Một tháng nghỉ trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh sẽ làm gì? Nhiều mối lo ngại có cơ sở khi hiện tại một số địa phương chưa có phương án một tháng này.

Trước kỳ thi THPT Quốc gia: “Vào lò luyện” hay tự ôn tập

Một Thế Giới | 22/03/2015, 10:35

Một tháng nghỉ trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh sẽ làm gì? Nhiều mối lo ngại có cơ sở khi hiện tại một số địa phương chưa có phương án một tháng này.

Theo Quyết định số 1955 của Bộ GD&ĐT ban hành về Khung kế hoạch thời gian năm học 2014-2015 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thì khối THPT sẽ có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần), như vậy các sĩ tử đang học lớp 12 nằm trong diện thi trong Kỳ thi THPT quốc gia sẽ kết thúc chương trình vào cuối tháng 5/2015.
Trong khi đó lịch thi quốc gia sẽ bắt đầu vào đầu tháng 7, vậy trong 1 tháng (tháng 6) tới học sinh sẽ tiếp tục đến trường ôn tập hay tìm tới các lò luyện, trung tâm học thêm?
Nhiều mối lo ngại bắt đầu từ đây khi các em có tới 1 tháng để “giải lao” sau một năm học, và cũng là khoảng thời gian chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7. Liệu các em sẽ dành thời gian là 1 tháng đó để chơi bời, giải trí, hay có thể sẽ tìm tới các trung tâm luyện thi, các lò luyện cấp tốc như trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm?
Chủ động ôn tập để đạt kết quả cao
Trao đổi về những lo ngại này, PGS. Văn Như Cương bày tỏ, nếu một tháng đó để một mình học sinh tự ôn thi cũng không được, mà nhà trường cần tổ chức cho các em ôn thi kết hợp với sự hưỡng dẫn của thầy giáo.
“Lớp 12 năm nay sẽ có thời gian kéo dài thêm một tháng trước kỳ thi, nếu chúng ta không có biện pháp quản lí các em thì kết quả đạt được sẽ không cao, các em có thể sẽ đua nhau đến các lò luyện thi, lúc đó họ sẽ mở ra rất đông. Thậm chí học sinh ngoại thành cũng có thể đổ về nội thành để học thêm, đó là điều phức tạp, nếu chưa có chủ trương chung thì tôi nghĩ các trường cần có biện pháp quản lí học sinh của mình” thầy Văn Như Cương lưu ý.
Cũng theo thầy Cương, trong tháng đó cũng có thể học ít và hãy để thì giờ cho các em học ở nhà, nhưng 1 tuần cũng cần có ít nhất vài buổi các thầy cô giúp học sinh của mình ôn thi thêm, thậm chí các thầy có thể vạch chương trình riêng để cho học sinh của mình ôn.
“Học một mình đối với tuổi này cũng không hề đơn giản, có khi các em về nhà học lại đàn đúm, chơi game. Tôi chỉ mong các em hãy ôn theo sự hướng dẫn của nhà trường, một mặt cũng phải tự học, giúp nhau. Một tháng này cũng rất có lợi đối với những em có nghị lực, quyết tâm, nhưng ngược lại cũng có hại đối với những em không làm chủ được mình. Do đó các em phải quyết tâm trong một tháng đó theo sự hướng dẫn của thầy cô” thầy Văn Như Cương căn dặn.
TS. Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Q. Hà Đông – Hà Nội) thì cho rằng, về thời điểm thi quốc gia vào đầu tháng 7/2015 là hợp lí. Tuy nhiên, các trường THPT kết thúc chương trình vào cuối tháng năm, như vậy học sinh còn 1 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi, vấn đề trong khoảng thời gian chuẩn bị đó các em có đến lò luyện hay không là sự băn khoăn có cơ sở.
Theo TS. Lê Xuân Trung, tâm lí chung của phụ huynh và học sinh hiện nay đều lo lắng cho lần đầu áp dụng kỳ thi quốc gia chung. Ngược lại, do tính chất của kỳ thi là 2 trong 1 (dùng xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng), do đó theo TS. Xuân Trung cũng không nên quá lo lắng các em vào lò luyện thi.
