Các trường năng khiếu thể thao Trung Quốc đang phải chứng kiến sự tụt giảm học sinh, vì phụ huynh có thu nhập cao nên muốn con em tập trung vào sự học tập thay vì tìm kiếm thành tích thể thao.
Từ khi Trung Quốc tham gia thi đấu Olympic trở lại hồi năm 1980, hệ thống thể thao nước này gặt hái nhiều thành công, đỉnh điểm là xếp nhất bảng huy chương Olympic mùa hè 2008 tổ chức tại Bắc Kinh. Bốn năm sau tại Olympic London 2012, đoàn Trung Quốc xếp nhì bảng, sau Mỹ.
Nay, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra Olympic mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil) hệ thống thể thao Trung Quốc bị tan rã vì sự thay đổi nếp nghĩ của người dân. Theo hãng tin Reuters, không còn nhiều phụ huynh sẵn sàng chấp nhận con họ phải dốc hết sức tập luyện khổ nhọc ngay từ lúc 6 tuổi, đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm số học sinh ở các trường năng khiếu thể thao.
Sự thay đổi này diễn ra đáng kể ở Trường thể thao thiếu nhi số 1 Phố Đông (Thượng Hải), một bánh xe nhỏ trong cỗ máy thể thao nhà nước đã đào tạo vô số nhà vô địch Olympic người Trung Quốc từ hơn 31 năm qua. Học trò giỏi của trường này có các cựu VĐV đoạt huy chương Olympic như Trần Nhạn Hạo (chạy vượt rào) và nữ tuyển thủ bóng đá Tạ Huệ Lâm.
Trường Phú Đông là một trong 2.183 trường năng khiếu thể thao tạo nên 95 % VĐV tham dự Olympic của Trung Quốc. Một số trường đã phải đóng cửa, các trường khác phải điều chỉnh phương thức hoạt động. Số trường này đã giảm so với 3.687 trường thể thao hồi năm 1990, theo số liệu của chính phủ.
Bí thư đảng ủy trường Phố Đông là Huang Qin, vẫn nhớ cái thời mà rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên họ muốn con cái khổ luyện và đạt thành tích, để được hưởng những khoản trợ cấp thể thao lớn.
“Vào những năm 1980-1990, các trường như trường của chúng tôi rất thu hút học sinh. Nhưng nay các bậc cha mẹ không sẵn sàng gởi con đến các trường nếu con cái họ không đạt điểm cao trong học tập. Nguồn học sinh của các trường giảm nhiều do quan niệm của xã hội xem trọng giáo dục văn hóa hơn”.
Ông Huang và lãnh đạo nhiều trường khác cho biết những tranh cãi về mức độ phù hợp của hệ thống trường thể thao bắt đầu nổi lên hồi Olympic 2008, xuất phát từ những câu chuyện kể về các khó khăn mà các cựu VĐV phải đối mặt, trong khi giới trung lưu mới nổi lại kỳ vọng nhiều hơn về chất lượng giáo dục.
Việc Trung Quốc có tỷ lệ sinh thấp là hậu quả của chính sách một con, càng khiến các bậc cha mẹ cưng chiều đứa con, không muốn chúng phải khổ nhọc. Bên cạnh đó là nền giáo dục quá tải: học sinh Trung tốn quá nhiều thời gian làm bài tập ở nhà hàng ngày, so với thời gian học trung bình của học sinh trên thế giới.
Phải thay đổi nếp nghĩ lạc hậu
Năm 2010, Bắc Kinh xử lý những nỗi lo lắng này bằng một chính sách mới có tên Tài liệu hướng dẫn số 23, buộc các trường thể thao phải cải thiện chất lượng đào tạo và hỗ trợ các VĐV về hưu nhiều hơn.
Tại trường Phố Đông, bí thư Huang nói trường đã cải thiện chất lượng đào tạo của HLV. Hồi 3 năm trước, trường cũng nới lỏng truyền thống 40 năm của họ: Bắt buộc học sinh vừa học văn hóa vừa phải tập luyện đầy đủ, ngay trong ký túc xá của trường. Nay, hơn một nửa trong số 700 học sinh của trường được theo học ở các trường khác, chỉ còn 300 học sinh học ngay trong ký túc xá.
