Chiều tối 11.5, Bộ GD-ĐT đã thông tin có hơn 1 triệu học sinh đăng ký dự kỳ thi THPT 2021, trong đó có gần 80% thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Tuyển sinh 2021: Thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng, các chuyên gia đưa lời khuyên

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 12/05/2021, 10:50

Chiều tối 11.5, Bộ GD-ĐT đã thông tin có hơn 1 triệu học sinh đăng ký dự kỳ thi THPT 2021, trong đó có gần 80% thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Ngày 11.5 là thời điểm kết thúc đăng ký dự thi THPT 2021, Bộ GD-ĐT cho biết đã có tổng số 1.014.972 học sinh đăng ký dự thi trên hệ thống, số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường chiếm tới 74,76%. Các em đã đăng ký tổng số lượng nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ là 3.508.718 nguyện vọng, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng.

Đợt đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, tuy vậy công tác đăng ký dự thi được Bộ GD-ĐT nhận định là diễn ra thuận lợi, bảo đảm tiến độ. Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, các trường tổ chức rà soát để bảo đảm độ chính xác của dữ liệu đăng ký dự thi. Bộ GD-ĐT sẽ cùng các địa phương tiếp tục phối hợp để xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) để bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những học sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT mà chưa đăng ký xét tuyển đại học, vẫn được phép đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến từ ngày 12.5. Các thí sinh đã đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng đến 17 giờ ngày 16.5, do đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đến nay vẫn chưa phải là con số cuối cùng.

Đáng chú ý trong lần đăng ký tuyển sinh năm 2021 có một học sinh đăng ký tới 99 nguyện vọng xét tuyển vào kỳ thi THPT 2021. Trao đổi với phóng viên về những nguyện vọng của thí sinh này, thạc sĩ Nguyễn Thái Châu (Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính) cho biết các thí sinh không nên tham quá khi đăng ký nhiều nguyện vọng vì phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán từ cao xuống thấp, lọc ảo theo điểm. Thực tế những năm trước, nhiều thí sinh đăng ký ngành hoặc trường dễ trúng tuyển lên trên, những trường khó xuống dưới. Khi xét tuyển nếu trúng tuyển vào ngành nào thì sẽ không được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng sau, chính vì thế khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển các em nên ưu tiên cao nhất là ngành học mình yêu thích và khả năng của mình, sau đó mới đến các trường khác, ngành khác, không nên xếp ngược dễ dẫn đến tình trạng "trúng tuyển không được mà học cũng không xong".

thi-thpt-2020-da-thao-14.jpg
Các học sinh chỉ nên đăng ký khoảng 5-6 nguyện vọng, vừa tiết kiệm cho gia đình lại vừa đúng mục tiêu

"Khi nộp hồ sơ, các em phải có mục tiêu trọng tâm, trước tiên là tìm hiểu công việc tương lai có phù hợp với năng lực gia đình, xu thế cũng như đang được đào tạo ở trường nào. Chỉ cần các em cố gắng sử dụng nhiều phương thức để đạt hết quyền lợi của mình và lưu ý ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển, các điều kiện tuyển sinh của từng trường. Theo tôi, các em nên đăng ký từ 5-6 nguyện vọng là phù hợp nhất, nếu chọn 1 ngành mà xét tuyển nhiều trường thì cũng nên nhưng nếu nhiều ngành ở nhiều trường hoặc nhiều ngành ở 1 trường thì là điều không nên" - ông Châu khuyên.

Cũng chung với ý kiến thạc sĩ Châu, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) khuyên các em nên lựa chọn ưu tiên nhất ngành học mình thích nhất để lấy động lực phấn đấu, còn lại chỉ khoảng 3-5 nguyện vọng là vừa hoặc thấp hơn năng lực của mình để dự phòng.

"Việc các em đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ làm tăng cơ hội trúng tuyển của bản thân lên cao, tuy nhiên nếu không sắp xếp hợp lý sẽ bị rối, đặc biệt là nguyện vọng sau có điểm xét tuyển sẽ cao hơn nguyện vọng trước một chút. Nếu lựa chọn sai, các em sẽ khó có thể theo học ngành nghề phù hợp với bản thân, đặc biệt ở sở trường của mình cũng không được phát huy. Hoặc lựa chọn sai ngành cũng dễ dẫn đến tâm lý chán học khi đang theo học tại một trường nào đó. Chính vì thế các em cần suy nghĩ kỹ để lựa chọn ngành nghề thật sự phù hợp với mình, tăng cơ hội trúng tuyển", ông Bình nói.

Tuyển sinh năm nay có một số điểm mới, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng trực tuyến thay cho đăng ký nguyện vọng trên giấy. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến. Mùa tuyển sinh năm nay cũng ghi nhận sự đa dạng các phương thức xét tuyển khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, đáng chú ý là một số cơ sở đã tổ chức kỳ thi bổ sung, bên cạnh xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu: Các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển khi yêu cầu thí sinh trong tuyển sinh, không để có tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển; không thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT, gây bức xúc xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh 2021: Thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng, các chuyên gia đưa lời khuyên