Từ trong vô tận đó là chủ đề cuộc triển lãm của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh vừa được mở tại TP.HCM vào chiều 10.6.2022.

Từ trong vô tận của Trần Vĩnh Thịnh

Tiểu Vũ | 10/06/2022, 20:49

Từ trong vô tận đó là chủ đề cuộc triển lãm của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh vừa được mở tại TP.HCM vào chiều 10.6.2022.

33 bức tranh trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh được trưng bày tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM) đã đưa người xem bước vào thế giới đa cực được viết bằng ngôn ngữ hội họa trên nền của những bức tranh đa sắc. 

tran-vinh-thinh-1-.jpg
Trần Vĩnh Thịnh bên tác phẩm - Ảnh: NVCC

Đầu tiên, nếu xét về bảng màu của Trần Vĩnh Thịnh thì những Từ trong vô tận là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ vàng-đen sang xanh-đen-trắng. Với tranh trừu tượng, bảng màu chiếm yếu tố quan trọng, nó không chỉ là tín hiệu cho bề mặt thị giác, mà còn là chìa khóa của nhận thức, của quan niệm, của cách thế nhìn.

Trần Vĩnh Thịnh sinh ra tại Thuận An, đến năm 14 tuổi thì vào chùa, sau gần 10 năm thì xin trở ra, lang bạt kỳ hồ, trước khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Khánh Hòa. Quê xứ Thừa Thiên-Huế, nơi còn nhiều gốc tích cung đình và những năm tháng ở chùa đã để lại dấu ấn không nhỏ trong bảng màu vàng-đen, vốn làm nên phong cách trừu tượng và một phần sức hút của tranh Trần Vĩnh Thịnh.

img_0036(1).jpg
Một góc không gian triển lãm của Trần Vĩnh Thịnh - Ảnh: Tiểu Vũ 

Khi chuyển sang xanh-đen-trắng, Trần Vĩnh Thịnh tự do hơn, trần thế hơn và buông lỏng hơn, vài bức phảng phất chất thư pháp bị xóa nhòa. Tuy Từ trong vô tận được sáng tác trong một thời gian ngắn, chỉ vài tháng của năm 2022, nhưng lại là kết quả của sự chiêm nghiệm trong rất nhiều năm, nhất là ký ức về giai đoạn lưu lạc khắp miền Trung trước đây. Trần Vĩnh Thịnh nói rằng các con đường miền Trung thời tuổi trẻ là chủ đề và ý niệm chính của Từ trong vô tận.

Hơn nữa, ở độ tuổi U.50 và độ chín trong kỹ thuật trừu tượng, Trần Vĩnh Thịnh không chỉ thong dong hơn, mà còn sâu lắng hơn, thi vị hơn với Từ trong vô tận.

Việt Nam ngày nay có nhiều họa sĩ vẽ trừu tượng, nhưng theo đuổi trừu tượng liên tục vài chục năm, hoặc gần như suốt đời, thì vẫn là số ít. Trần Vĩnh Thịnh là một trong số ít đó. Nhìn vào những số ít này, thấy thật lý thú, vì từ con đường chung, mỗi người đang dần dà đi vào con đường riêng của mình. “Con đường vô hạn, khách Đông Tây” - Tản Đà.

Xét về con đường học vấn, Thịnh nói rằng bản thân không giỏi, kể cả không thuận lợi. Việc vẽ cũng vậy, nhiều lận đận. Nhưng ngay từ những ngày đầu bước vào con đường hội họa anh đã thích trừu tượng, nên cứ tự tìm tòi.

img_0066.jpg
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đến thưởng lãm tranh của Trần Vĩnh Thịnh - Ảnh: Tiểu Vũ 

