Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ lên đến 3,5% trong hai ngày 11-12.8, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ làm ăn với phía Trung Quốc tỏ ra lo lắng, đứng ngồi không yên bởi sức ép cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc phá giá đồng NDT, doanh nghiệp Việt đứng ngồi không yên

Một Thế Giới | 13/08/2015, 10:10

Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ lên đến 3,5% trong hai ngày 11-12.8, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ làm ăn với phía Trung Quốc tỏ ra lo lắng, đứng ngồi không yên bởi sức ép cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt đứng ngồi không yên
Sau khi tuyên bố sẽ phá giá đồng Nhân dân tệ 1,86% vào ngày 11.8, ngay ngày hôm sau (12.8), Trung Quốc lại tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) thêm 1,62%, nâng tổng mức phá giá 2 ngày liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lên 3,5%. Thông tin này đã khiến thị trường thế giới rúng động, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đang nhập khẩu một khối lượng hàng hóa rất lớn, và Trung Quốc cũng là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam trong những năm qua. Bởi vậy, trước thông tin Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ lên đến 3,5% đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng ngồi không yên.
Trao đổi với báo chí, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện có đến hơn 90% doanh nghiêp thuỷ sản có phương thức thanh toán bằng đồng USD vì vậy việc tăng giá của đồng USD thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thuỷ sản trong 7 tháng đầu năm.
"Hiện nay lại đến lượt đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá sẽ làm tình hình xuất khẩu càng thêm khó khăn hơn. Ví dụ như với mặt hàng tôm, nếu các nước trong khu vực cùng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng phá giá bản tệ theo Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt sẽ mất lợi thế cạnh tranh", ông Hòe cho biết.
Cũng theo ông Hòe, sự điều chỉnh đồng Nhân dân tệ sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc vì thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường còn nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt. 
Trong khi đó, ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và thương mại Tôn Vinh cho biết, công ty của ông đã xuất khẩu chè sang Trung Quốc từ nhiều năm nay, doanh thu mỗi năm đạt 160 tỷ đồng, nên việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc như công ty Tôn Vinh chịu nhiều thua thiệt.
Chính vì vậy, ông Ái mong rằng Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ bằng các chính sách phù hợp để giúp cho doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định và không chịu thiệt thòi khi cạnh tranh với hàng hóa của các nước, đặc biệt là sức ép từ hàng hóa Trung Quốc.
Không chỉ riêng gì thủy sản, chè, các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam hiện cũng như "ngồi trên đống lửa" trước thông tin Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Theo đó, ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, với những hợp đồng thanh toán bằng USD doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải thêm khoảng 2% để chi trả cho một đơn hàng với giá như trước đây. 
Kinh tế Việt Nam sẽ chịu rủi ro?
Đánh giá về động thái phá giá đồng tiền của Trung Quốc, trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn từ sự kiện này.
Theo đó, ông Doanh cho rằng, Trung Quốc phá giá đồng tiền là để đẩy mạnh xuất khẩu, bởi xuất khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã giảm 3,3% và Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ thì hàng hóa của Trung Quốc sẽ ngày càng rẻ hơn, từ đó sẽ có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc. 
"Riêng với Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất của Trung Quốc, đặc biệt là nhập khẩu biên mậu và không chính ngạch, tức là nhập khẩu qua biên giới, buôn lậu, thì theo con số thống kê của Trung Quốc và Việt Nam đã lên đến 20 tỷ USD. 
Với tình hình như vậy, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ có tác động hết sức mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam bởi vì hàng của Trung Quốc rẻ hơn sẽ tràn vào Việt Nam. Đặc biệt là phía Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới biên mậu (tức là mạng lưới những người chuyên đóng hàng buôn lậu về Việt Nam, sống dựa vào Trung Quốc), giờ chênh lệch tỷ giá tăng lên thì mạng lưới biên mậu này lại càng có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn", ông Doanh nhận định.
Đồng tình với ý kiến của ông Doanh, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên đến từ Chương trình giảng dạy Fulbright cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. 
Cụ thể, theo số liệu thống kê, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 14,9 tỉ USD, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc 43,7 tỉ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 10% và còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 29,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Cho nên với việc phá giá đồng Nhân dân tệ, ông Tuấn cho rằng sẽ tạo ra áp lực nhập siêu cực kì lớn. Hàng Trung Quốc đã rẻ nay còn có thể rẻ hơn và sẽ tràn vào Việt Nam. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước
"Bên cạnh đó, nguy cơ nhập siêu từ các thị trường khác cũng gia tăng. Hàng Trung Quốc vốn đã rẻ hơn hàng của Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh hơn khi xâm nhập vào cùng một thị trường thì nay lại càng rẻ hơn, làm cho khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường bị hạn chế đi.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc mà còn tác động gián tiếp tới việc xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường khác", ông Tuấn nói.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phá giá đồng NDT, doanh nghiệp Việt đứng ngồi không yên