Sau 3 ngày diễn ra Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này xác định sẽ tiếp tục chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2018. Đặc biệt, ngăn ngừa rủi ro tài chính sẽ là ưu tiên kinh tế trong 3 năm tới.

Trung Quốc ưu tiên ngăn ngừa rủi ro tài chính trong 3 năm tới

Cẩm Bình | 21/12/2017, 14:00

Sau 3 ngày diễn ra Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này xác định sẽ tiếp tục chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2018. Đặc biệt, ngăn ngừa rủi ro tài chính sẽ là ưu tiên kinh tế trong 3 năm tới.

Hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 18 đến 20.12 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là dịp để các lãnh đạo đánh giá kết quả quản lý kinh tế thời gian qua và đưa ra tầm nhìn, chiến lược cho 5 năm tới. 7 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc khóa 19 đều tham gia hội nghị.

Sau 3 ngày họp, giới lãnh đạo kết luận ĐCS Trung Quốc, với cách tiếp cận thực tiễn, tầm nhìn bao quát và chiến lược hoàn chỉnh, trong 5 năm qua đã quản lý sự phát triển kinh tế của đất nước một cách thành công, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm khoảng 7,1%, cơ cấu kinh tế có thay đổi lớn, cung cầu được giữ cân bằng. Suốt giai đoạn này, đảng đã áp dụng “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.

Hội nghị cho rằng kinh tế Trung Quốc đã đi vào thời đại mới. Trong thời đại này, tốc độ tăng trưởng sẽ không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa, vì nước này theo đuổi tăng trưởng “chất lượng cao”. Chính phủ nên thúc đẩy cải tổ “trọng cung” (supply-sidereform) và quản lý tốt mối quan hệ giữa thị trường bất động sản và tài chính với nền kinh tế thực.

Giới lãnh đạo cũng xác định tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2018. Ngoài ra, Bắc Kinh đặt ra thời hạn 3 năm để xử lý lĩnh vực tài chính lộn xộn cũng như tình trạng ô nhiễm không khí.

Theo kết luận hội nghị đăng trên Tân Hoa Xã: “Trung Quốc sẽ đánh một trận quyết liệt để giải quyết những rủi ro lớn, với ưu tiên là quản lý và ngăn ngừa rủi ro tài chính trong 3năm tới. Công tác dọn dẹp lĩnh vực tài chính sẽ được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được giữ ở mức hợp lý”.

Để đạt mục tiêu này, giới lãnh đạo yêu cầu các bộ ngành chính phủ nên chuẩn bị kỹcàng, thực hiện nghiêm túc những cam kết siết chặt quy định và ngăn cấm các hoạt động tài chính trái phép.

Ông Lỗ Chính Ủy, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Hưng Nghiệp tại Thượng Hải, đánh giá kết luận của hội nghị đã gửi đi thông điệp “tiến bộ nhưng phải đảm bảo ổn định” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo ông Lỗ: “Một chiến dịch chỉnh đốn lĩnh vực tài chính được thiết lập để tạo ra kỳvọng ổn định cho thị trường và ngăn không cho bất cứ hành động vội vàng không cần thiết nào xảy ra”.

Hội nghị công tác kinh tế trung ương gửi đi thông điệp “tiến bộ nhưng phải đảm bảo ổn định” của Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: AP

Còn ông Tạ Á Hiên, nhà phân tích kinh tế vĩ mô của công ty chứng khoán Chiêu Thương (Thẩm Quyến), cho rằng Chủ tịch Tập sẽ cần phải có thời gian để xác định các rủi ro và triển khai biện pháp để giải quyết. Cũng theo nhà phân tích Tạ, Chủ tịch Tập hạ thấp tầm quan trọng của các mục tiêu tăng trưởng không có nghĩa tăng trưởng không còn quan trọng nữa, và nỗ lực kiềm chế các rủi ro lẫn nợ nần sẽ không khiến nền kinh tế bị trả giá.

Ông Hồng Hạo, chuyên gia chiến lược kinh doanh của công ty quốc tế Giao Ngân (Bocom International), cho biết qua kết luận hội nghị có thể thấy Bắc Kinh đã thừa nhận phải có sự đánh đổi giữa các mục tiêu chính sách.

Chuyên gia Hồng phân tích: “Chính phủ bắt đầu từ năm nay đã ít chú ý đến đầu tư. Trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng đã bù đắp cho sụt giảm trong đầu tư bất động sản, thì đóng góp của tiêu dùng trong tăng trưởng GDP đã tăng lên”.

Trong khi đó, cô Iris Pang, nhà kinh tế học của ING Wholesale banking, nhận định những động thái đẩy mạnh kiểm soát tín dụng và nợ quá mức là “con dao hai lưỡi” có thể ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế.

Theo cô Pang: “Một động thái nhỏ trong hệ thống tài chính, như kiểm soát tín dụng ngân hàng hay giảm thanh khoản liên ngân hàng, có thể ảnh hưởng đến toàn cục. Điều đó đang được giới quản lý đặc biệt chú ý”.

Cẩm Bình (theo SCMP, Tân Hoa Xã, Asia Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
16 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc ưu tiên ngăn ngừa rủi ro tài chính trong 3 năm tới