Các trường khác, như trường thể dục nghiệp dư thiếu nhi Dương Phố (Thượng Hải) đã chuyển thành nhà trẻ, và họ giới thiệu với các bậc phụ huynh môn thể dục dụng cụ như một hoạt động thư giãn sau giờ học .
Còn ở trường Shichahai ở Bắc Kinh, nơi mà các bức tường được treo toàn ảnh thành tích thể thao của các cựu học sinh đã vô địch Olympic, thầy Hiệu phóZhang Jing nói trường ông có “chương trình phát triển toàn diện”, trang bị các kỹ năng cần thiết để VĐV có thể tìm được việc làm sau khi kết thúc sự nghiệp thể thao.
Từ năm 2012, trường Phố Đông, cái nôi từng đào tạo ra cựu vô địch Olympic Lưu Tử Ca (bơi), đã loại các VĐV không vượt qua được phần thi văn hóa trong các đợt tuyển sinh của trường, và trường cũng thông báo cho các bậc cha mẹ biết rằng họ muốn dùng việc huấn luyện thể thao để phục vụ giáo dục, thay cho mục đích chính là đào tạo VĐV ưu tú cho quốc gia.
Hiệu trưởng Thịnh Mậu Vũ nói về nhu cầu cải thiện chất lượng học tập của trường: “Nhiều trường đang chuyển theo hướng này..., nhưng đó là một tiến trình khó khăn. Nếp nghĩ hiện tại ở Trung Quốc là học tập và tập luyện phải là hai hướng khác nhau: Nếu anh chị muốn là vô địch thế giới thì anh chị không thể học tập. Suy nghĩ này đã lạc hậu, nên cuối cùng có rất ít học sinh trở thành những nhà vô địch.
Theo Reuters, chính phủ Trung Quốckhông công bố số học sinh vào các trường thể thao, nhưng có những dấu hiệu về sự thay đổi nếp nghĩ (nơi các bậc phụ huynh) đã tác động đến nguồn tài năng thể thao của Trung Quốc.
Hồi tháng 4, báo Thể thao hàng ngày (Trung Quốc) đưa tin số VĐV được huấn luyện môn bóng bàn đã giảm 1/4 so với hồi năm 1987, xuống còn 23.266 học sinh.
Lưu Hiểu Nông, trưởng môn bóng bàn - quần vợt thuộc Tổng cục TDTT Trung Quốc nói: “Từ tình hình thay đổi này,chúng tôi phải xét lại hệ thống huấn luyện truyền thống và mô hình tranh tài thể thao”.
Tuy nhiên, sự cải tổ vẫn chưa nhanh chóng định hình. Hồi tháng 3, một thăm dò cấp chính phủ cho thấy ở vài trường được kiểm tra ở 9 tỉnh - thành đã không chi nhiều tiền cho mảng giáo dục văn hóa, và vài sở giáo dục địa phương không quan tâm đến sự cải thiện, tức không tuân thủ Tài liệu hướng dẫn số 23, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Nhưng các VĐV như Vương Lâm Văn (cựu VĐV wushu và võ thuật nhà nghề của tỉnh Sơn Tây) nói cuộc cải tổ là cần thiết đối với những ai vẫn muốn vào trường thể thao.
Nữ võ sĩ 25 tuồi này kể: Suốt 5 năm thi đấu cho đến khi giã từ thể thao năm 2009, cô rèn luyện suốt tuần, chỉ học văn hóa trong hai ngày cuối tuần: “Tôi bị thiệt thòi nhiều vì không nếm trải hệ thống giáo dục. Cải tổ thì tốt, vì đó là cách để học sinh trường thể thao sẽ không lâm cảnh chẳng biết gì khi nghỉ thi đấu”.
Kim Hương (theo The Straits Times)