Theo nhiều tài liệu, trong cuộc chiến thống nhất đất nước 1954-1975, Bình Phước là chiến trường ác liệt bậc nhất, chỉ sau Quảng Trị.

Tượng đài lịch sử và miếu Tàu Ô – Tráng ca khát vọng hòa bình

Nguyễn Văn Mỹ | 22/04/2023, 14:30

Theo nhiều tài liệu, trong cuộc chiến thống nhất đất nước 1954-1975, Bình Phước là chiến trường ác liệt bậc nhất, chỉ sau Quảng Trị.

Quốc lộ 13, mở từ thời Pháp thuộc, tổng chiều dài 2.661km, xuyên Đông Dương; qua Việt Nam 141km (từ Sài Gòn đến của khẩu Hoa Lư); Campuchia 593km (đổi tên là quốc lộ 7, từ của khẩu Trapeang Sre đến Trapeang Kriel); Lào 1.417km (từ của khẩu Nong Nokhiane đến Boten).

Ở Việt Nam, quốc lộ 13 qua TP.HCM (10km), Bình Phước (62km); là huyết mạch giao thương quan trọng, một phần của đường Hồ Chí Minh, điểm cuối ở Bình Phước, nối với Campuchia. Từ TP.HCM đi Vientiane theo quốc lộ 13, đường bằng, dễ đi và ngắn hơn gần 300km so với đi lối cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).

khu-di-tich-chot-chan-tau-o..jpg
Khu di tích chiến thắng chốt chặn Tàu Ô - Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Quốc lộ 13, đoan qua xã Tân Khai, H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có dòng suối nhỏ hiền hòa giữa xóm quê bình dị. Suối có nhiều cây điền trúc, còn gọi là tre tàu, và cây ô rô nên mang tên suối Tàu Ô, còn xóm có tên xóm Ruộng; dân dã, chân mộc như người dân miền Đông Nam Bộ. Nếu không có chiến tranh, suối Tàu Ô và xóm Ruộng, như hàng chục ngàn suối và xóm khác ở đất nước này, không ai biết, ngoài dân địa phương.

Nhằm tạo lợi thế trên bàn Hội nghị Paris, quân giải phóng mở nhiều cuộc tấn công tổng lực. Bình Phước và Quảng Trị là trọng điểm. Ngày 5.4.1972, chiến dịch Nguyễn Huệ khai hỏa. Hai ngày sau, quân ta chiếm được Lộc Ninh, bao vây An Lộc và Bình Long. Hai bên giằng co, giành giật quyết liệt. Bên nào cũng muốn chiến thắng.

Chính quyền Việt Nam cộng hòa huy động các lực lượng thủy quân lục chiến, nhảy dù, biệt kích, địa phương quân, cảnh sát, phòng vệ dân sự; pháo binh, thiết giáp, không quân... tìm cách giành lại các vùng bị đánh chiếm; cố giữ bằng được Bình Long.

mieu-tau-o.jpg
Miếu Tàu Ô - Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Quân giải phóng gồm bộ đội chủ lực, bao gồm cả tăng và pháo, bộ đội miền, tỉnh đội, du kích, dân quân, dân công... cố mở rộng vùng giải phóng; tạo lợi thế đàm phán; tăng uy tín quốc tế và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh gần 3 năm sau. Phải giữ đường 13 để bảo vệ vùng giải phóng Lộc Ninh, vừa được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn làm thủ phủ.

Do vị trí đặc biệt quan trọng, Tàu Ô - xóm Ruộng trở thành chiến lũy án ngữ đoạn đường 13 chiến lược; làm bàn đạp quan trọng phát triển xuống vùng trung tuyến, chặn đối phương tiến ra vùng giải phóng. Bộ đội ta kết hợp đánh vận động, sau chuyển sang chiến đấu phòng ngự khu vực; chia cắt đối phương trải dài gần 20km trên đường 13 (đoạn từ Nam Bình Long đến phía Bắc Chơn Thành).

tuong-dai-khu-di-tich-tau-o.jpg
Tượng đài chiến thắng Tàu Ô - Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Với phương châm “chốt cứng, chặn đứng”, quân giải phóng kết hợp giữ vững trận địa; lấy thế trận bao vây, chia cắt, bít đường lui, chặn đường tiến. Một là ngăn không để đối phương rút quân rồi trở lại phản công. Hai là chặn đứng quân chi viện với xe tăng, xe cơ giới vượt chốt chặn; tiếp viện và giành lại vùng giải phóng.

