ chỉ tiêu.
|
Tiêu chí phụ khiến nhiều thí sinh trượt trong tức tưởi |
Cuộc đua nguyện vọng bổ sung: vắng bóng các “ông lớn”
Những TS bị loại vào giờ chót ở các trường ĐH lớn vì tiêu chí phụ đều có chung hoàn cảnh: điểm thi cao và mong muốn vào đúng ngành học, ngôi trường yêu thích. Nguyện vọng đó là chính đáng nhưng ngay khi trượt NV1 ở ngôi trường yêu thích, các em không còn nhiều cơ hội để vào các trường ĐH công lập ở NV bổ sung. Hầu hết các trường ĐH công lập lớn đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở NV1 nên không xét tuyển thêm NV bổ sung. Sân chơi NV bổ sung hoàn toàn vắng bóng các "ông lớn". Các trường ĐH Tài chính marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM,ĐH Luật TP.HCM, một số trường thành viên ĐH Quốc giaTP.HCM... đều không xét tuyển NV bổ sung.
Cuộc đua tìm "vé vớt"ở NV bổ sung chỉ lác đác vài cái tên công lập còn thiếu chỉ tiêu. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM không xét tuyển NV bổ sung cho các ngành bậc ĐH chính quy, chỉ xét các ngành ở bậc CĐ. Tương tự, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ xét tuyển NV bổ sung cho một ngành duy nhất ở bậc CĐ là ngành Bảo dưỡng công nghiệp nhưng cũng chỉ còn 30 chi tiêu.
Phần lớn các trường còn xét NV bổ sung là trường ĐH địa phương và ĐH ngoài công lập. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét NV bổ sung từ 18,75 điểm đối với ngành Dược học. Các ngành còn lại nhận hổ sơ 15 điểm cho bậc ĐH và 12 điểm cho bậc CĐ.
Trường ĐH Văn Hiến xét tuyển cho tất cả các ngành ở bậc ĐH là 15 điểm và bậc CĐ là 12 điểm (xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia). Riêng những TS xét tuyển bằng điểm học bạ THPT là 18 điểm cho ĐH và CĐ là 16,5 điểm.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận hồ sơ từ 16 điểm cho các ngành Kỹ thuật cơ-điện tử, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là 15,5 điểm. Ngành Ngôn ngữ Nhật là 17 điểm. Tất cả các ngành còn lại là 15 điểm.
Theo Gia Tuệ/ Phụ nữ thành phố