Tuổi thơ và một gia đình đông con khó khăn ở sâu trong dãy núi Hòa Khê (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là động lực lớn nhất như chia sẻ của mẹ ‘nữ hoàng đi bộ’ Nguyễn Thị Thanh Phúc. Vận động viên đã bảo vệ thành công lần thứ 3 liên tiếp ngôi vô địch nội dung đi bộ 20km nữ tại SEA Games 28 vào ngày 6.6 vừa rồi.

Tuổi thơ chân đất của ‘nữ hoàng đi bộ’

Một Thế Giới | 08/06/2015, 17:49

Tuổi thơ và một gia đình đông con khó khăn ở sâu trong dãy núi Hòa Khê (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là động lực lớn nhất như chia sẻ của mẹ ‘nữ hoàng đi bộ’ Nguyễn Thị Thanh Phúc. Vận động viên đã bảo vệ thành công lần thứ 3 liên tiếp ngôi vô địch nội dung đi bộ 20km nữ tại SEA Games 28 vào ngày 6.6 vừa rồi.


Từ trung tâm Đà Nẵng lên nhà Thanh Phúc chừng gần hai chục cây số. Ngôi nhà nằm ở cuối con đường mòn xóm đạo. Nhà nhỏ. Nhìn xung quanh là núi. Sau lưng, bên cạnh là những nghĩa địa.

Trong nhà, mẹ Thanh Phúc, bà Nguyễn Thị Hoa, đang ngóng con từ Singapore về. Từ lúc thấy con nhận huy chương vàng được chiếu lại trên tivi, bà Hoa vẫn chưa hết vui. Bố Phúc đang đi ăn cưới trong xóm. Bà con râm ran chúc mừng gia đình.

Bà Hoa bảo: “Cả hai vợ chồng tui với mấy chị em nó đang chờ nó về. Từ hôm qua Singapore thi đấu, đến nay Phúc vẫn chưa liên lạc được về nhà. Chắc có lẽ chưa mua sim khác”.

Nguyễn Thị Thanh Phúc và em trai là Nguyễn Thành Ngưng đều là vận động viên điền kinh thuộc đoàn Việt Nam thi đấu môn đi bộ ở SEA Games 28. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Phúc giữ vững ngôi đầu và được mệnh danh là nữ hoàng đi bộ Đông Nam Á . Em trai Thành Ngưng vì bị chấn thương nên không đạt giải.

“Không biết thằng Ngưng bị đau như thế nào nữa, chứ ở đội, thành tích của nó tốt lắm. Chị nó nhận huy chương vàng tôi vui lắm. Ấm lòng hơn khi trước đó họ trả lại huy chương vàng SEA Games 27 mà Phúc bị xử ép. Nghĩ lại thấy cũng ấm ức. Lúc đó Phúc thi đấu không có lỗi nào, vậy mà người ta chỉ trao huy chương bạc”, bà Hoa tâm sự.

nu hoang di bo
 Bà Hoa hết sức hãnh diện với những thành tích của con gái.

Mân mê những tấm huy chương của con gái, bà Hoa lại ngân ngấn: “Nhà tui có 7 đứa con, Phúc là con thứ 4 nhưng bản lĩnh và chịu khó nhất. Giờ đã thấy có niềm vui nhưng nghĩ lại thời khốn khó tui vẫn nghĩ không biết bằng cách gì mà nuôi được chúng lớn như thế”.

Nhà bà Hoa làm ruộng, leo núi hái đót, chặt chổi để mưu sinh. Từ những ngày còn lớp 3, Phúc đã theo bà Hoa leo qua dãy Hòa Khê xuống chợ Hòa Khánh cách khoảng 10km bán đót. Đi từ sáng sớm đến 7h sáng về nhà đi học. Chiều lại theo cả làng lên núi chặt cây chổi giúp ba mẹ.

Nhìn bức ảnh con gái, bà Hoa tự hào: “Khoảng giữa lớp 7, nó nghỉ học đi theo thể thao. Nhà đông con, nó đi theo nghiệp mà có tiền ăn mình cũng đỡ”.

“Nó không lúc nào hết lo cho ba mẹ. Cứ cuối tuần là nó nhịn suất ăn lấy tiền về đưa thêm cho tui chợ búa. Rồi khi được huy chương vàng, có thêm tiền lương, nó lại nuôi thêm thằng Ngưng. Bây giờ, nó còn lo cho đứa út nữa”.

“Mấy tháng chuẩn bị cho SEA Games, nó không về được chứ lúc trước tuần nào nó cũng lên nhà thăm ba mẹ. Lên tí lại xuống. Có tiền thì đi xe ôm. Không có tiền thì leo qua núi rồi đi bộ ra đường lộ bắt xe buyt”.

Nói về quá khứ và tương lai, bà Hoa kể: “Lúc nó chưa có huy chương, nhiều người bảo nhà nghèo mà cho con gái đi thể thao thì làm gì, sao không kiếm cái nghề mà làm.

Rồi có lúc người ta lại bảo, con gái mà đi thể thao thì sao này khó có con cái. Tui cũng lo lắm”.

Rồi bà tặc lưỡi: “Nhưng tui ủng hộ con. Chứ ở cái làng, tuổi con gái như nó đã 2 con xách nách rồi. Nhiều lúc mẹ con tâm sự, nó chỉ nói cứ theo nghiệp cái đã, việc chồng con rồi tính từ từ. Thương con, tui cũng chỉ biết động viên”.

nu hoang di bo
 Ba mẹ Thanh Phúc háo hức chuẩn bị chờ đón ngày con về nước.

Gia đình Thanh Phúc rất nhiều người có ‘gen’ điền kinh trong đó Phúc và Ngưng là thành danh.

Bố Phúc trước cũng tham gia các giải điền kinh phong trào ở địa phương. Ngoài ra, chị và em của Phúc cũng từng và đang theo đuổi nghiệp này.

Chị gái Phúc, Nguyễn Thị Thanh Nhiễm kể lại: “Năm 2010, em bắt đầu theo đuổi sự nghiệp thể thao ở thành phố. Nhà nghèo, em phải đạp xe đi về từ nhà xuống phố để tập luyện. Đi một mình sợ nên chở Phúc đi theo cho vui. Thấy chị tập, Phúc cũng thấy thích và làm theo.

Lúc đó, thầy Trần Anh Hiệp thấy Phúc có khả năng nên đã lên nhà xin gia đình cho Phúc xuống núi luyện tập. Thầy Hiệp là người phát hiện ra Phúc và cũng là người dẫn dắt Phúc bây giờ. Rồi đến em kế Thành Ngưng cũng theo bộ môn này cho đến hôm nay.

Câu chuyện trong chờ đợi luôn khiến người ta nôn nao. Tôi hỏi bà Hoa có mong muốn gì về tương lai của con gái.

Bà chỉ đơn giản: “Nhà tui đông con, 2 đứa con gái lớn có chồng con rồi mà vẫn phải ở trong nhà mẹ. Vài sào ruộng thì giờ nhà nước đã thu hồi làm dư án nghĩa địa rồi. Con trai thì thế nào cũng được, chứ Phúc là con gái, khi không còn sức khỏe để thi đấu nữa thì không biết sẽ như thế nào. Chỉ mong sau này nó có được một công việc, có miếng đất mà ở”.

Thạch Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuổi thơ chân đất của ‘nữ hoàng đi bộ’