Đến lúc này thì các nước châu Âu đã tỉnh ngộ, biết sợ hãi trước COVID-19, học tập theo các nước châu Á trong việc thực hiện phong toả và đeo khẩu trang.

Từ kỳ thị người châu Á, giờ phương Tây phải chịu đeo khẩu trang chống COVID-19

04/04/2020, 21:27

Đến lúc này thì các nước châu Âu đã tỉnh ngộ, biết sợ hãi trước COVID-19, học tập theo các nước châu Á trong việc thực hiện phong toả và đeo khẩu trang.

Người Tây Ban Nha bắt đầu đeo khẩu trang - Ảnh: Internet

Singapore là điểm lo mới trên bản đồ phòng chống dịch COVID-19 trên toàn cầu. Sau thời gian im ắng và được đánh giá là thực hiện công tác phòng dịch tốt thì gần đây, Singapore bắt đầu cảm thấy hơi nóng phả vào gáy. Hiện Singapore đã ghi nhận 1.114 ca nhiễm và 6 ca tử vong do COVID-19, đây là con số không nhỏ đối với quốc gia có 5 triệu dân.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã khuyến khích người dân Singapore đeo khẩu trang như biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Cách đây không lâu, chính ông Lý đã kêu gọi người dân không đeo khẩu trang để đảm bảo nguồn cung cho nhân viên y tế và hầu hết mọi người đi bộ ngoài đường mà không đeo khẩu trang. Có thể thấy người đứng đầu chính phủ Singapore đã thay đổi nhận thức rất nhanh về việc đeo khẩu trang, từ chỗ thấy nó không cần thiết trong cộng đồng đến chỗ coi nó là lá chắn quan trọng trong cuộc chiến phòng dịch.

Không chỉ Singapore mà nhiều quốc gia phương Tây cũng có sự chuyển biến về nhận thức quanh việc đeo khẩu trang. Thời gian đầu, khi COVID-19 mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc thì người dân các nước châu Á đã lo đeo khẩu trang trong khi ở châu Âu và Bắc Mỹ thì họ coi đó là chuyện ở hành tinh khác. Đương nhiên, chẳng mấy ai đeo khẩu trang ngay cả khi dịch bệnh len lỏi sang Ý. Thậm chí, đã có chuyện người châu Á bị hành hung ở châu Âu vì đeo khẩu trang và khẩu trang là dấu hiệu để trút lên sự kỳ thị

BBC viết: Ở châu Á, mọi người mặc định rằng bất kỳ ai cũng có thể mang vi-rút, ngay cả những người khỏe mạnh. Vì vậy, với tinh thần vì mọi người, bạn cần bảo vệ bản thân khỏi người khác và ngược lại. Còn ở những quốc gia mà việc đeo khẩu trang không phải là chuẩn mực, chẳng hạn như ở phương Tây, những người đeo khẩu trang đã bị xa lánh hoặc thậm chí bị tấn công. Nhiều người đeo khẩu trang này là người châu Á.

Sở dĩ người phương Tây có thái độ như vậy là do họ quan niệm khẩu trang là chỉ dành cho người bị bệnh đeo nhằm tránh lây cho người khác. Nhiều người phương Tây tự tin rằng họ có thể trạng khoẻ mạnh thì không việc gì phải đeo khẩu trang.

Tổ chức Y tế Thế giới ban đầu còn ra khuyến cáo: Chỉ có hai nhóm người nên đeo khẩu trang: những người bị nhiễm vi-rút có các triệu chứng, và những người đang chăm sóc cho những đối tượng bị nghi ngờ nhiễm coronavirus. Điều này cũng gây hiểu lầm là người khoẻ mạnh khỏi cần đeo khẩu trang.

Sự chủ quan về chiếc khẩu trang còn xuất phát từ các nghiên cứu ban đầu cho thấy vi-rút lây lan qua các giọt dịch và nước chứ không lây truyền qua không khí. Hầu hết mọi người hiểu rằng, những giọt chất lỏng sẽ bốc hơi hoặc rơi xuống đất gần người phát ra chúng thông qua hắt hơi hoặc ho. Đây là lý do tại sao các chuyên gia nói rằng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước có hiệu quả hơn nhiều so với đeo khẩu trang.

Nhưng theo BBC, trong nghiên cứu mới gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc thở ra tạo ra một đám mây khí chuyển động nhanh có thể chứa các giọt chất lỏng có kích cỡ khác nhau - và những hạt nhỏ nhất có thể được mang đi trong đám mây với một khoảng cách dài.

Thí nghiệm được thực hiện trong phòng cho thấy có thể ho ra hạt chất lỏng cách xa tới 6m và thậm chí là 8m khi hắt hơi. Điều đó đồng nghĩa với việc khi không đeo khẩu trang thì người bệnh có thể phát tán mầm bệnh ở bán kính 8m chứ không phải chỉ vài mét như nhận thức ban đầu.

Giáo sư Lydia Bourouiba ở Viện Công nghệ Massachusetts phân tích “Khi chúng ta thở ra, ho hoặc hắt hơi, một đám mây khí có động lượng cao có khả năng dịch chuyển xa, nhốt những giọt nước với mọi kích cỡ trong đó và mang chúng đi khắp phòng”. Do vậy, việc đeo khẩu trang sẽ giúp ngăn động lượng, giảm phát tán.

Và bỏ qua các thí nghiệm cũng như lý thuyết thì các nhà lãnh đạo và người dân phương Tây dễ dàng nhận ra rằng việc thực hiện giãn cách xã hội ở các nước châu Á trong đó có việc đeo khẩu trang đã giúp các nước này ngăn chặn dịch khá tốt. Trong khi đó, các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp Thuỵ Sỹ, Anh, Hà Lan, Bỉ và đặc biệt là tại Mỹ thì COVID-19 lây lan chóng mặt mà nguyên nhân là sự thờ ơ ban đầu của chính quyền và người dân, trong đó có việc từ chối khẩu trang.

Đến lúc này thì các nước châu Âu đã tỉnh ngộ, biết sợ hãi trước COVID-19, học tập theo các nước châu Á trong việc thực hiện phong toả và đeo khẩu trang. Hiện khẩu trang đang được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đánh giá để sử dụng công cộng. Nhưng khi không có thói quen dùng khẩu trang thì việc tìm kiếm thứ tưởng chừng đơn giản như vậy đâu có dễ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong họp báo tại Nhà Trắng ngày 3.4 cho CDC kêu gọi mọi người che mặt bằng khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải, để dành khẩu trang y tế cho các y bác sĩ. Thậm chí, trong cơn sốt khẩu trang thì mới sinh ra chuyện trớ trêu là khẩu trang Pháp mua bị Mỹ hớt tay trên ngay tại sân bay.

B.T (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ kỳ thị người châu Á, giờ phương Tây phải chịu đeo khẩu trang chống COVID-19