Chỉ còn một ngày nữa, các trường ĐH-CĐ chính thức khóa sổ xét tuyển nguyện vọng (NV1) thí sinh (TS), phụ huynh vẫn đang thấp thỏm với điểm thi. Nhiều TS điểm cao có nguy cơ bị loại bởi những đối thủ thấp điểm hơn do cách tính điểm ưu tiên nhân hệ số 4/3 (đối với các ngành có nhân hệ số môn chính).
Phúc khảo tăng đến gần 6 điểm
TS Phạm Thị Lan A. (số báo danh SPS000827) dự thi tại cụm thi ĐH Sư phạm TP.HCM xin phúc khảo điểm thi. Sau phúc khảo, điểm thi môn toán của TS này từ 1,75 tăng lên thành 7,5 điểm, nâng tổng điểm thi từ 17 (toán - hóa - sinh) lên 22,75 điểm. TS Nguyễn Thị Quỳnh H. (SPS008190) vui mừng khi hai môn thi xin phúc khảo đều được tăng điểm. H.cho biết: "Em thấy điểm thi chưa đúng với kết quả bài làm, em xin phúc khảo lại hai môn toán, văn. Kết quả mỗi môn được tăng lên 1 điểm, làm tăng khả năng cạnh tranh của em khi tham gia xét tuyển". Trong số khoảng 3.000 bài thi chấm phúc khảo, có 41 bài thi sau phúc khảo tăng điểm từ 0,25 đến 5,75 điểm.
TS Hồ Đăng Kh. (SGD005829) dự thi tại cụm thi ĐH Sài Gòn có điểm thi môn toán ban đầu chỉ đạt 2 điểm. "Em thấy bài làm cũng tốt nhưng không hiểu sao điểm thi lại thấp như vậy. Em xin phúc khảo và kết quả đúng là em đạt 5,25 điểm", TS này cho biết. Trường ĐH Sài Gòn Có 18 bài thi thay đổi sau khi chấm phúc khảo, tăng từ 0,25 đến 3,75 điểm. Trong đó, có 16 trường hợp do chấm sót ý, hai trường hợp còn lại do lỗi nhập điểm và cộng điểm sai. Điểm của TS Bùi Thị Ng. (SGD008065) từ 3,5 tăng lên thành 7,25 điểm do nhập sai điểm.
Cụm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng có 116 TS được thay đổi điểm thi sau khi chấm phúc khảo. Những bài thi này thay đổi từ 0,25 đến 1 điểm so với điểm thi trước đó. Trong đó, môn văn có sự thay đổi nhiều nhất, khoảng 80 bài, hầu hết do chấm sót ý. Cụm thi do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì có 655 bài thi xin chấm phúc khảo. Sau khi chấm lại, có 41 bài thi thay đổi điểm, chủ yếu là do chênh lệch các ý nhỏ.
Đúng như dự đoán, với lượng bài thi tự luận quá lớn, các cụm thi bị áp lực về thời gian chấm, dẫn đến sai sót.
Điểm ưu tiên bằng điểm một môn thi?
Nhiều TS nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cảm thấy hoang mang về mức điểm ưu tiên của nhiều "đối thủ" cùng xét tuyển vào trường. Một TS xét tuyển vào ngành tiếng Anh thương mại cho biết: "Nhiều bạn được tính điểm ưu tiên gần 5 điểm, tương đương điểm một môn thi của người khác. Như vậy sao công bằng với tụi em?".
TS N.C.M. thắc mắc rằng mình có điểm thi sau khi nhân hệ số 2 môn tiếng Anh đạt 35,75 điểm, nhưng do ở KV3, lại không thuộc đối tượng ưu tiên nào nên điểm xét tuyển vẫn chỉ là 35,75 điểm. Trong khi đó, một TS khác cũng đang xét tuyển vào ngành tiếng Anh thương mại có tổng điểm thi sau khi nhân hệ số môn tiếng Anh chỉ 32,25 điểm, thấp hơn M. Nhưng do được tính điểm ưu tiên đến 4,67 điểm, điểm xét tuyển của TS này lên đến 36,92 điểm, xếp trên M. đến mấy bậc. Rất nhiều TS nhờ điểm Ưu tiên nhân hệ số đã nhảy vọt lên, vượt nhiều TS khác có điểm thi cao hơn. TS có điểm thi cao hơn bỗng bị "rớt hạng" không phải hiếm.
Nhiều trường ĐH cũng đang áp dụng cách quy đổi điểm ưu tiên nhân hệ số. Ngành ngôn ngữ Anh của ĐH Sài Gòn áp dụng cách tính này nên nhiều TS lọt vào top an toàn so với những người có cùng điểm thi. Tương tự, nhiều trường như ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH sư phạm TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM... cũng áp dụng cách quy đổi điểm ưu tiên như trên đối với những ngành có điểm xét tuyển nhân hệ số môn thi chính.
Điểm ưu tiên bao gồm điểm ưu tiên đối tượng (tối đa 2 điểm) và điểm ưu tiên khu vực (tối đa 1,5 điểm). Như vậy, điểm ưu tiên tối đa mà một TS được hưởng là 3,5 điểm. Thế nhưng, những TS xét tuyển vào các ngành có điểm nhân hệ số 2 đối với môn chính sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách tính điểm ưu tiên nhân hệ số. Thực tế, rất nhiều trường đang áp dụng cách tính điểm theo công thức: điểm chuẩn = (điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm môn 3x2) + điểm ưu tiên (nếu có) x4/3. Với cách tính này, nhiều phụ huynh cho rằng, Bộ đang tạo ra một sân chơi không công bằng, kéo quá rộng khoảng cách giữa TS được hưởng điểm ưu tiên và TS không được ưu tiên. TS đã được hưởng điểm ưu tiên đối đa, lại còn được nhân hệ số như trên xem như được "chấp" điểm một môn thi so với người khác.
Rất nhiều phụ huynh, TS đang nộp hồ sơ xét tuyển ở các ngành có nhân hệ số 2 môn chính rất lo lắng trước cách quy đổi này. Họ cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên cho TS vùng sâu vùng xa, đối tượng con thương binh, liệt sĩ... là hợp lý. Nhưng, điểm ưu tiên được nhân thêm hệ số thì thành ra quá lớn, không công bằng với những TS khác. Ngược lại, nhiều trường ĐH khác lại áp dụng cách tính điểm ưu tiên như bình thường, không quy đổi theo kiểu nhân hệ số, nghĩa là điểm ưu tiên tối đa mà một TS được hưởng là 3,5 điểm.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng cả hai cách tính điểm ưu tiên trên đều đúng. Dù một cách tính dẫn đến TS tối đa được hưởng 3,5 điểm; còn một cách thì dẫn đến tối đa gần 5 điểm. Trong khi, với kỳ xét tuyển vào ĐH-CĐ, chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm là đủ để thay đổi một số phận.
Theo Gia Tuệ/ Phụ Nữ TP.HCM