Suốt 150 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân giải phóng đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như phục kích, tập kích, vây ép… Đối phương cũng thực hiện hàng trăm cuộc phản công, pháo kích, ném bom… Quân giải phóng hy sinh 976 người, chưa kể dân thường. Phía đối phương thương vong gấp mấy lần quân giải phóng.

Từ những năm 1980, dân Bình Phước đã lập miếu Tàu Ô, thờ vong linh những người đã mất. Bàn thờ có chữ Thần, bên trái là dòng chữ “Tiên chủ hậu chủ” (trước sau đều là chủ của đất nước); bên phải là “Anh hùng liệt sĩ” (cho quân giải phóng); bên dưới là “Chiến sĩ trận vong” (cho quân đội Việt Nam cộng hòa) và “Chư đẳng chúng cô hồn” (cho dân thường).

Miếu nhỏ nhưng ấm áp, lúc nào cũng có trái cây và hoa tươi; thay lời muốn nói với những người đã nằm xuống. Tất cả là người Việt, không phân biệt phe phái. Họ đã chết cho đất nước thanh bình và chúng ta được sống. Có người bảo đó là tấm lòng hào nghĩa, là phong cách nhân văn của người dân Bình Phước, xem “Nghĩa tử là nghĩa tận”.

Cách miếu Tàu Ô chừng 300m, năm 2009 tỉnh Bình Phước xây dựng công trình tượng đài Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô với tổng diện tích 11.451,7m2. Tượng đài cao 15,5m, đặt trên bệ bê tông ốp đá hoa cương, có hình khối tam giác gồm mũi tiến công, bức tường thép và khối âm cách điệu hầm chữ A. Phù điêu hai bên tượng đài thể hiện sự hiệp đồng tác chiến của quân giải phóng. Nhà tưởng niệm diện tích 375m2, giống đình làng truyền thống; kiểu 3 gian, 2 chái; là nơi thờ tự, gắn bia ghi danh 951 liệt sĩ bộ đội chủ lực và 25 liệt sĩ các lực lượng vũ trang địa phương. Mái nhà lợp ngói đỏ mũi hài, đỉnh mái có lưỡng long chầu nhật. Bốn đầu đao mái uốn cong có tượng rồng.

ban-tho-mieu-di-tich-tau-o.jpg
Bàn thờ miếu Tàu Ô

Tôi đến viếng miếu Tàu Ô và di tích chiến thắng cùng tên vào chiều 18.4.2023 trong chuyến khảo sát Bình Phước theo lời mời của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Mấy chục năm làm du lịch, qua quốc lộ 13 mấy chục lần nhưng chỉ nghe loáng thoáng về chốt chặn Tàu Ô. Mãi hôm nay mới đến viếng. Tìm hiểu ngọn ngành, thấy mình có lỗi nặng, tôi ghi vội mấy dòng vào sổ lưu niệm: “Ngàn lần xin lỗi những người đã mất” vì sự vô tâm, hời hợt của mình và của cả ngành du lịch.

Ước gì, có thêm phim tài liệu và hiện vật của người trong cuộc để du khách gần xa hiểu hơn về chốt chặn Tàu Ô, khúc tráng ca khát vọng hòa bình. Cả miếu và di tích đều thiếu hoa. Mỗi đoàn đến tham quan, tưởng niệm, thay vì đặt vòng hoa thì nên tặng chậu hoa để anh linh những người đã khuất luôn ấm lòng vì những người đang sống không bao giờ quên họ.

Tháng 4, trời cả nước và Bình Phước rực hoa phượng đỏ, màu hoa nhắc mọi người về một thời chiến tranh khốc liệt. Càng hiểu và trân quý hơn những giá trị hòa bình và cuộc sống hôm nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tượng đài lịch sử và miếu Tàu Ô – Tráng ca khát vọng hòa bình