Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, các Bộ ngành phía Trung Quốc đang tích cực xem xét hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro, cho phép sữa và các sản phẩm sữa, thủy sản và thịt lợn... của Việt Nam được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.

Trung Quốc đang xem xét nhập khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam

tuyetnhung | 15/05/2018, 19:09

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, các Bộ ngành phía Trung Quốc đang tích cực xem xét hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro, cho phép sữa và các sản phẩm sữa, thủy sản và thịt lợn... của Việt Nam được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Quảng Tây, Trung Quốc trong khuôn khổ thúc đẩy hợp tác trên tuyến đường vận tải liên vận Hà Nội – Quảng Tây – Trùng Khánh – châu Âu.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, các Bộ ngành phía Trung Quốc đang tích cực xem xét hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro, cho phép sữa và các sản phẩm sữa, một số loại hoa quả (na, bưởi da xanh, chanh leo...), thủy sản, lợn và thịt lợn… của Việt Nam được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị phía Quảng Tây báo cáo lên các cơ quan của Chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ công tác này.

Trong nhiều năm nay, phần lớn xuất khẩu thịt lợn hơi của Việt Nam sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện không tương xứng với tiềm năng. Theo đó, để xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, giớichuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất lại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống lợn chất lượng năng suất. Bên cạnh tạo ra các giống lợn chất lượng, cần đẩy mạnh khâu chế biến nhằm có nhiều sản phẩm từ thịt lợn, phải đa dạng sản phẩm thì mới thúc đẩy tiêu thụ cả trong và ngoài nước được.

Ngoài ra, cần chú trọng đó là các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhiều nước nhằm nắm bắt được phong tục tập quán, thói quen ăn uống, hàng rào kỹ thuật, từ đó nghiên cứu tổ chức sản xuất trong nước để đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu...

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Trong thời điểm này, Việt Namcần hoàn thiện hồ sơ đáp ứng đúng các yêu cầu của Trung Quốc, chứng minh Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh lở mồm long móng. Sắp tới phía Trung Quốc sẽ cử một đoàn cán bộ sang thăm Việt Nam đồng thời khảo sát nắm bắt tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, nếu Việt Nam thực sự đã kiểm soát tốt dịch bệnh, họ sẽ mở cửa nhập khẩu lợn của Việt Namngay trong năm nay".

Ngoài ra, liên quan tới quy định của phía Quảng Tây về việc truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoa quả của hai bên cần tôn trọng người tiêu dùng trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hai bên có thời gian “thích nghi” với quy định mới của phía Trung Quốc, đề nghị phía Quảng Tây xem xét dành thời gian quá độ cho phía Việt Nam trong vấn đề truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu.

Thứ trưởng Khánh cũng đề nghị Chính quyền Quảng Tây tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam được thông quan nhanh chóng tại các cửa khẩu biên giới đất liền trong những dịp cao điểm; đồng thời phối hợp với các địa phương Việt Nam như Bắc Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trái cây có tính mùa vụ cao như vải, thanh long, dưa hấu…

Liên quan tới vấn đề truy xuất nguồn gốc hoa qua nhập khẩu, Lãnh đạo phía Quảng Tây cho biết, đầu tháng 5 vừa qua cơ quan chuyên môn của hai Bên đã tiến hành nhóm họp trong đó nhấn mạnh việc cơ quan kiểm dịch phía Việt Nam sớm cung cấp danh sách vườn trồng để tạo thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu.

Theo thống kê, thương mại Việt Nam – Quảng Tây luôn chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc. Năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam – Quảng Tây đạt 24,12 tỉ USD, tăng 0,4%, trong đó Quảng Tây xuất khẩu sang Việt Nam trên 13,77 tỉ USD, giảm 0,7%; nhập khẩu trên 10,35 tỉ USD, tăng 2%.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đang xem xét nhập khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam