Các giám đốc cấp cao từ hai trong số những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC (Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc), đã đưa ra triển vọng lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI) tại một hội chợ thương mại lớn hôm 4.9 ngay cả khi cổ phiếu của họ lao dốc trong một ngày giao dịch điên cuồng trên thị trường.
Thế giới số

TSMC vẫn lạc quan về AI sau cú sốc với Nvidia, Samsung cắt giảm 8% đội ngũ bán hàng ở Trung Quốc

Sơn Vân 04/09/2024 21:05

Các giám đốc cấp cao từ hai trong số những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC (Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc), đã đưa ra triển vọng lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI) tại một hội chợ thương mại lớn hôm 4.9 ngay cả khi cổ phiếu của họ lao dốc trong một ngày giao dịch điên cuồng trên thị trường.

Cổ phiếu TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, đã giảm tới 5,5%. Trong khi cổ phiếu Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, giảm 3,5%.

Sự sụt giảm xảy ra sau khi cổ phiếu Nvidia bị bán tháo mạnh do các nhà đầu tư kiềm chế lạc quan về lĩnh vực AI cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Phát biểu trong diễn đàn ngành chip Semicon Taiwan ở Đài Loan, Y.J. Mii, Phó chủ tịch điều hành kiêm đồng Giám đốc vận hành TSMC, nói AI vẫn là động lực tăng trưởng chính ngay cả khi nó sẽ khiến nhiều công việc trên toàn cầu thay đổi hoặc biến mất.

"Nhìn chung chúng tôi tin rằng AI là một cơ hội lớn cho tất cả chúng ta trong ngành này. Chúng tôi nghĩ rằng có cơ hội tốt để tăng trưởng. Có lẽ trong vài năm tới, tốc độ tăng trưởng kép (doanh thu và sản lượng) hàng nămít nhất là 50% là có thể đạt được. Về lâu dài, chúng ta có thể chờ xem mọi thứ diễn ra như thế nào", Y.J. Mii nói.

Ngồi cạnh Y.J. Mii trên sân khấu, Lee Jung-Bae (Chủ tịch mảng chip nhớ của Samsung Electronics) cho biết mọi thứ chỉ mới bắt đầu với AI và việc gặp phải những trắc trở trên đường đi là điều tự nhiên.

"Với AI, tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu và có thể có một số thăng trầm và thách thức, nhưng về lâu dài sẽ khá ổn định. Xét về việc AI giúp ích cho con người, tôi nghĩ rằng đó sẽ là cuộc cách mạng mới để thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tôi lạc quan thận trọng về AI", Lee Jung-Bae nhận định.

Vào tháng 7, Samsung Electronics đã báo cáo mức lợi nhuận hoạt động cao nhất kể từ quý 3/2022, được thúc đẩy bởi bộ phận chip trở lại vị thế là “con bò sữa” của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc sau sự suy thoái do nhu cầu yếu hậu đại dịch COVID-19 với các thiết bị sử dụng chip.

Cùng tháng 7, TSMC đã nâng dự báo doanh thu cả năm do nhu cầu tăng vọt với chip AI. TSMC là đối tác sản xuất chip AI cho Nvidia.

tsmc-lac-quan-ve-ai-du-co-phieu-giam-sau-samsung-cat-giam-8-doi-ngu-ban-hang-o-trung-quoc.jpg
Khách tham quan triển lãm Semicon Taiwan tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 4.9 - Ảnh: Reuters

Cổ phiếu Nvidia đã giảm 9,5% vào hôm 3.9, mức giảm vốn hóa thị trường 1 ngày nhiều nhất từ trước đến nay với một công ty Mỹ.

Nvidia mất 279 tỉ USD vốn hóa thị trường (còn 2.650 tỉ USD), dấu hiệu chính cho thấy các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn về công nghệ AI mới nổi đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng thị trường chứng khoán năm nay.

Chỉ số chip PHLX (.SOX) đã giảm mạnh 7,75%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2020.

Những lo lắng mới nhất về AI xuất hiện sau khi Nvidia đưa ra dự báo kết quả kinh doanh quý 3/2024 không đáp ứng được kỳ vọng cao của các nhà đầu tư, vốn thúc đẩy đà tăng chóng mặt cổ phiếu cho hãng chip AI số 1 thế giới.

"Lượng tiền lớn như vậy đã đổ vào công nghệ và chất bán dẫn trong 12 tháng qua khiến giao dịch bị lệch hoàn toàn", Todd Sohn, chiến lược gia ETF tại hãng Strategas Securities, cho biết.

