Luật tố tụng hình sự của Trung Quốc vừa có thêm điều khoản cho phép tòa án tuyên án vắng mặt bị cáo phạm tội tham nhũng, gây hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia hay tham gia khủng bố.
Phạm vi của chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Khi chưa có cơ chế tuyên án vắng mặt, quan tham trốn chạy về mặt luật pháp vẫn “trong sạch” vì vậy khiến công tác xử lý tài sản tham nhũng gặp khó khăn. Chuyện dẫn độ những đối tượng này cũng đòi hỏi phải trải qua quá trình tư pháp phức tạp giữa Trung Quốc với quốc gia khác.
Bổ sung trong luật tố tụng hình sự chính là để giải quyết vấn đề này. Wang Aili, người đứng đầu Phòng Luật hình sự của Ủy ban Pháp luật thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, cho biết một vụ án nếu được xác định là trường hợp cần phải xử lý khẩn cấp và có sự chấp thuận của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì có thể áp dụng cơ chế tuyên án vắng mặt.
Kể cả khi bị cáo ở nước ngoài, một bản sao của trát hầu tòa cũng sẽ được gửi đến nơi ở để đảm bảo “quyền được biết” của họ. Bị cáo cũng có luật sư bào chữa, do tòa chỉ định hay người thân bị cáo lựa chọn. Sau khi tuyên án, bị cáo hoặc thân nhân có thể kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn, Tân Hoa Xã cho biết.
Trước khi bổ sung cơ chế tuyên án vắng mặt, Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả chống tham nhũng như lập Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) có quyền hạn điều tra với mọi công chức nhà nước bất kể họ có phải đảng viên hay không. Cơ sở pháp lý để NSC hoạt động là Luật giám sát quốc gia được thông qua hồi tháng 3.
Ngoài ra, để đối phó với những cá nhân cực đoan ở khu tự trị Tân Cương, nước này vào cuối năm 2015 đã thông qua luật chống khủng bố. Bắc Kinh hiện chưa công bố có ban nhiêu nghi phạm khủng bố Trung Quốc ở nước ngoài.
Cẩm Bình (theo Reuters, Sina)