Nêu thực trạng của học sinh Việt Nam trong nhiều năm qua, TS. Trung cho rằng việc học thêm đã có từ khi các em học tiểu học, cho dù có bao nhiêu chỉ thị, văn bản, sự chấn chỉnh từ bộ cho tới các địa phương. Vấn đề học thêm hay vào lò luyện thi như thế nào cho tốt thì rất khó kiểm soát, việc có chặn được việc dạy thêm, học thêm hoặc luyện thi hay không thì rất khó chặn, không muốn nói là không thể chặn được.
Bởi, theo TS. Trung vấn đề này bắt nguồn từ phụ huynh và học sinh – đó là nhận thức học để thi chứ không phải học để hiểu biết, học để nâng cao dân trí…, thi để làm sao cho đỗ, và cuối cùng để có tấm bẳng.
“Có lẽ cũng cần thời gian sau khi kỳ thi quốc gia chung năm nay kết thúc, dần dần các khâu đi vào ổn định và lúc đó người dân, học sinh sẽ điều chỉnh trở lại” TS. Xuân Trung cho biết.
Theo góp ý của TS. Lê Xuân Trung, để chặn triệt để các lò luyện thi thì Bộ GD&ĐT cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế tuyển sinh và quy chế kỳ thi quốc gia để làm sao các trường đại học, cao đẳng sử dụng chung được kỳ thi quốc gia, tuyển phù hợp theo đặc trưng của từng ngành, nghề.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho hay, hiện tại chưa có chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tổ chức cho học sinh ôn tập trong tháng 6, nhà trường vẫn tiếp tục chờ sở.
Tuy nhiên, quan điểm của thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, việc có xu hướng ôn luyện thi trước kỳ thi, đó là điều tất nhiên, nhưng để giảm bớt thì các thầy cô ở địa phương trong những năm qua cần tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Đặc biệt, với các trường cần có những giải pháp để học sinh của mình ôn tập có hiệu quả hay tại địa phương mình.
Trong những năm qua đề thi trong các kỳ thi đều phản ánh kiến thức nằm trong lớp 12, nếu học sinh tự học có phương pháp thì hoàn toàn có thể đạt được kết quả cao.
“Theo quan điểm của tôi, các em lúc đó chương trình cũng đã học xong, ôn tập xong, các em cũng đã bước sang tuổi 18, các em phải tự chịu trách nhiệm trước kế hoạch ôn tập của mình. Biện pháp tự học là một trong những cách tốt nhất để củng cố và nâng cao kiến thức của mình, không nhất thiết đưa các em ôn tập theo cái riêng của nhà trường. Phải luyện cho các em tự lập, vì một thời gian ngắn nữa các em vào các trường đại học, các em phải tự học” thầy Bình nhấn mạnh.
Theo đề xuất của nhà trường
Trao đổi thêm với chúng tôi về biện pháp quản học sinh trong một tháng “đệm” trước kỳ thi THPT quốc gia, ông Phạm Hữu Hoan – Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, hiện Sở đã có sơ lược kế hoạch và đang chờ lãnh đạo sở phê duyệt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, với một tháng đệm sau học kỳ II và trước kỳ thi THPT quốc gia, Hà Nội sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 ôn tập thêm, kế hoạch cụ thể sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.
Cũng liên quan tới chủ đề này, ông Nguyễn Đức Hiền- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho hay, kế hoạch cụ thể chưa được triển khai chính thức. Tuy nhiên, ông Hiền cho biết sẽ cần căn cứ vào các nhà trường trong quá trình tổng kết năm học.
Nếu các trường có đề xuất như thế nào thì sở sẽ căn cứ vào đó để triển khai, trên tinh thần kỳ thi được thay đổi khác mọi năm Bắc Giang sẽ thay đổi lịch bồi dưỡng trong hè với giáo viên, thi vào lớp 10...sẽ được đẩy sớm.
“Căn cứ cụ thể vào điều kiện các trường, nếu học sinh và phụ huynh thống nhất với nhà trường thì sở sẽ tạo điều kiện cho các trường để cho các em tiếp tục ôn tập” ông Hiền cho hay.
Theo Xuân Trung (Giáo dục Việt Nam)
>> Xem thêm tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước kỳ thi THPT Quốc gia: “Vào lò luyện” hay tự ôn tập