Theo số liệu sơ bộ và một số quan chức Mỹ, không quân nước này có nhiều vụ tự tử hơn vào năm 2019 trong khi các binh chủng khác đều giữ nguyên hoặc giảm.
Cụ thể thì năm ngoái không quân ghi nhận đến 84 vụ sau 5 năm chỉ dao động khoảng 60 - 64 vụ/ năm (năm 2018 có 60 vụ). Số liệu chính thức dự kiến được công bố khoảng cuối năm với đôi chút thay đổi.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau là gì. Trước đó 2015 là năm giữ kỷ lục với 64 vụ, trong khoảng thời gian 1990 - 2004 có mức trung bình 42 vụ chứ chưa từng vượt quá con số 62.
Trung tướng Brian Kelly phụ trách công tác nhân sự không quân đánh giá tự tử là vấn đề quốc gia khó giải quyết. Ông cho biết họ đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp ngắn, trung lẫn dài hạn nhằm giải quyết.
Căng thẳng do phải đến khu vực giao tranh như Iraq hay Afghanistan được xem là yếu tố dẫn đến tự tử. Tuy nhiên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) năm 2013 chỉ ra rằng yếu tố về giới tính, uống quá nhiều rượu hay biến động tâm trạng bất thường, mới đem lại nguy cơ cao.
Các binh chủng khác cũng từng gặp tình trạng tương tự vào giai đoạn 2005 - 2006, trùng với chu kỳ triển khai lực lượng sang Iraq. Lầu Năm Góc khuyến khích binh sĩ cần giúp đỡ gọi đến đường dây nóng hỗ trợ.
Hải quân Mỹ năm ngoái ghi nhận 74 vụ tự tử - tăng 4 vụ so với năm ngoái, thủy quân lục chiến giảm còn 47 vụ. Lục quân từ chối công bố nhưng hãng tin AP xác định con số ít thay đổi (khoảng 139 vụ).
Không quân Mỹ từng công khai bày tỏ quan ngại về tình trạng số vụ tự tử gia tăng. Tham mưu trưởng lực lượng David Goldfein phải hạ lệnh thúc đẩy thảo luận mở để phòng chống.
Đây không chỉ là vấn đề riêng của quân đội. Theo Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nước này có tỷ lệ tự tử ở nam lẫn nữ giới đều tăng trong giai đoạn 1999 đến 2017, đặc biệt tăng mạnh từ năm 2006.
Cẩm Bình (theo The Mainichi Shimbun)