Sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển của các trường đại học không, thí sinh cần cân nhắc những gì khi quyết định đăng ký chọn trường?
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có 4 môn thi, trong đó 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn được lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Với phương án thi này, sẽ có 36 cách lựa chọn các môn thi thay vì các tổ hợp như trước. Tuy nhiên, do số lượng môn thi giảm (từ 6 môn hiện nay xuống còn 4 môn) sẽ dẫn đến số lượng các tổ hợp xét tuyển đại học (ĐH) giảm so với hiện nay. Điều này buộc các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT phải điều chỉnh, tính toán cho phù hợp.
Trong khi từ năm 2025 trở đi, thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các cơ sở giáo dục ĐH cần tính toán phương thức tuyển sinh. Trong giai đoạn này, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vẫn được tổ chức, nhưng rất khó để đáp ứng hoàn toàn cho các trường ĐH xét tuyển đầu vào, vì mỗi trường có yêu cầu khác nhau.
Do đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Khi tổ chức kỳ thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh, tránh việc đi lại tốn kém và phải tham dự nhiều kỳ thi.
Tuy nhiên, bên cạnh một số ý kiến đồng tình, cũng còn một số ý kiến băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi riêng.
Nhiều trường ĐH cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn sẽ không ảnh hưởng đến các phương thức tuyển sinh riêng hiện được sử dụng ở các trường hiện nay, như: Xét kết quả học tập THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, ưu tiên xét tuyển chứng chỉ quốc tế… Bên cạnh đó, Chương trình GDPT 2018 hướng tới đánh giá năng lực thật sự của học sinh nên các kỳ thi riêng do một số trường ĐH lớn tổ chức như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ ngày càng trở nên quan trọng và chiếm ưu thế.
Điều này sẽ dẫn tới xu hướng ngày càng có nhiều trường ĐH ưu tiên chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển riêng và giảm dần chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đối với các trường vẫn sử dụng phương án xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì sẽ phải có sự sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp hơn. Việc sắp xếp này sẽ được căn cứ vào thực tế lựa chọn môn học tự chọn của học sinh trong Chương trình GDPT 2018.
PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích các trường ĐH giữ ổn định về quy chế tuyển sinh và đơn giản hóa các phương thức xét tuyển. Vì vậy, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng sẽ tiếp tục giữ ổn định về phương thức tuyển sinh, kể cả phương thức tuyển sinh năm 2025. Tuy nhiên, trường sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng dần các hình thức xét tuyển kết hợp, trong đó chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Theo một giáo viên tại TP.HCM, trong 3 năm gần đây, các phương án xét tuyển vào ĐH ngày càng đa dạng (khoảng 20 phương thức xét tuyển). Do vậy, sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ không có nhiều ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển ĐH của các trường.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại cho rằng, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường. Theo đó, áp lực cũng gia tăng. Vì vậy, nếu đăng ký tham gia kỳ thi riêng, các em chỉ nên lựa chọn một kỳ thi là đủ. Ngoài ra, hiện hầu như các trường THPT đều tổ chức cho học sinh thi thử 1 - 2 lần. Vì thế, các em được làm quen và cọ xát với đề thi nên tự biết sức mình đến đâu. Do đó, việc đăng ký nhiều kỳ thi riêng là không cần thiết. Nếu các em lựa chọn không hợp lý, sẽ phải ôn tập dàn trải cho các kỳ thi. Vô hình trung dẫn đến quá tải, không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí là “xôi hỏng bỏng không”.
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), năm nay các cơ sở giáo dục ĐH chủ động trong công tác tuyển sinh. Một số đơn vị thông báo sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy (kỳ thi độc lập/kỳ thi riêng). Việc học sinh đăng ký tham dự các kỳ thi này sẽ tăng cơ hội xét tuyển theo phương thức khác nhau.
Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu của các kỳ thi khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm cũng khác. Do đó, thí sinh cần xem xét đề án tuyển sinh của các trường (xét tuyển theo phương thức gì) để cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân. Tránh việc đăng ký tham gia quá nhiều kỳ thi, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, gây áp lực và gánh nặng về thi cử, mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Cũng cần phải lưu ý rằng các kỳ thi này có định hướng vào lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, kỳ thi của hai Đại học Quốc gia có phạm vi, lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên. Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an… Vì vậy, thí sinh không cần tham gia nhiều kỳ thi. Trên hết, cần có hiểu biết kỹ càng và đưa ra cân nhắc, lựa chọn khôn ngoan.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ đã tốt nghiệp THPT thì mới đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH, cao đẳng. Ví dụ, các em muốn đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an, bắt buộc phải tham gia kỳ thi do Bộ Công an tổ chức để lấy kết quả xét tuyển.