Trần Khánh Dư là danh tướng hàng đầu thời nhà Trần và có công lớn trong việc đánh bại quân Nguyên. Nhưng nếu Hưng Đạo vương là người chấp nhặt thì Khánh Dư không có cơ hội lập công.

Từ chuyện bậy bạ của Trần Khánh Dư đến cái đức của Hưng Đạo Vương

28/04/2018, 13:16

Trần Khánh Dư là danh tướng hàng đầu thời nhà Trần và có công lớn trong việc đánh bại quân Nguyên. Nhưng nếu Hưng Đạo vương là người chấp nhặt thì Khánh Dư không có cơ hội lập công.

Chiến thắng Vân Đồn tạo bước ngoặt trong cuộc chiến - Ảnh: Internet

Câu chuyện tình éo le của Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy rất nổi tiếng. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: Lúc đầu năm Nguyên Phong (niên hiệu vua Trần Thái Tông 1251-1258), Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư từng có công đánh giặc, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân rồi thăng đến tử phục thượng vị hầu; sau vì tư thông với Thiên Thụy công chúa, phải tội cách hết quan tước và tịch thu tài sản.

Tội tư thông đó rất nặng nề vì thời điểm đó, Khánh Dư là con nuôi của Thánh Tông mà Thiên Thụy là con gái của Thánh Tông. Do đó, có thể coi Khánh Dư và Thiên Thụy là hai anh em mà làm chuyện vậy thì rất khó coi. Hơn nữa, vì Thiên Thụy công chúa vốn được Thượng hoàng Trần Thánh Tông ban hôn cho vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn nên việc làm của Khánh Dư trên thì phạm tội khinh quân, dưới thì đắc tội với Hưng đạo vương.

Có giai thoại đáng tin nói trong phiên tòa xử tội ông, Trần Thánh Tông sợ phật ý Hưng Đạo vương mà đã phạt tội đánh đến chết, nhưng Thánh Tông lại ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gậy xuống (lực đánh vào nền đất hết cả), nhờ thế mà qua 100 gậy Trần Khánh Dư vẫn sống. Theo luật thời đó, qua 100 gậy mà không chết nghĩa là trời tha, nhờ vậy mà ông đã được miễn tội chết.

Với một người thông minh thấu hiểu mọi chuyện như Hưng Đạo vương thì sao không hiểu được việc Khánh Dư được ngầm tha tội nên mới sống. Nếu như là người bình thường thì sẽ ghi sổ món nợ của Khánh Dư. Tuy nhiên, điều hay của Hưng Đạo vương là ông không để bụng món nợ của Khánh Dư. Chứ Hưng Đạo vương mà cảm thấy giận chuyện đó thì chỉ cần cho gia tướng đến tìm Khánh Dư lúc hết binh quyền thì cái mạng nhỏ xíu của Khánh Dư khi đó không còn.

Sau khi Khánh Dư bị phế truất binh quyền, tịch thu gia sản phải trở về Chí Linh làm nghề bán than. Nhưng năm 1282, vua Trần Nhân Tông khôi phục chức cho Khánh Dư. Sử chép: " Lúc ấy Khánh Dư chở thuyền qua bến Bình Than, người chân sào đều đội nón cói, mặc áo cánh bằng vải gai. Nhà vua trông thấy, trỏ vào thuyền Khánh Dư bảo với các quan hầu cận rằng: "Người kia chả phải Nhân Huệ vương đấy ư?". Nói xong liền cho quân sĩ bơi chiếc thuyền nhỏ đuổi theo. Khi quân sĩ theo kịp, hô lên rằng: "Có mệnh lệnh vua cho triệu ông đấy!". Khánh Dư nói: "Lão già này là người bán than, có việc chi mà vua triệu?". Quân sĩ đem câu nói ấy về tâu. Nhà vua nói: "Đúng là Nhân Huệ vương rồi, người thường chắc không dám nói thế". Lại sai nội thị đến triệu. Khi Khánh Dư đến, mặc áo cánh bằng vải gai và đội nón cói vào yết kiến. Nhà vua nói: "Không ngờ người nam nhi như thế mà lưu lạc đến như thế?", liền hạ chiếu tha tội cho. Khánh Dư tiến lên thuyền vua vái tạ. Vua ban cho áo của vua thường mặc và cho ngồi ở dưới hàng các tước vương. Những lời nghị luận của Khánh Dư đều hợp ý vua. Nhà vua cho phục chức và phong làm Phó đô tướng quân".

