Nền nghiên cứu và giáo dục Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông đã gần như không mang lại huy chương Nobel nào. Trong khi đó, Nhật đã giật 25 Nobel kể từ năm 1949. Trong 17 năm kể từ năm 2000, đã có 17 khoa học gia Nhật giành Nobel.

Trung Quốc và Nhật nhìn từ Nobel

Mạnh Kim | 11/10/2016, 12:43

Nền nghiên cứu và giáo dục Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông đã gần như không mang lại huy chương Nobel nào. Trong khi đó, Nhật đã giật 25 Nobel kể từ năm 1949. Trong 17 năm kể từ năm 2000, đã có 17 khoa học gia Nhật giành Nobel.

Toàn bộ giải Nobel Khoa học năm nay đã được công bố (Nobel Văn học được loan báo ngày 13.10). Người giành Nobel Y học 2016 là Yoshinori Ohsumi. Năm 2015, nhà dược học Trung Quốc Tu Youyou (Đồ U U) đã giành giải này. Đó là một trong những giải Nobel hiếm hoi được trao cho người Trung Quốc sống ở Trung Quốc. Cần nhắc lại, vào thời điểm giành Nobel Vật lý năm 1957, Dương Chấn Trữ làm việc cho Viện nghiên cứu cấp tiến (IAS) tại Princeton (New Jersey); và người cùng nhận giải, đồng hương Lý Chánh Đạo, làm việc tại Đại học Columbia (New York). Khi đoạt Nobel Vật lý năm 1998, Thôi Kỳ làm việc tại Đại học Princeton. Khi giành Nobel Lý năm 2009, Cao Côn là nhà nghiên cứu của Standard Telecommunication Laboratories (Harlow, Anh) đồng thời dạy tại Đại học Hồng Kông. Nói cách khác, nền nghiên cứu và giáo dục Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông đã gần như không mang lại huy chương Nobel nào.

Trong khi đó, Nhật đã giật 25 Nobel kể từ 1949. Trong 17 năm kể từ năm 2000, đã có 17 khoa học gia Nhật giành Nobel. Thành tích của Nhật chỉ đứng sau Mỹ. Tờ Hoàn Cầu (9.10.2016) đã phải thở than: “Công dân mạng đang hỏi rằng tại sao Trung Quốc lê lết quá xa sau Nhật và giờ cần phải làm gì để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học Trung Quốc”. Tờ báo dẫn lại lời Rao Yi, nhà thần kinh học thuộc Đại học Bắc Kinhrằng nghiên cứu hóa sinh Trung Quốc đang đi sau Nhật đến 10 năm. Hoàn Cầu cũng dẫn lại ý kiến Tang Yongliang, phó giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, rằng Nhật có môi trường nghiên cứu mở, khuyến khích sáng tạo và cho phép khoa học gia thể hiện các ý tưởng khác biệt. Ngoài ra, Nhật còn có “hệ thống tín nhiệm xã hội tốt”…

So với bài báo năm ngoái, khi Tu Youyou (Đồ U U) giành Nobel Y học, Hoàn Cầu đã đổi giọng. Năm ngoái, trên số báo 19.10.2015, Hoàn Cầu viết: “Dân chúng (?) rất bất bình về việc Nhật không giành được Nobel nào về kinh tế, văn chương và hòa bình trong những năm gần đây. Đặc biệt khi Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực bằng mọi giá nới lỏng quyền thực thi chính sách quốc phòng thông qua các dự luật an ninh… Trong bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới 2015-2016 do Times Higher Education công bố tháng trước, chỉ vỏn vẹn hai đại học Nhật nằm trong top 100. Dù Chính phủ Nhật đã công bố sáng kiến “Các siêu đại học toàn cầu” nhưng xem ra chẳng mấy hiệu quả… Tỷ lệ tốt nghiệp đại học thấp sẽ ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học của Nhật và dẫn đến việc thiếu nguồn chuyên gia nghiên cứu...”.