ETF là viết tắt của Exchange Traded Fund, nghĩa là Quỹ hoán đổi danh mục. Đây là một loại quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của một chỉ số thị trường cụ thể, ví dụ S&P 500.

Cổ phiếu Intel giảm gần 9% sau khi Reuters đưa tin Giám đốc điều hành Pat Gelsinger và các lãnh đạo chủ chốt dự kiến sẽ trình bày kế hoạch lên hội đồng quản trị để cắt giảm các hoạt động kinh doanh không cần thiết và cải tổ chi tiêu vốn tại hãng sản xuất chip đang gặp khó khăn này.

Những lo ngại về việc thu được lợi nhuận chậm từ các khoản đầu tư AI lớn đã đeo bám các công ty có giá trị nhất Phố Wall những tuần gần đây, với cổ phiếu Microsoft và Alphabet được giao dịch thấp hơn sau báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 hồi tháng 7.

"Một số nghiên cứu gần đây đã đặt câu hỏi liệu doanh thu từ AI riêng lẻ cuối cùng có biện minh cho làn sóng chi tiêu vốn này hay không. Khi đánh giá chi phí vốn cho AI của từng công ty, các nhà đầu tư phải cân nhắc xem họ có đang sử dụng tốt nhất bảng cân đối kế toán và vốn của mình hay không", các chiến lược gia của hãng BlackRock viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm 3.9.

Thời điểm chốt phiên ở mức cao kỷ lục hồi tháng 7, cổ phiếu Nvidia đã tăng gần gấp 3 lần vào năm 2024. Việc giảm giá gần đây khiến cổ phiếu công ty chỉ còn tăng 118% trong năm 2024 cho đến nay.

Cổ phiếu chip suy yếu hôm 3.9 dẫn sự sụt giảm lớn các chỉ số quan trọng trên Phố Wall, với Nasdaq (.IXIC) giảm 3,3% và S&P 500 (.SPX) giảm 2,1%.

Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà đầu tư chủ yếu kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong thông báo chính sách ngày 18.9.

CME là viết tắt của Chicago Mercantile Exchange, tức là Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago. Đây là một trong những sàn giao dịch phái sinh lớn nhất và uy tín nhất thế giới, có trụ sở tại thành phố Chicago, Mỹ.

Tuy nhiên, kỳ vọng của thiểu số về việc cắt giảm 50 điểm cơ bản đã tăng lên 37% từ 30% sau khi dữ liệu hôm 3.9 báo hiệu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vẫn yếu.

Các nhà đầu tư sẽ nhận được một loạt dữ liệu về thị trường lao động tuần này, đỉnh điểm là báo cáo bảng lương chính phủ quan trọng vào ngày 6.9.

Chỉ số chip hiện tăng 14% vào năm 2024, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 16% của S&P 500.

Samsung cắt giảm 8% đội ngũ bán hàng tại Trung Quốc do hiệu suất yếu kém

Samsung Electronics đã thông báo cho nhân viên tại Trung Quốc đại lục về cuộc tái cấu trúc sẽ loại bỏ khoảng 130 người, tương đương 8% nhân viên bán hàng trong nước này, theo phương tiện truyền thông Hàn Quốc. Động thái đó xảy ra khi Samsung Electronics tiếp tục vật lộn với nhu cầu smartphone và tivi chậm chạp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đây là dấu hiệu khởi đầu cho một kế hoạch ​​tái cấu trúc rộng hơn có khả năng cắt giảm tới 30% lực lượng lao động tại Trung Quốc đại lục của Samsung Electronics vào năm tới, tờ Seoul Economic Daily đưa tin, trích dẫn lời một quan chức công ty.

Theo hãng nghiên cứu IDC, Samsung Electronics (nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới trong hai quý qua) đã bắt đầu chấp nhận đơn từ chức tự nguyện ở Trung Quốc đại lục. Công ty dự kiến ​​sẽ áp dụng các đợt sa thải có chọn lọc trong trường hợp số lượng đơn chấm dứt hợp đồng tự nguyện không đạt mục tiêu.

Trong tuyên bố gửi tới hãng truyền thông kỹ thuật số Jiemian, đơn vị Samsung Electronics tại Trung Quốc cho biết việc điều chỉnh nhân sự nhằm mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. "Công ty có kế hoạch loại bỏ các vị trí thừa để phân bổ nguồn lực tốt hơn và nâng cao hiệu suất tổ chức", trích tuyên bố.

