Nhiều nhân tài công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài không muốn về quê hương bởi sợ mất sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống và văn hóa làm việc căng thẳng hơn, thậm chí độc hại.

Trung Quốc khó thu hút nhân tài công nghệ về nước vì văn hóa làm việc độc hại

Sơn Vân | 19/02/2023, 14:45

Nhiều nhân tài công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài không muốn về quê hương bởi sợ mất sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống và văn hóa làm việc căng thẳng hơn, thậm chí độc hại.

Sau khi mất việc trong đợt sa thải hàng loạt tại Amazon vào tháng 1, kỹ sư phần mềm Mark Liu đã lên chuyến bay trở về quê hương của mình ở miền trung Trung Quốc.

Người đàn ông 30 tuổi quyết định nghỉ ngơi ở nhà, dành thời gian cho bố mẹ và ông bà, đồng thời chuẩn bị tìm công việc mới. Thế nhưng, Mark Liu sẽ không tìm việc ở Trung Quốc.

Mark Liu vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở Canada, dù làn sóng sa thải trong ngành công nghệ hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc.

Chuyển đến Canada vào năm 2019, Mark Liu nói với trang SCMP: “Tôi vẫn chưa cân nhắc việc quay lại Trung Quốc để làm việc vào thời điểm hiện tại”.

Vài tháng qua, khi tình trạng sa thải nhân viên trong lĩnh vực công nghệ gia tăng và Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau 3 năm áp dụng chính sách Zero COVID, các kỹ sư Trung Quốc làm việc tại Mỹ và Canada phân vân nên ở lại hay đi.

Trung Quốc đang hy vọng thu hút nhân tài về nước trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ đang sôi sục với Mỹ. Tuy nhiên, những người Trung Quốc sống ở nước ngoài không muốn về quê hương bởi sợ mất sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống và văn hóa làm việc căng thẳng hơn, thậm chí độc hại.

Mark Liu là một trong số đó, dù đôi khi anh tự hỏi liệu có phải là lựa chọn đúng đắn khi ở cách nhà hơn 9.000km chỉ để thoát khỏi tình trạng làm thêm giờ liên miên và sự quản lý nghiêm ngặt.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân năm 2014, Mark Liu gia nhập một ngân hàng nhà nước ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), nơi sếp anh nói rõ ràng rằng số giờ làm thêm bắt buộc của đội phải là 46 giờ mỗi tháng.

Nếu bạn không đạt yêu cầu 46 giờ, sếp sẽ phê bình bạn. Trong năm thứ hai, con số đã trở thành 50 giờ”, Mark Liu nói, đồng thời cho biết thêm công ty cũng thường xuyên yêu cầu nhân viên tham gia các buổi hội thảo sau giờ làm việc.

"Công ty đang cố gắng tận dụng bạn, hạn chế bạn và kiểm soát bạn. Cảm giác của bạn là công ty không phải đối tác và người ủng hộ bạn, mà thay vào đó bạn là một kẻ nô lệ được trả tiền", Mark Liu chia sẻ.

trung-quoc-kho-thu-hut-nhan-tai-cong-nghe-ve-nuoc.jpg
Văn hóa làm việc căng thẳng của Trung Quốc là trở ngại trong việc thu hút các tài năng công nghệ hàng đầu về nước - Ảnh: EPA-EFE

Luật lao động Trung Quốc quy định rằng thời gian làm việc theo luật định là 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ một tuần, nhưng rất ít người sử dụng lao động tuân thủ luật này.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, số giờ làm việc trung bình của nhân viên Trung Quốc trong tuần là 47,9 giờ tính đến tháng 12.2022. Để so sánh, vào tháng 1.2023, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của tất cả nhân viên trên các bảng lương tư nhân không phải trong ngành nông nghiệp ở Mỹ là 34,7 giờ, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Các công ty Trung Quốc nổi tiếng về giá trị làm việc chăm chỉ, tiêu biểu cho văn hóa 996 của lĩnh vực công nghệ, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

Trong khi một số hãng công nghệ đã giảm giờ làm việc của mình hai năm qua sau khi bị lên án mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội, 40 giờ mỗi tuần vẫn là một giấc mơ xa vời với nhiều nhân viên ngành này, vốn bị coi là già khi đến tuổi 35 và có nguy cơ bị đào thải.

Trên 1Point3Acres, cộng đồng trực tuyến dành cho nhân viên công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài, các bài đăng so sánh văn hóa làm việc của Trung Quốc và Mỹ đã xuất hiện thường xuyên vài tháng qua, vì nhiều người đang cân nhắc việc quay trở lại Trung Quốc.

So với các công ty tại Mỹ, có nhiều chính trị văn phòng hơn và ít tự do hơn ở các công ty Trung Quốc, đồng thời tài năng không được coi trọng”, một người dùng cho biết.

Điều đó có thể gây rắc rối cho Trung Quốc, quốc gia đang khát nhân tài công nghệ, đặc biệt là những người có kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, khi đang phải đối mặt với sự gia tăng kiềm chế công nghệ từ Mỹ cùng các đồng minh.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực của Trung Quốc, từ các công ty nhà nước đến các hãng tư nhân mới thành lập, đang đưa ra các gói lương ấn tượng để thu hút các kỹ sư.

Một kỹ sư chip Trung Quốc làm việc tại bờ biển phía tây nước Mỹ, hé lộ tên mình là Neo, cho biết mỗi ngày anh đều tự hỏi liệu có nên trở về nhà hay không.

Câu trả lời luôn là không. Khối lượng công việc sẽ lớn hơn nhiều, nhưng lương có thể không cao. Đến nay, tôi không biết bất kỳ kỹ sư trẻ nào đã chọn quay trở lại Trung Quốc”, Neo nhấn mạnh.

Hầu hết trở về Trung Quốc vì đã chạm ngưỡng giới hạn tại Mỹ và có thể đảm bảo một vị trí cao hơn ở cấp phó chủ tịch hoặc điều hành trong một công ty Trung Quốc.

Thường thì họ đã có thẻ xanh vào thời điểm đó, vì vậy họ có thể ở lại Trung Quốc lâu hơn nếu muốn, hoặc quay lại Mỹ sau một thời gian”, Neo cho hay.

Sự khác biệt trong văn hóa làm việc cũng là một cân nhắc quan trọng với Neo.

Với tư cách là người mới làm cha, Neo thường tham dự cuộc họp buổi sáng trên giường, trước khi ăn sáng, cho con nhỏ ăn và dắt chó đi dạo. Sau đó, anh mới đi vào văn phòng.

Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ làm được điều này nếu quay trở lại Trung Quốc. Bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra ở Mỹ, mọi người đều tập trung vào việc tìm ra giải pháp hơn là lý do (người phải chịu trách nhiệm). Không ai cạnh tranh với nhau bằng cách ở lại văn phòng trong một thời gian dài hơn”, Neo nói.

Dù đang hạnh phúc ở Canada, Mark Liu không loại trừ khả năng quay trở lại Trung Quốc trong tương lai.

Có ai thực sự muốn đi xa nhà, không có cha mẹ, người thân, bạn bè ở bên và không thể nói tiếng mẹ đẻ không?”, Mark Liu thổ lộ.

“Tôi nghĩ mọi người đều muốn quay trở lại Trung Quốc nếu điều kiện cho phép, để giúp xây dựng đất nước từ một khía cạnh rộng hơn, hoặc chỉ để đoàn tụ với gia đình của mình”, anh nói thêm.

Số nhân tài chip của Trung Quốc sẽ tụt hậu xa so với nhu cầu 789.000 người năm 2024

Theo một báo cáo, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ tạo ra nhu cầu cho 789.000 nhân viên có kinh nghiệm vào năm 2024, vượt quá 1/3 nguồn cung nhân tài tại địa phương.

Tổng nhu cầu về nhân tài trong ngành bán dẫn của Trung Quốc sẽ đạt 789.000 trong hai năm tới, so với con số 570.700 người được tuyển dụng trong lĩnh vực này vào cuối năm 2021, theo một báo cáo được công bố tại Hội nghị Thế giới về Mạch tích hợp ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy.

Báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 2.000 công ty bán dẫn Trung Quốc và hơn 400 viện giáo dục, cho thấy hơn 40% nhu cầu sẽ đến từ lĩnh vực thiết kế chip, vốn sẽ cần 325.200 người vào năm 2024. Phần còn lại trong 789.000 người sẽ là trong sản xuất và đóng gói chip, theo kết quả nghiên cứu được xác nhận bởi Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc.

Sự thiếu hụt nhân tài là một rào cản chính để đạt được mục tiêu tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc, nơi đã tiến hành mạnh mẽ việc thuê nhân tài hàng đầu từ Mỹ và Đài Loan.

Trong khi đó, Mỹ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn từ tháng 10.2022, lần đầu tiên gồm cả hạn chế sự tham gia của người Mỹ (công dân Mỹ và người có thẻ xanh) tại các cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.

Các biện pháp làm dấy lên lo ngại về vai trò tương lai của công dân Mỹ trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Nhiều giám đốc điều hành có vai trò quan trọng với sự phát triển của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đã học tập và làm việc tại Mỹ và có hộ chiếu Mỹ, trong đó có Gerald Yin, Chủ tịch kiêm người sáng lập hãng sản xuất thiết bị chip Advanced Micro-Fabrication Equipment ở thành phố Thượng Hải.

Đáp lại, đang có sự gấp rút thành lập các cơ sở đào tạo bán dẫn ở Trung Quốc. Các trường đại học hàng đầu trên cả nước, bao gồm Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, đã thành lập các trường bán dẫn đặc biệt, trong khi chính quyền địa phương đang tăng cường nguồn lực cho đào tạo.

Tháng 10.2022, đặc khu Lingang ở Thượng Hải đã hợp tác với Đại học Thượng Hải và Hiệp hội Công nghiệp Vi mạch Tích hợp của thành phố để thiết lập một cơ sở đào tạo các tài năng bán dẫn mới.
Sự chênh lệch về nguồn cung đã dẫn đến việc tăng lương khủng cho các tài năng chip. Theo Guo Sheng, Giám đốc điều hành trang web tuyển dụng Zhaopin, mức lương trung bình hàng tháng cho các “vị trí cốt lõi” trong ngành này đạt 18.335 nhân dân tệ (2.566 USD) trong 9 tháng đầu 2022, tăng 12% so với một năm trước.

Guo Sheng cho biết tiền thưởng cho các tài năng bán dẫn hàng đầu có thể tăng 50%.

Phát biểu tại Hội nghị Thế giới về Mạch tích hợp, Li Xiaoyu, Phó chủ tịch của nhà sản xuất chip ChangXin Memory Technologies, nói chính phủ Trung Quốc nên hỗ trợ nhiều hơn để đào tạo nhân tài về chip.

Lý do Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng nhân tài thiết kế chip

Xung đột thương mại và kiểm soát đại dịch chặt chẽ cản trở dòng tài năng thiết kế chip ở nước ngoài đến Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát tư nhân đã kết luận rằng căng thẳng Trung-Mỹ và các biện pháp kiểm soát đại dịch cứng nhắc của Trung Quốc đã làm giảm đáng kể dòng tài năng chip rất cần thiết vào nước này.

Theo cuộc khảo sát do công ty chip IP Arm China và ICWise có trụ sở tại Thượng Hải thực hiện, Trung Quốc đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng dù ngày càng có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập ngành này.

Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc sẽ cần khoảng 320.000 chuyên gia thiết kế chip vào năm 2023, nhưng đội ngũ nhân tài của những chuyên gia như vậy đến 2021 chỉ là 221.000.

Dù một số công ty Trung Quốc đã cố gắng thu hút một số lượng nhân tài cấp cao từ nước ngoài, điều đó vẫn còn rất xa so với nhu cầu phát triển của ngành. Do tác động của xung đột thương mại kinh tế Mỹ-Trung ngày càng tăng và việc bình thường hóa các biện pháp kiểm soát đại dịch, nhân tài mà các công ty vi mạch có kế hoạch thuê từ nước ngoài vào năm 2021 thấp hơn đáng kể so với 2020”, theo khảo sát dài 79 trang.

Các công ty thiết kế chip của Trung Quốc đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho thấy có 2.810 công ty thiết kế chất bán dẫn mới bắt đầu vào năm 2021, tăng 26,7% so với 2020, khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt tay vào thiết kế chip của riêng họ.

Theo cuộc khảo sát, số lượng chuyên gia thiết kế chip ở Trung Quốc tăng 10,7% hàng năm lên 221.000 người vào 2021, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân tài bán dẫn của đất nước. Ngoài thiết kế chip, hai lĩnh vực chủ chốt khác về việc làm là đóng gói và sản xuất.

Sự thiếu hụt nhân tài về chip của Trung Quốc là yếu tố chính cản trở tham vọng bán dẫn nước này.

Hầu hết công ty được khảo sát có trụ sở tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng như các thành phố nhỏ hơn là Vô Tích, Nam Kinh, Tô Châu, Tây An và Hàng Châu.

Các công ty thiết kế chip hoạt động trên một mô hình kinh doanh tương đối nhẹ về tài sản so với các xưởng đúc thâm dụng vốn, vốn đầu tư hàng chục tỉ USD để sản xuất chip. Kết quả là nhiều công ty bán dẫn lớn nhất thế giới (thiết kế nhưng không tự sản xuất chip) phải nhờ cậy các xưởng đúc hợp đồng như TSMC.

TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Bài liên quan
Bị Mỹ trừng phạt, nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc ra gói lương hậu hĩnh tìm nhân tài
Khi phải vật lộn với tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Mỹ, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc - YMTC đang thu hút nhân tài tại địa phương bằng cách đưa ra các gói lương hậu hĩnh cho sinh viên mới tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc khó thu hút nhân tài công nghệ về nước vì văn hóa làm việc độc hại