Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng duy trì nguồn lương thực đến các thành phố bị phong tỏa vì dịch coronavirus hoành hoành và dẹp bỏ sự lo sợ thiếu thức ăn khiến giá bán tăng.

Trung Quốc chống đói cho dân thành phố bị phong tỏa vì coronavirus

Mỹ Trinh | 09/02/2020, 16:33

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng duy trì nguồn lương thực đến các thành phố bị phong tỏa vì dịch coronavirus hoành hoành và dẹp bỏ sự lo sợ thiếu thức ăn khiến giá bán tăng.

Theo AP ngày 8.2 (giờ Mỹ), cơn lốc mua lương thực dự trữ đã bùng nổ, khi ổ dịch bùng phát ở Vũ Hán đã buộc thành phố này bị phong tỏa từ ngày 23.1.

Tiếp đó, các kho thực phẩm ở các siêu thị bị cạn, không lâu sau khi Bắc Kinh áp lệnh hạn chế đi lại, kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để đóng cửa các xí nghiệp, văn phòng và giữ chân người dân ở nhà nhằm chống dịch lây lan mạnh.

Các chuyến xe vận tải lương thực cũng bị cấm hoạt động, khiến cắt đứt nguồn cung thực phẩm tới các chợ, nông sản tới nhà nông và gia súc tới lò mổ. Và khi lệnh phong tỏa Vũ Hán cũng được áp dụng ở các thành phố khác vốn có tổng cộng 60 triệu dân, dân làng tự lập rào chắn để chặn người lạ có thể làm nhiễm lây dịch cho dân làng.

Theo AP, một quan chức chính phủ đã thừa nhận, nguồn cung rau quả bị thất thường, và “một số nhu yếu phẩmhàng ngày” đã được bán sạch. Tại cuộc họp báo ngày 3.2 ở Bắc Kinh, ông Liên Duy Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) nói: “Các vấn đềnày đã được điều phối và đã được giải quyết”.

Tối cùng ngày, Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) đưa tin Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho các chính quyền địa phương “phải bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm hàng ngày”, gồm rau quả, thịt, trứng, sữa và ngũ cốc.

Ngày 4.2, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm vận tải hàng hóa và “bảo đảm hoạt động bình thường” cho khâu sản xuất thực phẩm và gia súc. Còn có lệnh cấm các rào chắn trái phép.

Trước đó, các nhà buôn được cảnh báo chớ nên đầu cơ và “hét” giá bán. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã xử phạt 2 triệu Nhân dân tệ (270.000 USD) đối với một siêu thị “kê” giá bán rau cải lên tới tận 400%.

Để trấn an dân chúngTrung Quốc, các cơ quan truyền thông nhà nước đăng nhiều ảnh chụp các thùng chứa đầy những rổ trứng, rau quả được đưa lên xe tải chở tới các chợ.

Chính quyền Thẩm Quyến (thành phố 15 triệu dân) đã cử cán bộ đến tỉnh nông nghiệp Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau được nối lại nhanh sau kỳ nghỉ Tết, theo một trang tin của Thẩm Quyến cho biết.

Theo AP, Trung Quốc từng khốn đốn vì thực phẩm bị “kê” giá bán, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Hàng triệu con heo đã bị chết hoặc bị tiêu hủy, khiến nguồn thịt heo bị ngắt đoạn. Giá thịt heo cũng đã tăng gấp đôi hồi tháng 12.2019

Ngày 8.2, NDRC cho biết đã đưa thêm 10.000 tấn thịt heo đông lạnh vào thị trường, để đảm bảo nguồn cung và giữ giá cả ổn định. Dù vậy, các nhà phân tích của ngành chăn nuôi nói giá và tầm cỡ đàn heo Trung Quốc khó có thể trở lại bình thường cho đến chí ít năm 2021.

Ở các vùng bị cách ly phòng dịch, hàng ngày xe tải có giấy phép do chính quyền cấp đã đi qua các rào chắn để chở thực phẩm. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thì nhận nhiệm vụ phân phối các phương tiện y tế.

Một số công ty vận tải đang bị thiếu tài xế, do những người này đã về quê nghỉ Tết và đã bị kẹt lại ở đó, vì tình trạng hạn chế xe đò và xe lửa ở một vài vùng. Một nhân viên nữ của công ty vận tải rau quả ở Nam Kinh cho biết: “Chúng tôi có 8 xe tải và hiện 3 chiếc đang hoạt động”.

Còn tại Vũ Hán, giám đốc siêu thị Wushang họ Lu, cho biết các quầy hàng đã trữ lượng rau quả và thực phẩm khác nhiều hơn mức bình thường những 50%, nhằm trấn an các khách mua lo sợ hết hàng.

Bà nói: “Việc người ta lo lắng về nguồn cung là bình thường, nhưng chúng tôi đã giải thích là sẽ có đủ hàng hóa”, đồng thời cho biết nhân viên bán hàng đeo khẩu trang và mặc trang phục chống nhiễm trùng. Khách mua rửa tay bằng nước khử trùng và được đo thân nhiệt để phòng chống nhiễm dịch.

Siêu thị Wushang mở cửa bán hàng từ 13 giờ trưa đến 7 giờ sáng hôm sau, toàn bộ nhân viên làm việc chỉ một ca. Công việc gồm dỡ khoảng 1.000 kg đậu, khoai và rau quả xuống khỏi xe tải.

Theo AP, tại vài thành phố gần như bị cách ly để phòng dịch, việc người dân ra khỏi nhà để mua sắm cũng là một thách thức cho chính họ. Ví dụ,ở thành phố Hàng Châu 10 triệu dân và Hoàng Cương, thành phố 1 triệu dân gần Vũ Hán, mỗi gia đình chỉ được cử một người hàng ngày đi mua thực phẩm.

Thay vào đó, hàng triệu gia đình dựa vào hoạt động mua bán thực phẩm và tạp hóa qua mạng, một xu hướng tiêu dùng đang bùng nổ ở Trung Quốc.

Các tập đoàn bán lẻ lớn như JD.com, Alibaba cùng các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn đều có dịch vụ giao thức ăn gồm thịt, rau và các mặt hàng khác ở những thành phố bị phong tỏa. Nhân viên được đeo khẩu trang và mặc trang phục phòng dịch, nước tẩy trùng.

JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho biết doanh số bán thực phẩm tươi ở Vũ Hán tăng 280% so với một năm trước, trong tuần lễ kết thúc ngày 2.2. Trên toàn quốc, JD.com nói doanh số bán thịt bò, thịt heo và trứng tăng 400%. Và tập đoàn đã bán 1, 8 triệu chai nước tẩy trùng.

Ở Nam Kinh, một trong những cửa hàng của dây chuyền siêu thị Huarun đã tăng trữ hàng hơn mức bình thường, “để bảo đảm đồng bào được đủ ăn”, theo lời một nhân viên trả lời AP qua điện thoại. Người này còn nói: “Một số người mua quá nhiều hàng, nhưng họ không còn phải lo chuyện đó nữa sau khi trông thấy nguồn cung hàng hóa dồi dào”.

Mỹ Trinh (theo AP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc chống đói cho dân thành phố bị phong tỏa vì coronavirus