Một chương trình nghệ thuật hoành tráng và mang nhiều ý nghĩa lịch sử thiêng liêng không chỉ đối với người dân TP.HCM nói riêng mà đối với cả nước nói chung sẽ diễn ra vào ngày 3.7 tới đây, nhằm “Chào mừng kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Từ thành phố này Người đã ra đi

DDVN | 20/06/2016, 10:51

Một chương trình nghệ thuật hoành tráng và mang nhiều ý nghĩa lịch sử thiêng liêng không chỉ đối với người dân TP.HCM nói riêng mà đối với cả nước nói chung sẽ diễn ra vào ngày 3.7 tới đây, nhằm “Chào mừng kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ngày này cách đây105 năm (5.6.1911 - 5.6.2016) tại Bến Nhà Rồng, trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville, chàng trai Nguyễn Tất Thành (lúc này lấy tên là Văn Ba) đã chính thức lên đường sang Pháp chỉ với hai bàn tay trắng và một khát vọng cháy bỏng muốn được tìm “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” và “để đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi những đất tự do, những trời nô lệ”.

Hành trình của người thanh niên mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn khi ấy được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng của cách mạng, và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công cuộc giải phóng, giành độc lập, tự do cho đất nước. Người đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục và hơn 30 quốc gia trong hành trình suốt cuộc đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp. Người đã đánh đổi tuổi trẻ, thanh xuân của mình để giành lấy mùa xuân cho dân tộc.

“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở”

(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)

Những lời thơ, khúc nhạc về Bác bao giờ cũng gây xúc động nghẹn ngào. Đó chính là sợi dây tinh thần kết nối quá khứ và hiện tại để rồi sau này, khi đất nước hòa bình lập lại, người dân Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm hình ảnh của Người với tất cả lòng biết ơn sâu sắc. Sau những ngày tháng 6 lịch sử, tháng 7 năm nay, người dân TP.HCM chờ đón kỷ niệm 40 năm ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định tự hào được mang tên Bác (2.7.1976 - 2.7.2016). Trong niềm vui của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, lần đầu tiên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), con phố đi bộ quy mô và hiện đại nhất Việt Nam sẽ diễn ra một chương trình nghệ thuật vô cùng hoành tráng “Chào mừng kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh” với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm rạng rỡ tên Người”vào tối 3.7.2016. Chương trình do Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cùng với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đồng tổ chức, phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện, sẽ được truyền hình trực tiếp trên hệ thống kênh HTV9, HTV1, HTV4 và một số đài truyền hình khác.

Ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên xúc động chia sẻ: “Chương trình là một thông điệp vô cùng ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam, cũng như đối với bạn bè quốc tế. Thông qua đó sẽ giới thiệu lại dòng suy nghĩ, cảm xúc của Bác khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cũng như tôn vinh công lao to lớn của vị Cha già kính yêu của dân tộc. Chương trình cũng như một bài học nhắc nhở mỗi người con Việt Nam luôn nhớ rằng, chúng ta đang sống trong một xã hội tự do, cơm no áo ấm, dân chủ công bằng và văn minh là nhờ có công lao vĩ đại của Bác Hồ kính yêu, cũng như sự hy sinh của bao thế hệ cha ông đi trước”. Ban tổ chức cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến hai nhà tài trợ lớn, đó là Công ty Cổ phần Tôn Đông Á và Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City (Khu kinh tế Hoa Lâm Shangri-la) sẽ đồng hành cùng với chương trình đầy ý nghĩa lịch sử, nhân văn này.

Có thể nói, đây không chỉ là một chương trình biểu diễn nghệ thuật mà là cả một chuỗi chương trình văn hóa và nghệ thuật mang tính lịch sử, bao gồm các hoạt động biểu diễn ca nhạc, quy tụ các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, những ca khúc mang tính hiện đại và truyền thống; một chương trình vô cùng ý nghĩa để mỗi người dân Việt Nam có thể sống lại với những giây phút thiêng liêng của lịch sử. Chương trình “Chào mừng kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh” với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm rạng rỡ tên Người” sẽ có sự góp mặt của rất nhiều ca sĩ quen thuộc như: Quốc Đại, Hà Vân, Anh Bằng, Ayor, Thanh Thúy, Quý Bình, Đàm Vĩnh Hưng, Võ Hạ Trâm, Hà My, Kasim, Đức Tuấn, Đức Quang, Hồ Trung Dũng, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, nhóm nhạc MTV và nhóm Giai Điệu Xanh.

Những ca khúc xuyên suốt chương trình sẽ kéo khán giả đi ngược dòng cảm xúc về với quãng thời gian cách đây hơn 100 năm, về với vùng đất trù phú, nặng tình, nặng nghĩa của một Sài Gòn xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Sau đó sẽ là niềm xúc động của những năm tháng mà đất nước còn chìm trong thương đau của chiến tranh. Và rồi đi qua tất cả lại là niềm vui vỡ òa của ngày thống nhất đất nước, niềm tự hào của một thành phố mang tên Người trong thời kỳ phát triển, vươn lên trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Xúc động hơn tất thảy là những ca khúc ca ngợi về Bác, những tình khúc vượt thời gian ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - chân dung một con người giản dị mà vô cùng thiêng liêng trong trái tim của mỗi người con Việt, khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ cho đến tận ngày hôm nay. Âm nhạc, ngôn từ hòa quyện, kết hợp đồng điệu ở các ca khúc đi cùng năm tháng và được thể hiện trong một chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa. Tất cả sẽ gắn kết con người với con người trong niềm nhớ thương đối với vị lãnh tụ kính yêu, trong tình yêu đối với quê hương, đất nước, đồng bào.

Trang Phạm / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Cà Mau
Chiều 16.11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường 1, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ thành phố này Người đã ra đi