Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải đi tìm đồng minh, nhưng đây là điều không dễ dàng, theo nhận định của báo New York Times.

Trung Quốc không dễ lôi kéo đồng minh chống Mỹ

06/11/2018, 07:09

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải đi tìm đồng minh, nhưng đây là điều không dễ dàng, theo nhận định của báo New York Times.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Hội chợ CIIE – Ảnh: Getty Images

Tờ báo Mỹ nêu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh với phần còn lại của thế giới rằng Trung Quốc có thể là một thế lực tích cực cho thương mại toàn cầu, vào lúc kinh tế Trung Quốc đã bị suy yếu lại có thể bị giảm tốc từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Vấn đề thách thức là ông Tập có thuyết phục được thế giới hay không.

Ông Tập nhắc lại lời hứa mở cửa thị trường

Ngày 5.11, ông Tập khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất (CIIE) ở Thượng Hải.

Đây là một sự kiện lớn trong năm của Bắc Kinh, nhằm thể hiện Trung Quốc là một khách hàng lớn của hàng hóa nước ngoài, khẳng định người Trung Quốc chuộng hàng hóa nước ngoài, và ông hứa hạ thuế nhập khẩu, cải thiện khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng cửa nhằm thu hút hàng hóa nước ngoài đến Trung Quốc.

Ông Tập cũng nói tổng sức mua hàng nước ngoài của Trung Quốc sẽ là 30 ngàn tỉ USD trong 15 năm tới, và cùng giai đoạn này, khoản mua dịch vụ của nước ngoài sẽ đạt 10 ngàn tỉ USD.

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc sẽ mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và viễn thông, sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để các công ty nước ngoài không phải lo sợ bị ăn cắp hoặc sao chép bản quyền. Ông Tập nói Trung Quốc sẽ lập một hệ thống xử phạt, buộc kẻ vi phạm phải trả giá đắt, nhưng không cho biết chi tiết.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói: “Mở cửa đã trở thành thương hiệu của Trung Quốc, đất nước này phát triển nhờ ôm lấy thế giới, và thế giới cũng hưởng lợi từ sự mở cửa của Trung Quốc. Hôm nay, khi kinh tế toàn cầu hóa được mở sâu, ý tưởng chơi luật rừng và người thắng chiếm hết tất cả chỉ dẫn đến sự kết thúc chết chóc”.

Trong diễn văn 35 phút của ông Tập, cuộc chiến thương mại với Mỹ là chủ đề chính. Trung Quốc đang tìm cách giải quyết cuộc chiến thương mại này, trước khi nó gây thêm tổn thất cho nền kinh tế. Sức tăng trưởng kinh tế đã bị tác động từ mối lo nặng nợ, hoạt động kinh doanh suy yếu và niềm tin của người tiêu dùng cũng suy giảm.

Ngay cả khi tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn cố gắng thu hút phần còn lại của thế giới, nhằm vừa có sự ủng hộ chính trị trong cuộc chiến với Mỹ, lại vừa bảo đảm Trung Quốc là thị trường để nước ngoài bán hàng hóa.

Để minh họa cho nỗ lực trên, gần đây ông Tập đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một động thái được cho là hai đối thủ Trung-Nhật đã xích lại gần nhau, vào lúc ông Trump có quan điểm thương mại cứng rắn cả với Nhật lẫn với Trung Quốc.

Trung Quốc không dễ lôi kéo đồng minh chống Mỹ

Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng. Dù không ưa chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhưng nhiều lãnh đạo châu Âu và Đông Á cũng phàn nàn Trung Quốc, nói Trung Quốc kỳ thị các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc và thiên vị các công ty trong nước. Một số nhà lãnh đạo cũng bắt đầu ủng hộ một thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.

Tổng thư ký Adam Dunnett của Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc nói trong vài tháng qua, một số công ty châu Âu bắt đầu ủng hộ quan điểm cứng rắn hơn kiểu Mỹ. Họ muốn hạn chế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu qua châu Âu, trừ phi Bắc Kinh cũng cho các công ty châu Âu quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, như châu Âu đã tạo điều kiện này cho các công ty Trung Quốc.

Ông Dunnett nói: “Đó là một sự thay đổi cơ bản. Điều một số thành viên của chúng tôi nói như thế là một mối quan ngại thật sự”.

Ông từ chối nêu tên các công ty và nói Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc không thay đổi quan điểm lâu nay, là kêu gọi Bắc Kinh mở rộng cửa thị trường Trung Quốc, nhưng không dọa áp thuế hoặc các biện pháp áp với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu qua châu Âu.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu bắt đầu phàn nàn giống Mỹ, rằng Trung Quốc đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, mà không có đủ quy định buộc Trung Quốc phải trở thành một nền kinh tế theo hướng mở cửa thị trường. Ông Patrick Pouyann, Chủ tịch-Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) nói: “Chúng tôi phần nào ngây thơ khi quyết định đón nhận Trung Quốc”.

Những thay đổi thái độ này trùng việc chính phủ Mỹ tập trung kêu gọi các nước khác phản đối chính sách thương mại của Trung Quốc. Vài tháng qua, Đại diện thương mại Mỹ Robert E.Lighthizer chú trọng về Trung Quốc, đồng thời vận động các nước châu Âu và Đông Á, tìm kiếm những thỏa thuận thương mại tự do với nhiều nước thuộc hai khu vực này.

Hồi cuối tháng 9, các Bộ trưởng Thương mại Nhật, Mỹ và EU đã ra tuyên bố chung, lên án tình trạng buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và ủng hộ các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Dù không nói ra tên, tuyên bố này nhằm vào Trung Quốc.

Trung Trực (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không dễ lôi kéo đồng minh chống Mỹ