Quy mô các văn phòng địa phương lớn của Samsung Electronics tại thủ đô Bắc Kinh, thành phố Nam Kinh và Tây An đã thu hẹp những năm gần đây do hiệu suất kinh doanh yếu kém, với các phòng nghiên cứu chứng kiến ​​tình trạng sa thải hoặc không gia hạn hợp đồng vào năm ngoái, theo một cựu nhân viên Samsung Trung Quốc (từ chối nêu tên vì vấn đề này chưa được công khai).

Theo Samsung Electronics, lực lượng lao động của công ty tại Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 63.316 nhân viên vào năm 2013. Đến đầu năm 2022, con số đó đã giảm xuống còn dưới 20.000.

Các đợt cắt giảm việc làm mới nhất được lên kế hoạch phản ánh nỗ lực liên tục của Samsung Electronics nhằm giành lại vinh quang trong quá khứ trên thị trường tại Trung Quốc đại lục, nơi hãng từng là nhà cung cấp smartphone Android lớn nhất với 20% thị phần vào năm 2013.

tsmc-lac-quan-ve-ai-du-co-phieu-giam-sau-samsung-cat-giam-8-doi-ngu-ban-hang-o-trung-quoc1.jpg
Bên ngoài Samsung Tower, trụ sở của đơn vị Samsung Electronics Trung Quốc, tại Bắc Kinh - Ảnh: Shutterstock

Thành công vang dội của Samsung Electronics tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới đã chuyển sang hướng thảm hại vào cuối năm 2016, khi công ty này ngừng sản xuất vĩnh viễn Galaxy Note 7 do lo ngại thiết bị này có thể bốc cháy.

Đến năm 2018, Samsung Electronics xếp chót bảng trong số các nhà cung cấp điện thoại lớn trên thị trường Trung Quốc đại lục, với chỉ 1% thị phần và kể từ đó vẫn duy trì ở mức này khi các công ty lớn Trung Quốc (Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo) phát triển nhanh chóng.

Vài năm qua, Samsung Electronics đã đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đại lục, gồm cả nhà máy smartphone cuối cùng của hãng tại thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) và nhà máy máy tính cá nhân cuối cùng ở Tô Châu, đô thị sầm uất thuộc tỉnh Giang Tô.

Bên ngoài Trung Quốc, Samsung Electronics tiếp tục bị thách thức bởi các nhà cung cấp smartphone nước này. Gần đây, Honor (công ty tách ra từ Huawei) đã vượt Samsung Electronics để dẫn đầu thị trường smartphone dạng gập ở Tây Âu, theo dữ liệu từ hãng tư vấn ngành Counterpoint Research.

Vào tháng 7, Samsung Electronics đã phát hành tại Trung Quốc đại lục hai smartphone dạng gập mới nhất là Galaxy Z Fold6 và Galaxy Z Flip6 cùng các thiết bị đeo như Galaxy Ring, đồng hồ và tai nghe, nhưng sự đón nhận khá ảm đạm.

Tuy nhiên, Samsung Electronics vẫn là thế lực trong ngành công nghệ toàn cầu. Trong quý 2/2024, công ty Hàn Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng thu nhập ròng nhanh nhất kể từ năm 2010 sau khi sự bùng nổ AI đã nâng cao thu nhập tại bộ phận bán dẫn của mình.

Nhà sản xuất chip nhớ và smartphone lớn nhất thế giới đã công bố mức tăng gấp 6 lần về thu nhập ròng lên 9.640 tỉ won (6,96 tỉ USD) trong quý 2/2024, so với dự báo trung bình của các nhà phân tích là 7.970 tỉ won. Đầu tháng 7, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận hoạt động sơ bộ quý 2/2024 tăng gấp 15 lần và doanh thu tăng 23%.

Cùng tháng đó, một công đoàn công nhân Hàn Quốc tại Samsung Electronics đã tổ chức đình công do tranh chấp về tiền lương và phúc lợi.

Bài liên quan
CEO TSMC nói chip AI Nvidia quá đắt và muốn tăng giá sản xuất, Jensen Huang lên tiếng
Nvidia kiếm được bộn tiền nhờ bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cho nhiều hãng công nghệ lớn nhỏ. Giờ đây, nhà cung cấp chính của Nvidia là TSMC định tính giá sản xuất chip cao hơn cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TSMC vẫn lạc quan về AI sau cú sốc với Nvidia, Samsung cắt giảm 8% đội ngũ bán hàng ở Trung Quốc