Chẳng khó khăn gì để thấy nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch khoa học Nhật và Trung Quốc. Giáo dục là yếu tố chủ yếu. Tại Nhật, trẻ được dạy từ rất sớm về tình yêu thiên nhiên và khoa học thường thức. Yêu thiên nhiên tạo ra sự nhạy cảm và tinh tế trong tâm hồn và nó là chất xúc tác cho nghiên cứu khoa học. Yoshinori Ohsumi (Nobel Y học2016) nói rằng hồi nhỏ, ông rất thích nghiên cứu các loài bọ. So với cách nuôi dạy con của Trung Quốc, nơi người ta đặt nặng sự cung cấp và thỏa mãn vật chất, trẻ emNhật được khuyến khích độc lập. Chúng tự đến trường lúc tiểu học và chúng tự đi làm lúc vào đại học. Nghiên cứu tại Nhật không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp chính phủ. Khoa học Nhật không có “chỉ tiêu”. Khoa học Nhật không có “lập thành tích chào mừng” nhân dịp này nọ. Giới nghiên cứu Nhật không lo bị sa thải nếu nghiên cứu thất bại. Họ cũng có tầm nhìn rộng hơn nhờ các cuộc trao đổi nghiên cứu thường xuyên với đồng nghiệp thế giới. Chính phủ Nhật cũng đầu tư tốt cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngân sách R&D Nhật chiếm trung bình hơn 3% GDP – một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Đừng quá đề cao và “hoảng hốt” trước các sự kiện “phóng trạm vũ trụ Thiên Cung”. Trung Quốc đã tiến một chặng khá dài trong một số lĩnh vực, chẳng hạn không gian, nhưng khoa học nói chung còn rất lâu mới có thể “đại nhảy vọt”. Một số lĩnh vực như không gian đã được dồn sức đầu tư (nhờ thụ hưởng từ việc hợp tác với Nga cũng như ăn cắp kỹ thuật Mỹ với vô số vụ mà khuôn khổ bài này không kể ra hết), với mục đích chủ yếu phô trương “sức mạnh” theo cách Liên Xô ngày trước. Khoa học Trung Quốc không thể tiến xa nếu họ không cải tổ giáo dục.

Giáo dục Trung Quốc không khuyến khích tinh thần phản biện cũng như tư duy độc lập. Còn nữa, một mô hình viện nghiên cứu hoạt động độc lập trong một viện đại học như phương Tây hoặc Nhật, được “xã hội hóa” đúng nghĩa của từ này với sự góp vốn từ các công ty bên ngoài nhằm thúc đẩy hoặc đầu tư một dự án nghiên cứu cụ thể để cuối cùng thương mại hóa nó, đối với Trung Quốc, là một khái niệm xa vời. Trung Quốc cũng không có những “nhà đầu tư mạo hiểm” biết nhìn thấy, tiên liệu cơ hội và chấp nhận bỏ tiền mua ý tưởng, giúp sáng tạo trở nên có giá trị thương mại thật sự, để sau đó cho ra đời những Apple hoặc Google.

Ngoài ra, còn là tình trạng tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng trong giáo dục lẫn nghiên cứu. Khó có thể biết những đồng ngân sách R&D rót từ trung ương xuống địa phương “đi đâu, về đâu”. Quan trọng nhất: môi trường nghiên cứu Trung Quốc không thật sự tôn trọng nhân tài. Yếu tố cá nhân là điều luôn bị nghi kỵ trong xã hội lẫn môi trường nghiên cứu. Cho đến nay, Trung Quốc, dù ngày càng có nhiều tỉphú, vẫn thiếu một khoa học gia tên tuổi vang dậy toàn cầu và chưa đại học nào từ Trung Quốc có một đóng góp khoa học ứng dụng toàn cầu.

Mạnh Kim

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc và Nhật nhìn từ Nobel