Trung Quốc đã khởi động chiến dịch can thiệp sớm kéo dài 3 năm để giúp đỡ những người mắc chứng sa sút trí tuệ, khi nước này đối mặt thách thức trong việc chăm sóc dân số đang già đi nhanh chóng.
Trong một thông báo gửi tới các cơ quan y tế địa phương tuần này, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết chiến dịch này có ba mục tiêu: Nâng cao nhận thức xã hội về chứng sa sút trí tuệ, xác định bệnh nhân tốt hơn và đào tạo cho người chăm sóc.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chính quyền địa phương “có đủ nguồn lực” nên cung cấp các xét nghiệm sàng lọc hàng năm về suy giảm nhận thức cho những người từ 65 tuổi trở lên; cần can thiệp và hướng dẫn cho những người có dấu hiệu suy giảm nhận thức sớm và điều trị cho những người được chẩn đoán mắc bệnh này.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng thông báo cho các cơ quan y tế địa phương đào tạo những người chăm sóc và nhân viên cho “phòng khám trí nhớ”, các cơ sở chính phủ được thành lập những năm gần đây để giúp đỡ bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết các tổ chức phúc lợi xã hội khác nên cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân.
Thông báo nêu rõ rằng các cơ quan y tế nên khám phá các cách để thiết lập các mạng lưới hỗ trợ từ các ủy ban cơ sở của đảng Cộng sản, phòng khám và tình nguyện viên.
Chiến dịch này là một phần của Sáng kiến Trung Quốc Khỏe mạnh trong 10 năm được phát động vào năm 2019 nhằm giảm thiểu bệnh mãn tính trong dân chúng và gánh nặng cho hệ thống y tế.
Hơn 15 triệu người trên 60 tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ ở Trung Quốc, trong đó có 9,83 triệu người mắc bệnh Alzheimer, theo báo cáo về bệnh Alzheimer của Trung Quốc được công bố trên Tạp chí General Psychiatry vào tháng 3.2022.
Alzheimer là bệnh rối loạn thần kinh tiến triển theo từng ngày khiến cho não bị thu nhỏ (teo) và các tế bào não chết dần. Đây cũng là là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
Theo trang SCMP, Trung Quốc là nước có số lượng bệnh nhân sa sút trí tuệ nhiều nhất, chiếm hơn 1/4 tổng số thế giới.
Tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ ở Trung Quốc cũng cao hơn mức trung bình của thế giới. Báo cáo cho biết 788,3 người trên 100.000 người mắc bệnh này ở Trung Quốc, so với mức trung bình trên toàn thế giới là 682,5 trường hợp trên 100.000 người.
Báo cáo được viết bởi một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, Đại học Phúc Đán và Đại học Giao thông Thượng Hải không đề cập lý do tại sao tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Sa sút trí tuệ là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Trung Quốc nhưng có rất ít hiểu biết về chứng bệnh này trong cộng đồng. Báo cáo cho biết: “Tỷ lệ chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer của quốc gia này vẫn còn thấp, với ít chuyên gia y tế và nhận thức của công chúng ở mức tối thiểu”.
Nhu cầu bệnh nhân sa sút trí tuệ cần được chăm sóc dự kiến sẽ tăng lên khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo số người ở Trung Quốc trên 60 tuổi sẽ tăng chiếm 28% dân số vào năm 2040. Trong cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2020, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 18,7%.
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và đưa ra quyết định, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động độc lập của một người. Nguyên nhân gây ra bệnh này bao gồm sự kết hợp giữa các thay đổi liên quan đến tuổi tác trong não, cùng các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống.
Chẩn đoán và can thiệp sớm cũng có thể giảm bớt tỷ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Tình trạng già hóa dân số khiến nhiều người cao tuổi Trung Quốc vẫn phải lao động
Năm 2022, lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, dân số Trung Quốc giảm. Tính đến cuối 2022, dân số Trung Quốc giảm gần 850.000 người so với ghi nhận một năm trước đó.
Hiện tượng này báo hiệu một giai đoạn giảm dân số kéo dài của Trung Quốc, kéo theo những hệ lụy to lớn về kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng người trẻ không đủ số lượng để đóng góp vào quỹ lương hưu chăm lo cho người cao tuổi thì sớm muộn dân Trung Quốc sẽ phải tiếp tục làm việc quá tuổi về hưu, không thể an hưởng tuổi già.
Nằm bên bờ sông Dương Tử và biển Hoàng Hải, thành phố Nam Thông của Trung Quốc có nhiều cư dân cao tuổi đến nỗi thoạt nhìn thì tưởng đây là cộng đồng hưu trí.
Tại Nam Thông, người cao tuổi làm bảo vệ tại ở các nhà máy, vận hành các cửa hàng tạp hóa, rửa bát đĩa, phục vụ bàn tại nhà hàng, làm những công việc nặng nhọc trên các cánh đồng hay những việc tương tự khác.
Nam Thông hiện là thành phố có dân số già nhất tại Trung Quốc. Theo Điều tra dân số quốc gia năm 2020 của nước này, người trên 60 tuổi chiếm tới 30% trong tổng số 7,7 triệu dân của Nam Thông, gần gấp đôi so với mức trung bình 18,7% của cả nước.
Nam Thông được biết đến là nơi khai sinh nền công nghiệp hóa hiện đại của Trung Quốc, nơi có những nhà máy dệt đầu tiên của nước này vào những năm 1890. Thời hoàng kim của Nam Thông bắt đầu lụi tàn vào những năm 1990 khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở thành phố Tô Châu và Thượng Hải lân cận, thu hút người dân địa phương rời đi. Giờ đây, Nam Thông đang già đi nhanh chóng.
Theo trang Nikkei Asia, Nam Thông không chỉ là cánh cửa sổ nhìn về quá khứ của Trung Quốc mà còn là cho thấy tương lai của quốc gia đông dân nhì thế giới. Theo các dự báo chính thức của nước này, tình trạng nhân khẩu học của cả Trung Quốc sẽ giống như Nam Thông lúc này vào năm 2035 nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn.
Tại Nam Thông, nhiều trường học đã đóng cửa hoặc sáp nhập, còn các hiệu thuốc hiện bán tã người lớn nhiều hơn tã trẻ em.
Tại huyện Như Đông của Nam Thông, xu hướng già hóa thậm chí diễn ra nghiêm trọng hơn khi có tới 39% dân số trên 60 tuổi.
"Người trẻ không thích kiểu lao động cực nhọc này. Họ thích làm việc ở những thành phố lớn", ông Wang Qiao nói khi đang dọn bàn tại một quán ăn ở Như Đông cùng đồng nghiệp của mình, cả hai đều đã gần 80 tuổi.
Theo dự báo của chính phủ Trung Quốc, đến năm 2035, nước này có khoảng 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 30% dân số. Tỷ lệ giữa người trẻ và người già được dự báo sẽ ngày càng trở nên mất cân bằng khi số ca tử vong năm 2022 đã lần đầu tiên vượt số ca sinh kể từ năm 1961.
Tháng 1.2023, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận dự báo của các học giả và các nhà kinh tế rằng dân số nước này đã giảm xuống trong năm 2022, cụ thể giảm 850.000 người xuống còn 1,412 tỉ người.
Lần cuối cùng dân số Trung Quốc giảm so với năm trước đó là vào năm 1961 khi nước này trải qua nạn đói. Thế nhưng, đó là sự suy giảm dân số tạm thời trong ngắn hạn. Còn hiện tại, sự suy giảm được dự báo sẽ kéo dài, khó có thể đảo ngược và là hệ quả của “chính sách một con” để kìm hãm đà sinh suốt hơn 3 thập kỷ. Theo các nhà phân tích, dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia khác, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động sâu rộng do tình hình nhân khẩu học này.