Trái ngược với sự "thoải mái", một số nhạc sĩ, ca sĩ lại có ý kiến riêng trước việc Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn "bỏ quy định cấm hát nhép"…

Trước nghệ sĩ hát nhép bị xử phạt, giờ hát… thoải mái?

Theo Dân Trí | 23/12/2020, 13:00

Trái ngược với sự "thoải mái", một số nhạc sĩ, ca sĩ lại có ý kiến riêng trước việc Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn "bỏ quy định cấm hát nhép"…

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.2.2021 thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được ký ban hành có rất nhiều điểm mới.

Một điểm mới khác trong Nghị định 144 sắp có hiệu lực, được dư luận rất quan tâm là trong Nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79.

Tuy nhiên, trái ngược với sự "thoải mái", một số nhạc sĩ, ca sĩ lại có ý kiến khác trước việc Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn "bỏ quy định cấm hát nhép"…

Việc bỏ quy định cấm hát nhép vấp phải phản ứng từ một số nhạc sĩ, ca sĩ. Theo họ, "hát nhép là bước thụt lùi trong âm nhạc", " không hát được thì đừng hành nghề ca sĩ"…

"Nếu không hát được thì đừng hành nghề ca sĩ"

Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng đã bước chân vào con đường nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải có đủ tố chất, khả năng và bản lĩnh. "Là ca sĩ thì phải dùng giọng hát để chinh phục khán giả chứ không phải dùng… điệu múa, điệu nhảy để "qua mặt" khán giả. Nếu hát hay mà nhảy đẹp thì càng tốt, thể hiện là một nghệ sĩ toàn diện. Còn nếu như không hát được thì theo tôi, họ đừng hành nghề ca sĩ nữa", tác giả ca khúc "Mong anh về bày tỏ."

nhacsi1.jpg

Nhạc sĩ Dương Cầm

Dương Cầm cho biết, anh luôn đánh giá cao những chương trình có đầu tư ban nhạc sống, ca sĩ có sự đầu tư tập luyện cùng ban nhạc. Theo anh, trình độ chơi nhạc của các nghệ sĩ Việt hiện nay rất tốt, không thua kém nghệ sĩ các nước lớn trong khu vực. Đặc biệt trong việc kết hợp công nghệ để chơi backing track cùng với ban nhạc, có thể phục vụ cả những show âm nhạc điện tử, hiphop hay rap.

Chính vì thế, nam nhạc sĩ không đồng tình với việc bỏ quy định "cấm hát nhép". "Thay vì bỏ quy định cấm hát nhép, cơ quan quản lý nên quản lý chặt chẽ hơn. Cần cấm hát nhép và có những quy định về xử phạt", anh bày tỏ.

Cũng theo nhạc sĩ Dương Cầm, bên cạnh quy định chặt chẽ xoay quanh việc "cấm hát nhép" thì cũng cần có những quy định riêng về cách sử dụng phần nhạc đệm (beat). Ví dụ như đối với nhạc điện tử thì được phép để phần hát bè, hát nền ở mức độ nào. Và cũng cần có quy định những vấn đề này đối với việc ca sĩ tham gia ghi hình và biểu diễn truyền hình trực tiếp…

"Nghị định mới nên có những thông tin cụ thể hơn", nam nhạc sĩ nói.

Nghị định mới sẽ "giết chết" sự sáng tạo, phát triển…?

"Tôi rất thất vọng", ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ cảm xúc trước việc Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn.

Theo nữ ca sĩ, việc bỏ quy định cấm hát nhép sẽ "giết chết" sự phát triển, sáng tạo của người làm nghệ thuật. Việc cho phép hát nhép cũng là một thiệt thòi cho những nghệ sĩ muốn hát live, muốn tận hiến cho âm nhạc.

nhacsi2.jpg

Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Ảnh: NVCC

"Ca sĩ lên sân khấu hát nhép chẳng khác nào như một con robot, chỉ biết hát đi hát lại một bài hát duy nhất mà mình đã ghi âm trước đó. Còn khán giả bỏ tiền mua vé nhưng đổi lại chỉ nhận được thứ âm thanh giả tạo, hời hợt.

Việc cho phép hát nhép cũng là một thiệt thòi cho những nghệ sĩ muốn hát live, muốn tận hiến cho âm nhạc. Với những nghệ sĩ gạo cội hay nghệ sĩ trẻ mới bước vào nghề mà có năng lực, giọng hát, họ đều muốn được hát thật trên sân khấu, muốn được thăng hoa trên sân khấu, đó mới là cuộc sống của họ. Nhưng nếu cho phép hát nhép thì những nỗ lực của họ cũng chẳng bằng những người thích ăn sẵn, không có khả năng…", nữ ca sĩ bày tỏ.

Nữ ca sĩ chia sẻ thêm: "Tôi cảm thấy buồn bởi tôi không chỉ là ca sĩ, tôi còn đang là giáo viên, dạy các bạn học sinh hát. Tôi được biết, rất nhiều bạn trẻ học thanh nhạc chỉ với mong muốn ra đời được cống hiến cho âm nhạc, được lên sân khấu hát trực tiếp để khán giả có thể cảm nhận giọng hát của mình..."

Cũng theo Nguyễn Ngọc Anh, việc cho phép hát nhép là một bước thụt lùi trong âm nhạc: "Trên thế giới, các nghệ sĩ nổi tiếng đều được đánh giá ở tài năng hát live và xử trí trên sân khấu. Thế giới đã nâng tầm không còn đơn thuần là hát live, trong khi Việt Nam vẫn đang lững chững trong việc hát thật hay hát nhép!?

Thế giới đã vươn tới đỉnh cao bằng những màn trình diễn nghệ thuật cao cấp mà ca sĩ không chỉ đơn thuần là hát. Người nghệ sĩ vừa là sáng tác, vừa phối khí, biên tập… trực tiếp tham gia sản xuất chứ không đơn thuần chỉ là ở vai trò hát. Ví dụ ở những giải thưởng như Grammy, Giải thưởng Mama…, một nghệ sĩ có thể nhận cùng lúc với giải thưởng ở các hạng mục khác nhau như: ca sĩ, tác giả ca khúc, sản xuất, phối khí…", nữ ca sĩ nói.

Theo quan điểm của nữ ca sĩ Ngọc Anh, Nghị định 144 dường như đang cổ xúy cho những bạn trẻ đẹp về hình thức, nhưng không có giọng, hát không hay chỉ biết múa vài ba vũ đạo và hát như một con rối trên sân khấu?

"Rất nhiều bạn trẻ cảm thấy bức xúc với việc cho phép hát nhép, bởi đây sẽ là một thiệt thòi cho những bạn trẻ có tài năng, có giọng hát hay nhưng hình thức chỉ ở mức vừa vừa…", giọng ca "Đóa hoa nở muộn" nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước nghệ sĩ hát nhép bị xử phạt, giờ hát… thoải mái?