Những chi tiết vừa khéo khi vua Trần Nhân Tông "tình cờ" gặp Trần Khánh Dư tại Bình Than dường như là một vở kịch để hợp thức hóa cho triều đình nhà Trần dùng lại Khánh Dư mà không làm mếch lòng của Hưng Đạo vương khi ấy. Hưng Đạo vương cũng không hề để bụng việc làm xấu của Khánh Dư trước đây với con trai ông mà hoàn toàn tin tưởng giao binh quyền ở trọng điểm Vân Đồn cho Khánh Dư. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: "Khánh Dư làm phó tướng ở Vân Đồn, Hưng Đạo vương giao phó cho giữ hết công việc ngoài biên giới".

Chính nhờ tin tưởng và đặt trọng trách lên đúng Khánh Dư, quân nhà Trần đã đánh tan đoàn quân tải lương của tướng Trương Văn Hổ. Bị Khánh Dư tung đòn vào mạng mỡ, quân Nguyên hoảng loạn vì thiếu lương và xuống tinh thần nhanh chóng. Quân ta xoay chuyển ngược cục diện và giành thắng lợi trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông là nhờ công của Khánh Dư và tài dùng người của Hưng Đạo vương.

Có thể tin rằng Hưng Đạo vương đã nhìn đúng tài của Khánh Dư và cũng có sự thông cảm nhất định cho viên tướng này bởi Hưng Đạo vương cũng từng có thời như vậy. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm 1251, vua Trần Thái Tông gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.

Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương.

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.

Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời: "Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu".

Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.

Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: "Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật". Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương".

Có thể thấy chuyện của Hưng Đạo vương thời trẻ và của Khánh Dư về cơ bản là tương đồng. Một điều nữa để Hưng Đạo vương quyết tâm trọng dụng Khánh Dư là do các "tướng quốc" thời kỳ đầu Trần đều công tư phân minh, coi việc nước lên trên việc nhà.

Khi Hưng đạo vương còn trẻ, chính Trần Thủ Độ đã tạo điều kiện để cho ông được giữ binh quyền, thể hiện tài năng mà không hề sợ nguy cơ sau này.

Cần nhớ, Trần Quốc Tuấn chính là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, người đã bị Trần Thủ Độ ép bỏ vợ là Thuận Thiên công chúa để... nhường cho Trần Thái Tông. Trần Liễu rất căm hận chuyện này nên đã từng dấy binh làm phản nhưng thất bại. Năm 1251, lúc sắp mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăn trối rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được"

Nếu Trần Thủ Độ mà e ngại Trần Quốc Tuấn về sau nắm quyền báo thù thì ông thừa đủ quyền lực để trù dập. Nhưng năm 1257, Trần Quốc Tuấn đã được nắm trọng trách trong cuộc kháng Nguyên lần nhất. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn".

Mãi đến năm 1264, Trần Thủ Độ mới qua đời. Nếu Trần Thủ Độ là người ích kỷ hẹp hòi chỉ biết dùng người thân tạo vây cánh thì e rằng Đại Việt khó có Trần Hưng Đạo và 2 cuộc kháng Nguyên rực rỡ sau này.

Đến lượt mình, Hưng Đạo vương tỏ ra vô cùng độ lượng với Khánh Dư để có chiến thắng ngoạn mục tại Vân Đồn góp phần tạo ra chiến thắng thần thánh chống quân Nguyên xâm lược.

Cuối năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282), vua Trần Nhân Tông thăng chức Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, nắm cả quyền quân sự lẫn hành chính. Tuy vậy, trước tình hình áp lực nhà Nguyên gia tăng, cuối năm Thiệu Bảo thứ 5 (1283), triều đình tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc. Như vậy, về thực quyền quân sự, Hưng Đạo Vương trở thành cấp trên của Chiêu Minh Đại vương.

Mối bất hòa giữa 2 chi họ cũng như bất hòa cá nhân giữa 2 người trở thành một hiểm họa sâu sắc. Nhận ra điều này, Hưng Đạo vương chủ động tìm cách giải hòa. Đại Việt sử ký toàn thư chép:

Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:

"Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:

"Hôm nay được tắm cho Thượng tướng". Quang Khải cũng nói:

"Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho".

Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ chuyện bậy bạ của Trần Khánh Dư đến cái đức của Hưng Đạo Vương