Chính sách của các nhà lãnh đạo ở châu Mỹ trong dịch COVID-19 sẽ tác động lớn đến chiếc ghế của họ trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Trump tái đắc cử hay không phụ thuộc vào việc tìm ra thuốc trị COVID-19

04/04/2020, 13:04

Chính sách của các nhà lãnh đạo ở châu Mỹ trong dịch COVID-19 sẽ tác động lớn đến chiếc ghế của họ trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Tương lai ông Trump phụ thuộc vào kết quả cuộc chiến chống COVID-19

Theo báo cáo của CNBC, đánh giá tín nhiệm với Tổng thống Donald Trump của dân chúng Mỹ đã tăng lên một chút trong đại dịch COVID-19. Trong tất cả các cuộc thăm dò của RealClearPolitic, tỷ lệ ủng hộ ông Trump hiện ở mức 47,3%, mức cao nhất kể từ khi ông nhậm chức.

Có một vài cách để lý giải điều này. Nhưng chắc chắn sự ủng hộ vào chính quyền luôn có sự gia tăng nhỏ khi nước Mỹ rơi vào khủng hoảng mà điển hình là tín nhiệm vào Tổng thống George W. Bush sau khi giải quyết được khủng hoảng 11.9.

Trong khi đó, việc tín nhiệm với ông Trump vốn không biến động nhiều trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Dư luận đánh giá ông có 2 thái cực rõ ràng. Do vậy, một bước nhảy dù nhỏ trong tỷ lệ ủng hộ cũng là rất đáng kể. Nó nâng Trump lên một mức mà ông rất có thể giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những điều này là nước Mỹ mới chỉ ở giai đoạn đầu của đại dịch chưa từng có tiền lệ. Không ai biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo huống chi là nó sẽ có ảnh hưởng gì đến cách người Mỹ nhìn nhận tổng thống của họ.

Nếu ông Trump trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ không đánh bại được dịch bệnh mà khiến nó lây lan đến cả thời gian bầu cử thì cơ hội thắng của ông rất thấp (cho dù kỳ bỏ phiếu có diễn ra đúng theo lịch hay không vì đã có những thông tin lo ngại Mỹ có thể hoãn bầu cử cuối năm vì coronavirus). Ngược lại, nếu ông Trump có những quyết sách đúng đắn giúp nước Mỹ thoát khỏi dịch bệnh thì ông sẽ là người hùng và cử tri Mỹ thích người hùng.

Tổng thống Mỹ đã ý thức được điều này. Ban đầu, ông Trump coi dịch coronavirus chỉ là một chuyện bị thổi phồng hay coi nó như cúm mùa và còn viết trên twitter với lời lẽ rất xem thường. Cách đây 1 tháng, ông viết trên twitter: "Năm ngoái có 37.000 người Mỹ chết vì cúm thông thường. Trung bình mỗi năm có từ 27.000 tới 70.000 người chết. Chẳng có gì phải đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn tiếp tục. Thời điểm hiện tại, có 546 ca nhiễm vi rút corona, với 22 người chết. Hãy động não đi nào!".

Nhưng thái độ của ông Trump đã xoay 180 độ khi thấy tình hình dịch bệnh leo thang với số người nhiễm và tử vong tăng cao. Giờ ông Trump là lãnh đạo nhiệt thành nhất trên thế giới trong việc tìm thuốc điều trị COVID-19. Các phát biểu chỉ đạo của ông về việc bỏ qua quy tắc y khoa gây nhiều tranh cãi nhưng mở ra hy vọng cho việc tìm thuốc sớm, trước khi mùa bầu cử bắt đầu.

Khác với người cánh hữu số 1 Bắc Mỹ Donald Trump thì người cánh hữu số 1 ở Nam Mỹ là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro chưa thay đổi thái độ với COVID-19. Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ đã vấp phải sự phản đối công khai về việc ông xử lý cuộc khủng hoảng coronavirus. Một phong trào luận tội ông Bolsonaro đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Brazil.

Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần xem thường mối đe dọa của đại dịch, coi nó như một loại cúm nhỏ và lên án các thống đốc bang vì áp đặt lệnh phong tỏa gây tình trạng thất nghiệp, kinh tế đình đốn. Ông Bolsonaro đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệu suất kinh tế quốc gia trong cuộc khủng hoảng coronavirus, ông nói rằng nạn đói mới là mối quan tâm chính.

Ông cũng bỏ ngoài tai lời khuyên của bộ trưởng y tế về phương án thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội. Thay vào đó, ông khuyến khích mọi người chấm dứt thời gian cách ly và trở lại làm việc. 24/27 bang ở Brazil đã từ chối việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa mà tổng thống yêu cầu.

Tính đến thứ sáu 3.4, hơn 8.000 người đã nhiễm coronavirus ở Brazil, trong đó có 327 trường hợp tử vong. Quốc gia lớn nhất Nam Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta đã cảnh báo hồi đầu tuần rằng các số liệu coronavirus của đất nước này rất đáng lo ngại, tức là số lượng thực tế cao hơn nhiều so với con số ghi nhận.

Ông Mandetta cũng bày tỏ lo ngại về việc thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân và máy thở có sẵn trên toàn quốc. Chính phủ có kế hoạch nhập khẩu hàng triệu mặt hàng y tế từ Trung Quốc trong những tuần tới bất chấp thái độ của Tổng thống.

Ông Robert Wood, chuyên gia kinh tế chính và chuyên gia Mỹ Latinh tại đơn vị Tình báo kinh tế Mỹ phân tích: "Các hành động của Bolsonaro khiến ông ta bị cô lập về chính trị ngay trong chính phủ và điều này đã dẫn đến lời kêu gọi luận tội với ông”.

Ông Wood cho biết các thủ tục luận tội chưa thể tiến hành ngay bây giờ, một phần vì các nhân vật hàng đầu khác có thể tin rằng Bolsonaro chẳng đời nào chịu từ chức và quá trình kéo dài như thế sẽ càng khiến việc quản lý khủng hoảng kinh tế và y tế của Brazil thêm lộn xộn.

Khi được hỏi về viễn cảnh Bolsonaro phải đối mặt với thủ tục luận tội trong năm nay, Jimena Blanco, một chuyên gia về Mỹ Latin tại Mỹ cũng trả lời: Tôi nghĩ đó là một trong những rủi ro không thể gọi là thiên nga đen (một phép ẩn dụ mô tả một sự kiện gây ngạc nhiên, có tác động lớn).

Nhưng dù chưa bị mất ghế lúc này thì Bolsonaro khó tái đắc cử khi chọn canh bạc kinh tế thay vì mối lo cho sức khỏe người dân. Người dân ở nhiều thành phố Brazil lúc này đã đập nồi chảo trong nhà mỗi tối như hành động phản đối chính sách của tổng thống.

Anh Tú (theo CNBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump tái đắc cử hay không phụ thuộc vào việc tìm ra thuốc trị COVID-19