Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa cho phép điều chỉnh thiết kế cơ sở một số hạng mục công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc trong đó có việc điều chỉnh hạ cao độ mực nước dâng xuống gần 1m để giảm diện tích đất nông nghiệp ở đảo Ngọc bị ngập.
>>Dự án đập dâng sông Trà Khúc điều chỉnh từ 60 tỉ lên gần 1.500 tỉ
>>Phát Đạt để cát trên sông Trà Khúc chuyển ra ngoài
Ý kiến của ông Căng dựa trên đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi và Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này.
Theo đó, thống nhất vi chỉnh tuyến đập phía bờ bắc để đảm bảo tuyến đập vuông góc với dòng chảy. Điều chỉnh cao độ mực nước dâng bình thường trước đập dâng từ +3,65m xuống +3,50m (hệ cao độ quốc gia) để giảm thiểu diện tích đất nông nghiệp bị ngập tại đảo Ngọc.
Ở hạ lưu đảo Ngọc cũng được điều chỉnh hình thức gia cố mái kè; cụ thể là dạng kè mái nghiêng tấm bê tông đúc sẵn trong khung bê tông, phía dưới lót dăm sạn đệm và vải địa kỹ thuật, chân kè bằng ống buy D=1.000mm, bên trong độn đá hộc.
Cao độ đáy của các khoang cống tại đập dâng cũng được điều chỉnh (bờ bắc 8 khoang, bờ nam 11 khoang). Đồng thời, bổ sung bể tiêu năng phía hạ lưu 5 khoang cống có cao độ đáy -1,50m để tiêu năng, chống xói lở hạ lưu công trình và đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý, vận hành.
Trong lần điều chỉnh này, hạng mục âu thuyền được quyết định không đầu tư… Theo ý kiến của chủ tịch Quảng Ngãi, việc điều chỉnh thiết kế cơ sở các hạng mục công trình nêu trên phải được tính toán, thiết kế chi tiết, đảm bảo kinh tế-kỹ thuật và không vượt tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt tại quyết định số 1509/QĐ-UBNF ngày 31.8.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Sông Trà Khúc nhìn từ phía hạ lưu dự án đập dâng đang triển khai
Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vào tháng 4.2004 với tổng mức đầu tư 60,7 tỉ đồng. Mục tiêu lúc đầu của dự án là giữ nước, tạo mức nước dâng trên sông Trà Khúc đoạn qua TP.Quảng Ngãi nhằm tạo cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí và ngăn xâm nhập mặn... Khi dự án được phê duyệt, thân đập được làm bằng cao su.
Đến năm 2009, dự án được điều chỉnh, bổ sung quy mô thân đập bằng bê tông, tổng vốn đầu tư tăng lên 225,3 tỉ đồng. Tháng 9.2010, công trình được khởi công rầm rộ. Sau khi khởi công, công trình lại tiếp tục được điều chỉnh bổ sung, nâng cấp khiến tổng mức đầu tư tăng lên 325 tỉ rồi lên 424 tỉ đồng tính đến thời điểm năm 2013.
Tháng 6.2013, Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn có công văn đề xuất thực hiện dự án này theo hình thức BT và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị lên Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Tuy nhiên, dự án vẫn lỡ hẹn chưa thực hiện.
Ngày 27.10.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký ban hành quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 955 tỉ đồng. Theo quyết định này, công trình có các hạng mục gồm: đập dâng dài 893m, cầu giao thông dài 1.125m và một số hạng mục phụ.
Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định cho thực hiện dự án với tổng mức đầu tư lên gần 1.500 tỉ đồng. Theo đó, dự án sẽ xây dựng ở đoạn qua xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi. Vị trí xây dựng đập dâng cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu.
Dự án được thuyết trình là dự án thủy lợi kết hợp giao thông gồm phần đập dâng với phần chính là cổng ngăn sông có cửa van điều tiết và tràn. Ngoài ra còn có âu thuyền, cầu và đường giao thông…Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2018- 2021.
Cần thận trọng
Nhiều người ở Quảng Ngãi khi nhận xét về dự án này đều cho rằng cần thận trọng và tính toán kỹ lưỡng.
“Những vấn đề đi ngược lại với quy luật tự nhiên bao đời nay thì tốt nhất nên cân nhắc tính toán kỹ, thật cẩn trọng trước khi thực hiện. Nên nhớ là cân nhắc chứ không nói là đừng làm. Với Quảng Ngãi, núi Ấn-sông Trà là cái hồn của tỉnh, những tác động đến núi sông lại cần thận trọng hơn”, anh Minh, một người nghiên cứu khoa học bình luận.
Cũng đóng góp ý kiến về dự án này, ông Trọng Khải, một người dân ở thành phố Quảng Ngãi phân tích: “Việc thu gom nước thải thành phố Quảng Ngãi tập trung qua hệ thống xử lý nước thải, xong đổ ra ống dẫn từ đầu đường bờ nam xuống qua đập dâng. Nếu xử lý tốt thì mọi việc bình thường. Nếu xử lý kém thì các khu vực Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Khê phải gánh đủ mùi hôi thối vì dòng chảy quá bé kết hợp thủy triều lên sẽ không thoát được”.
Cũng theo ông Khải, hiện vị trí xả thải nước thải của thành phố tại các cống phía đông cầu Trà Khúc 2 (trên đập dâng), nếu đập dâng hoàn thành xong thì có phải trên đập dâng là hồ chứa nước thải hay không?
Thượng nguồn sông Trà Khúc có nhiều dự án hồ thủy điện, hồ thủy lợi chắn ngang. Vào mùanắng hạ lưu sông khô cạn
“Vào mùa lũ (khi chưa có đập) nước đã tràn vào đường Tôn Đức Thắng (chợ đêm), vậy khi có đập, việc thoát nước có đảm bảo nội thành Quảng Ngãi không ngập, nếu ngập ai chịu trách nhiệm, người phê duyệt dự án hay người phê duyệt báo cáo tác động môi trường?”.
“Từ bao đời nay sông Trà có đặc sản, đồng thời là một món ăn đặc biệt của khách quốc tế khi đến Quảng Ngãi là don, lịch, cá bống. Đặc biệt, don Nghĩa Phú đánh bắt được tập trung vùng hạ lưu (dưới đập)”, ông Khải tiết lộ và đề nghị đánh giá đa dạng về sinh học và tác động môi trường xã hội khi không còn con don, cá bống tuyệt chủng ai sẽ chịu trách nhiệm.
Tương tự, các vùng trồng rau Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Tịnh An, Tịnh Long do vùng nước ngầm hạ lưu đập bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến các vùng trồng rau đã được tính đến chưa? Những hộ dân này sống bằng nghề trồng rau không có kế sinh nhai ai nuôi?
“Khi nước không chảy, Cửa Đại bị lấp thì tàu bè các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An sẽ không vào khu trú tránh bão như lâu nay ai chịu và đã đánh giá tác động này chưa?”, ông Khải trăn trở.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng