Các quốc gia hứa 'tôn trọng luật pháp quốc tế', còn Nhật Bản chỉ trích luật hải cảnh của Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố không cúi đầu khi nói đến Đài Loan, Biển Đông ở Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus

Nhân Hoàng | 16/06/2021, 22:12

Các quốc gia hứa 'tôn trọng luật pháp quốc tế', còn Nhật Bản chỉ trích luật hải cảnh của Trung Quốc.

Hôm 16.6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Ngụy Phượng Hòa nói với Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á rằng Bắc Kinh sẽ không cúi đầu khi nói đến Đài Loan, Biển Đông và các "lợi ích cốt lõi" khác.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus (ADMM-Plus), được tổ chức trực tuyến và do Brunei chủ trì, Tướng Ngụy Phượng Hòa thừa nhận "mối quan tâm chính đáng" của các nước khác về các vấn đề chưa được xác định nhưng nói rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc phải được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ.

Ông Ngụy Phượng Hòa không chỉ liệt kê Đài Loan và Biển Đông - nơi Trung Quốc có yêu sách chồng lấn với một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - mà còn cả Tân Cương và Hồng Kông. Về sự tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa cho rằng điều đó nên được coi là "một phần của sự phát triển của các lực lượng hòa bình trên thế giới".

Cũng trong cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - Nobuo Kishi nhấn mạnh tầm quan trọng của "hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan" với cộng đồng quốc tế, kêu gọi giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại.

Cuộc họp quy tụ 18 quốc gia, bao gồm 10 thành viên ASEAN, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc, New Zealand và Trung Quốc. Những cuộc họp như này đã được tổ chức từ năm 2010, nhưng phiên họp hôm 16.6 đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.

Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi Đài Loan báo cáo 28 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo. Đây là cuộc xâm nhập hàng ngày lớn nhất kể từ khi Cơ quan phòng vệ Đài Loan bắt đầu báo cáo thường xuyên các hoạt động của Không quân Trung Quốc tại ADIZ hòn đảo vào năm ngoái, phá vỡ kỷ lục trước đó với 25 máy bay được báo cáo vào ngày 12.4. Xem chi tiết tại đây.

Hôm 3.6, tại hội nghị thượng đỉnh G7, 7 nền kinh tế hùng mạnh (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) cũng đã kêu gọi sự ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích "giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển".

trung-quoc-tuyen-bo-khong-cui-khi-noi-den-dai-loan-bien-dong.jpg
Trung Quốc coi Đài Loan là "lợi ích cốt lõi", không chịu sự can thiệp của bên ngoài

Mỹ vẫn chưa tiết lộ những vị trí mà họ đã đảm nhận trong cuộc họp do ASEAN dẫn đầu. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực tăng cường các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ để chống lại sự quyết đoán từ Trung Quốc.

Trong văn bản tuyên bố được Singapore công bố sau cuộc họp, các thành viên ADMM-Plus tái khẳng định "tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải, hàng không".

Ông Nobuo Kishi cũng nói tại cuộc họp rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 2 và tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển nước này, "bao gồm các điều khoản có vấn đề trên quan điểm nhất quán với luật pháp quốc tế". Ông nhấn mạnh tầm nhìn của Nhật Bản về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", tập trung vào pháp quyền, thương mại tự do và hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng trải dài hai đại dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Rajnath Singh cũng nhấn mạnh tầm nhìn của riêng về một trật tự "tự do, cởi mở và bao trùm" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cho rằng điều này cần "dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại, tuân thủ các quy tắc và luật pháp quốc tế".

Ghi nhận những diễn biến gần đây ở Biển Đông, ông Rajnath Singh cho biết Ấn Độ ủng hộ "tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở" trên các tuyến đường thủy quốc tế.

Philippines đưa ra thông cáo nói rằng một số nước ngoài ASEAN "bày tỏ quan ngại" về luật hải cảnh của Trung Quốc. Philippines cho biết những người tham gia đã thảo luận về "những thách thức an ninh khu vực chung như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, kiểm soát biên giới, an ninh mạng, an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu", cũng như cuộc đảo chính ở Myanmar. Thế nhưng, tuyên bố không đưa ra chi tiết về các cuộc trao đổi.

Hôm qua, 10 bộ trưởng quốc phòng ASEAN đã họp trực tuyến và kêu gọi sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực. Xem chi tiết tại đây.

Luật hải cảnh của Trung Quốc có những gì?

Theo các chi tiết về luật được đăng lại trên trang web chính phủ Trung Quốc, luật hải cảnh gồm 11 chương, với tổng cộng 84 điều. Điều 84 ghi: "Luật này được thi hành từ ngày 1.2.2021".

Trong chương 1 về "quy tắc chung", điều 3 ghi: "Luật này có thể áp dụng với việc hải cảnh triển khai hoạt động chấp pháp, bảo vệ quyền trên biển trong vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc".

Tại chương 3 về "bảo vệ an ninh trên biển", điều 22 ghi: "Khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp, theo luật này và các luật liên quan khác, hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, để chặn đứng hành vi xâm phạm và loại trừ mối nguy".

Luật này nhiều lần nhắc tới việc sử dụng vũ khí, với từ "vũ khí" được nhắc 15 lần. Chương nhắc nhiều nhất tới từ "vũ khí" là chương 6, (gồm điều 46, 47, 48, 49, 50, 51) có nội dung về "Sử dụng vũ khí và cảnh giới", nêu ra những trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí.

Điều 46 ghi: "Với một trong những tình huống dưới đây, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí hoặc các thiết bị, công cụ tại hiện trường:

Thứ nhất, cần ép buộc tàu bè dừng di chuyển khi truy đuổi, ngăn lại, kiểm tra, lên tàu theo luật.

Thứ hai, cưỡng chế xua đuổi, cưỡng chế lai dắt tàu bè theo luật.

Thứ ba, trong quá trình thi hành nhiệm vụ theo luật, gặp phải trở ngại, điều gây phương hại.

Thứ tư, trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ".

Theo điều 47, một trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng "vũ khí cầm tay" nếu cảnh cáo đã đưa ra vô hiệu là khi tàu bè nước ngoài xâm nhập vào "vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc" và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp.

Điều 48 thuộc chương 6 ghi: "Trong các tình huống sau, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay bên cạnh vũ khí cầm tay: Thứ nhất, thi hành nhiệm vụ chống khủng bố trên biển. Thứ hai, xử lý sự việc bạo lực nghiêm trọng trên biển. Thứ ba, tàu và máy bay chấp pháp bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác".

Còn điều 49 ghi: "Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn".

Bài liên quan
ASEAN muốn bỏ đề xuất cấm vận vũ khí với Myanmar trong văn bản Đại hội đồng LHQ
9 quốc gia Đông Nam Á đã đề xuất giảm bớt lời kêu gọi cấm vận vũ khí với Myanmar trong dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tuyên bố không cúi đầu khi nói đến Đài Loan, Biển Đông ở Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus