Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ nóng lên bất kể ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5.11, với đảng Dân chủ có khả năng đưa ra các quy tắc mới có mục tiêu và ông Trump có cách tiếp cận thẳng thừng hơn.
Thế giới số

Trung Quốc sẽ chịu nhiều đòn trừng phạt về công nghệ khắc nghiệt hơn nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Sơn Vân 23/10/2024 23:02

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ nóng lên bất kể ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5.11, với đảng Dân chủ có khả năng đưa ra các quy tắc mới có mục tiêu và ông Trump có cách tiếp cận thẳng thừng hơn.

Những nỗ lực mới nhằm làm chậm dòng chảy các loại chip, ô tô thông minh và mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc kém tinh vi hơn vào Mỹ dự kiến ​​sẽ diễn ra, cùng nhiều biện pháp hạn chế hơn với các công cụ sản xuất chip và chip AI có giá trị cao hướng đến Trung Quốc, theo các cựu quan chức chính quyền Biden và Trump, chuyên gia trong ngành và những người thân cận với hai chiến dịch tranh cử.

Trong nỗ lực tranh cử Tổng thống Mỹ, Harris (ứng cử viên của đảng Dân chủ) tuyên bố bà sẽ đảm bảo "Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cho thế kỷ 21". Trong khi ông Trump (ứng cử viên của đảng Cộng hòa) hứa đưa ra chính sách tăng thuế ngày càng cao như là biện pháp giải quyết mọi vấn đề, gồm cả việc chống lại sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Tóm lại, cuộc chiến của Mỹ nhằm ngăn chặn dòng tiền và công nghệ thúc đẩy năng lực quân sự và trí tuệ nhân tạo cho Trung Quốc chắc chắn sẽ leo thang dưới thời ông Trump hoặc bà Harris.

"Chúng ta đang chứng kiến ​một mặt trận mới mở ra trong cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào dữ liệu, phần mềm và các thiết bị được kết nối", Peter Harrell, cựu quan chức an ninh quốc gia trong chính quyền Biden, bình luận.

Tháng 9, Mỹ đã đề xuất các quy tắc để cấm những chiếc ô tô được kết nối sản xuất bằng các thành phần Trung Quốc không được lưu thông trên đường phố nước này. Trong khi một luật được thông qua hồi tháng 4 nêu rõ tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok vào năm 2025 hoặc ứng dụng chia sẻ video này sẽ bị cấm tại Mỹ.

Peter Harrell nhận định: "Có rất nhiều lo ngại nếu một công ty Trung Quốc có thể truy cập và cung cấp các bản cập nhật cho các thiết bị. Vấn đề ô tô kết được nối và TikTok chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".

Những người thân cận với cả hai chính quyền cho biết nếu Harris thắng cử, cách tiếp cận của bà có thể sẽ có mục tiêu và phối hợp hơn so với ông Trump. Ví dụ, bà Harris có thể sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh như chính quyền Biden từng thực hiện, để ngăn chặn công nghệ Mỹ hỗ trợ quân đội Trung Quốc, theo Peter Harrell.

Ngược lại, chính quyền Trump có thể hành động nhanh hơn và sẵn sàng trừng phạt các đồng minh không tuân theo sự dẫn dắt của Mỹ.

"Tôi nghĩ chúng ta đã học được từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump rằng ông ấy có thiên hướng hành động mạnh mẽ", Jamieson Greer, cựu chánh văn phòng của Robert Lighthizer - Đại diện thương mại Mỹ dưới thời ông Trump, nhận xét. Jamieson Greer vẫn gần gũi với chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Nazak Nikakhtar, quan chức Bộ Thương mại Mỹ dưới thời Trump, hy vọng ông Trump sẽ "mạnh tay hơn nhiều với chính sách kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc".

Bà dự đoán "sẽ có sự mở rộng đáng kể danh sách thực thể", gồm cả các chi nhánh và đối tác kinh doanh của các công ty bị liệt kê. Những công ty có tên trong danh sách đen của Mỹ sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Chính quyền Trump từng đưa Huawei vào danh sách đen thương mại vào năm 2019.

Nazak Nikakhtar cho biết giấy phép vận chuyển công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc cũng có nhiều khả năng bị từ chối hơn dưới thời ông Trump. Bà sẽ không ngạc nhiên nếu ông Trump áp đặt các hạn chế không chỉ với việc nhập khẩu chip Trung Quốc mà còn với "một số sản phẩm có chứa những chip đó".

Nazak Nikakhtar hy vọng ông Trump sẽ cứng rắn hơn bà Harris với các đồng minh không tuân theo sự dẫn dắt của Mỹ. "Triết lý của Trump thiên về sử dụng đòn trừng phạt nhiều hơn", bà nói.

Bill Reinsch, cựu quan chức Thương mại trong chính quyền Bill Clinton, cho rằng ông Trump có khả năng sẽ dùng "búa tạ" để kiểm soát, còn bà Harris sẽ sử dụng "dao mổ".

"Cách tiếp cận của Trump đã được thể hiện trên diện rộng, rõ nhất trong các đề xuất thuế quan hiện tại của ông", Reinsch cho biết.

Trump đã nói rằng ông sẽ áp dụng thuế quan 10 hoặc 20% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu nói chung và 60% trở lên với hàng nhập khẩu riêng từ Trung Quốc.

Bà Harris đã mô tả kế hoạch thuế quan của Trump là loại thuế đánh vào người tiêu dùng, nhưng chính quyền Biden thấy cần phải áp dụng thuế quan có mục tiêu, gồm tăng thuế với chất bán dẫn từ 25% lên 50% vào năm 2025.

trung-quoc-se-chiu-nhieu-don-trung-phat-ve-cong-nghe-khac-nghiet-hon-neu-ong-trump-dac-cu-tong-thong-my.jpg
Ông Trump hứa đưa ra chính sách tăng thuế ngày càng cao như là biện pháp giải quyết mọi vấn đề, gồm cả việc chống lại sự phát triển công nghệ của Trung Quốc nếu đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Năm ngoái, Trung Quốc nhắm vào Micron Technology (hãng sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) sau khi chính quyền Biden áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu với chip và thiết bị sản xuất chip Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn trừng phạt các công ty Mỹ khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ dưới thời ông Trump, nói Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc, nhưng phải có chiến lược.

"Sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ cố gắng cắt đứt quan hệ với họ", Wilbur Ross nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters vừa công bố báo cáo khảo sát thực hiện với 27 nhà xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc có ít nhất 15% doanh thu bán cho thị trường Mỹ.

Theo kết quả của báo cáo, 12 trong số 27 doanh nghiệp nói trên cho biết đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc thiết lập nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc, để đề phòng trường hợp ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Bốn doanh nghiệp khác khẳng định vẫn duy trì hoạt động hoàn toàn ở Trung Quốc, chỉ mở thêm nhà máy ở nước ngoài nếu ông Trump đắc cử và tiến hành tăng thuế nhập khẩu. 11 doanh nghiệp còn lại thừa nhận chưa chuẩn bị bất kỳ biện pháp phòng vệ nào liên quan tới kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết đều bày tỏ sự lo ngại về khả năng mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ.

Ông Trump đã tuyên bố sẽ nâng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc lên tới 60%. Đây là mức thuế mà theo nhận định của các chuyên gia và thị trường có thể “đặt dấu chấm hết” cho việc hàng hóa Trung Quốc có mặt tại Mỹ, nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Mối đe dọa về thuế suất đó đã làm “rung chuyển” khu vực công nghiệp của Trung Quốc, nơi cung cấp 400 tỉ USD hàng hóa cho thị trường Mỹ mỗi năm và hàng trăm tỉ USD các sản phẩm linh kiện khác được sử dụng trong các sản phẩm mà người Mỹ mua từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Trong trường hợp thuế quan mới được áp dụng, không loại trừ khả năng chuỗi cung ứng của Trung Quốc tới Mỹ sẽ bị gián đoạn, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp tại cường quốc lớn nhất châu Á, gây tổn hại đến việc làm, đầu tư và tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Không chỉ Trung Quốc chịu thiệt, ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn và các nhà sản xuất sẽ phải chịu các khoản chi phí sản xuất phát sinh.

Ông Trump có thể chấm dứt tín dụng thuế ô tô điện, bổ nhiệm Elon Musk làm cố vấn

Ông Donald Trump cho biết sẽ cân nhắc chấm dứt khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho việc mua ô tô điện nếu đắc cử Tổng thống Mỹ và sẵn sàng bổ nhiệm Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) vào vị trí trong nội các hoặc vai trò cố vấn.

Tín dụng thuế ô tô điện là một khoản giảm thuế mà chính phủ Mỹ cung cấp cho người mua ô tô điện. Ở Mỹ, khoản tín dụng này nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, cụ thể là ô tô điện.

"Tín dụng thuế và ưu đãi thuế thường không phải là điều tốt", ông Trump nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn sau sự kiện vận động tranh cử ở thành phố York (bang Pennsylvania, Mỹ) hồi tháng 8 khi được hỏi về tín dụng ô tô điện.

Về việc có bổ nhiệm Elon Musk vào vai trò cố vấn hoặc công việc nội các không, Trump cho biết ông sẽ cân nhắc. "Cậu ấy là một người rất thông minh. Tôi chắc chắn sẽ làm điều đó nếu cậu ấy đồng ý. Cậu ấy là một người tài năng", ông Trump nói.

len-san-khau-cung-ong-trump-elon-musk-phat-ngon-gay-soc-trong-buoi-mit-tinh-o-pennsylvania.jpg
Ông Donald Trump sẵn sàng bổ nhiệm Elon Musk vào vị trí trong nội các hoặc vai trò cố vấn nếu đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh: Getty Images

Elon Musk đã công khai ủng hộ Trump trong cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ sau vụ ông bị ám sát hụt hôm 13.7. Tesla không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Nếu đắc cử, ông Trump có thể thực hiện các bước để đảo ngược các quy tắc của Bộ Tài chính Mỹ vốn giúp các nhà sản xuất ô tô dễ dàng tận dụng khoản tín dụng 7.500 USD hoặc có thể yêu cầu Quốc hội bãi bỏ hoàn toàn. Khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã tìm cách bãi bỏ khoản tín dụng thuế ô tô điện, sau đó được người kế nhiệm là ông Joe Biden mở rộng vào năm 2022.

Hôm 23.7, Elon Musk, cho biết việc ông Donald Trump có khả năng loại bỏ sự hỗ trợ xe điện sẽ gây tổn hại cho các hãng sản xuất ô tô khác nhiều hơn Tesla.

"Điều này sẽ gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ đến Tesla, nhưng về lâu dài có lẽ thực sự giúp ích cho Tesla", Elon Musk nói.

Tỷ phú giàu nhất thế giới nói việc Trump loại bỏ trợ cấp và tác động đến doanh số ô tô điện Tesla không quan trọng vì họ là công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào công nghệ tự lái.

"Giá trị của Tesla chủ yếu là tự động hóa. Những thứ khác chỉ là những yếu tố không quan trọng so với công nghệ tự động", Elon Musk nói.

Trước đó, Elon Musk đã đăng trên mạng xã hội X: "Hãy loại bỏ các khoản trợ cấp (ô tô điện). Điều đó chỉ giúp ích cho Tesla. Cũng nên loại bỏ trợ cấp cho tất cả ngành công nghiệp!".

Hôm 19.8, ông Trump cũng cho biết sẽ thực hiện các bước để ngăn cản việc xuất khẩu xe do Detroit Three và các hãng khác sản xuất từ ​​Mexico đến người tiêu dùng Mỹ bằng cách áp dụng thuế quan mới, đồng thời sẽ ngăn các công ty Trung Quốc xây các nhà máy mới tại Mexico để sản xuất ô tô cho thị trường Mỹ. Ông đã đưa ra những lời đe dọa tương tự trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình.

"Nếu bạn áp thuế với những chiếc xe đó, chúng sẽ được sản xuất tại đây. Rất đơn giản. Không phức tạp", ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa nói.

Ông Trump cho rằng Mexico đang gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô Mỹ bằng cách thu hút các công ty đến nước này để sản xuất xe với chi phí thấp hơn.

Trong bài phát biểu tại đại hội của đảng Cộng hòa hồi tháng 7 ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ), Trump cho biết chính quyền của ông sẽ áp đặt thuế quan từ 100% đến 200% với các ô tô được sản xuất tại Mexico để khiến chúng "không thể bán được" ở Mỹ.

Thế nhưng, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng cho các hãng ô tô Trung Quốc và các công ty khác sản xuất xe tại Mỹ. "Chúng tôi sẽ đưa ra các ưu đãi. Nếu Trung Quốc và các quốc gia khác muốn đến Mỹ và bán ô tô, họ sẽ xây dựng nhà máy ở đây và sẽ thuê nhân viên của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tự sản xuất ô tô. Tôi muốn chúng tôi tự sản xuất ô tô", ông Trump nhấn mạnh.

Bài liên quan
Ông Trump lại muốn Google bị truy tố sau khi dọa bỏ tù Mark Zuckerberg
Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, tuyên bố sẽ yêu cầu truy tố Google nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 5.11 tới, cáo buộc rằng gã khổng lồ tìm kiếm này chỉ hiển thị "những câu chuyện xấu" về ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
38 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc sẽ chịu nhiều đòn trừng phạt về công nghệ khắc nghiệt hơn nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?