Thời trước khi Internet phổ biến tại Việt Nam, điều kiện tiếp cận trừu tượng của Thịnh còn hạn hẹp, thỉnh thoảng biết chút ít qua sách báo có được. Có lẽ vì vậy mà trừu tượng thời kỳ này chịu ảnh hưởng của Trịnh Cung, Nguyễn Cầm, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung, Đỗ Minh Tâm, Phạm An Hải... Trừu tượng sau này của Thịnh đã phong phú và cởi mở hơn, nhiều nỗ lực vượt thoát hơn. Và cũng bắt đầu tự tại hơn.

con-duong-mien-trung.jpg
Tác phẩm "Con đường miền Trung  (acrylic, 100cm x 140cm, 2022) của Trần Vĩnh Thịnh

Thịnh nói: “Sau này vẽ hoàn toàn tranh trừu tượng, tôi cũng nghĩ rất nhiều và luôn muốn tìm kiếm, khai thác vấn đề sâu hơn cho mỗi tác phẩm. Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy mọi thứ thật gần mà cũng thật xa, vì vậy tôi không còn nghĩ vẽ gì và vẽ như thế nào nữa. Và dĩ nhiên, tôi luôn muốn đến được sự tối giản, rỗng lặng nhất”.

“Đến được sự tối giản, rỗng lặng nhất” trong trừu tượng không hề đơn giản, vì vậy mà con đường của Thịnh hãy còn dài. Nhưng ở khía cạnh sáng tạo, sự thách thức mới là chất kích thích để dấn bước, để đi dài lâu hơn.

dong-chay-phu-sa.jpg
Dòng chảy phù sa ((acrylic, 100cm x 100cm, 2022) của Trần Vĩnh Thịnh

Tranh trừu tượng tại Việt Nam manh nha từ giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn, với các tranh thuộc giai đoạn chuyển biến từ kỷ hà/ký hiệu sang bán trừu tượng của Tạ Tỵ.

Rồi sau đó là tranh trừu tượng của Nguyên Khai và của một số thành viên khác thuộc Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam (ở Sài Gòn) trong các thập niên 1960-1970.

Rồi bẵng đi gần 20 năm sau đó, với ý thức hệ câu nệ hiện thực, trừu tượng gần như vắng bóng chính thức ở Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái và một số người khác vẫn âm thầm thực hành trừu tượng, nhằm nghiên cứu nhận thức và triết lý, nhưng gần như “hoạt động kín”, chứ ít khi được bày biện công khai.

Video chia sẻ của Trần Vĩnh Thịnh về tranh trừu tượng:

Đến đầu thập niên 1990, từ Nguyễn Cầm (Paris) và Nguyễn Trung (Sài Gòn), trừu tượng mới làm cuộc trở lại, xuất hiện thêm một số tên tuổi đáng nhớ khác. Chừng vài năm sau đó, ở độ tuổi ngoài 20, Trần Vĩnh Thịnh đã mày mò vẽ trừu tượng.

Ngay khi còn đi học mỹ thuật, việc vẽ trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh vừa nhận về những ngạc nhiên, vừa nhận về cả thị phi. Những năm cuối thế kỷ 20, ở Nha Trang và miền Trung, mà theo đuổi trừu tượng, thì thường bị cho là “không biết vẽ nên mới quậy bậy”.

Vượt qua sự thị phi và cả sự ngạc nhiên đó, Trần Vĩnh Thịnh cứ nhẩn nha đi với trừu tượng cho đến ngày nay. Và triển lãm cá nhân “Từ trong vô tận” là một ví dụ thú vị cho hành trình phiêu du và kiên định của Trần Vĩnh Thịnh.

Đến với hội họa trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh là đến với những chuyển động không ngừng. Xem tranh của anh, tôi tìm thấy “mouvements”, nghĩa là những nét cọ mạnh mẽ và phóng khoáng dẫn lối đưa đường chúng ta đi về điểm vô tận, không có chỗ dừng lại.

Trần Vĩnh Thịnh tâm sự, thuở nhỏ đã sớm xa quê hương xứ Huế vô cư ngụ Nha Trang, mỗi năm về nhà hai lần, thường đi bằng tàu lửa hoặc xe đò, những năm tháng ấy vất vả theo đời lênh đênh trên những chuyến xe, cảm giác ngày tháng dài vô tận, thấy quê hương qua bóng lá chuối, xuyên lũy tre, lướt cánh đồng..., đất miền Trung ngút ngàn núi đồi, sông biển, ruộng đồng…, tít tắp mù khơi. Cảm giác buồn thương nhen nhóm trong lòng đứa trẻ thuở nào, qua bao năm tháng cứ luôn ám ảnh, giờ đây hiện lên loạt tranh với những nét cọ màu đen đi một đường xuyên suốt, như một nét "sổ" quét dài dãy đất miền Trung.

Vốn là người từng học chữ Hán và mê thư pháp, Trần Vĩnh Thịnh muốn áp dụng vào hội họa để thỏa mãn những đường nét nhấn nhá sâu mà cạn, thô nhưng như mềm mại, có mà như không...

Tôi tự hỏi, từ đâu đến và đi về đâu tất cả rung chuyển của những vệt màu Trần Vĩnh Thịnh bừng nở trên toan? Đó không chỉ là những phong cảnh trùng điệp lướt qua trên chuyến xe đời. Đó là những dòng cảm xúc trong tận cùng sâu thẳm của con tim, tuôn chảy ra theo con đường tâm tưởng, được diễn đạt bằng ngôn ngữ hội họa.

Tại đây, cuộc hạnh ngộ giữa những nét tung hoành của thư pháp và tranh trừu tượng là những thăng hoa của cảm xúc, dường như không có điểm đến, mà nó cứ liên tiếp biến thiên cho đến vô cùng. Trần Vĩnh Thịnh thổ lộ, những đường bút thấm nhuần xúc cảm nội tại của thư pháp và màu sắc phản ánh cảm thức vô bờ này không ngừng phát triển trong tiềm thức, cứ như vậy trao tặng người họa sĩ cảm hứng sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng”.

Ngô Kim Khôi (Nhà nghiên cứu mỹ thuật)

Tranh của Thịnh xa dần những khoảng trống gợi nhớ xa xăm, trở nên lắng trầm suy tư với những vệt đen đan xen, những mảng trắng đen chồng lấp và chợt lóe sáng đâu đó chút cam vàng, xanh bích và rồi bổng tan biến. Đó phải chăng là một cách tiếp cận khác về trừu tượng của Thịnh khi họa sĩ muốn phá cách, đổi mới chính mình và tìm tòi, đi vào những thử thách khác đầy nghĩ suy và hướng nội hơn bao giờ hết.

Tranh của Thịnh trong những sáng tác mới đã làm công chúng phải để ý, để mọi người dừng lại ngắm nhìn và suy tưởng. Họa sĩ muốn nói điều gì đó với tâm tưởng muốn sẽ chia hơn là chỉ vừa lòng với những gì đã nhìn thấy, những gì vốn đã quen thuộc bởi con mắt trực cảm thuần túy buông xuôi. Trong nét, màu và không gian tranh của Thịnh có những âm sắc làm ta nhớ về quá khứ, nó như một dòng chảy bí ẩn nào đó từ từ hiện ra, dù không thật rõ ràng nhưng người xem lại cảm nhận được điều đó. Hơn thế, họa sĩ sử dụng những thủ pháp tạo hình trừu tượng và một cái nhìn thẳng thắn trực diện khác lạ, không đi theo lối mòn nhưng không vì thế mà từ bỏ những mỹ cảm đã in dấu sâu nặng trong các sáng tạo của mình”

PGS-T.S Phan Thanh Bình

Bài liên quan
Chân dung các nghệ sĩ tài hoa, trí thức nổi tiếng qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh
Hình ảnh các nhạc sĩ, Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Tô Thùy Yên… được tái hiện sinh động qua nét cọ của họa sĩ Trần Thế Vĩnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ trong vô tận của Trần Vĩnh Thịnh