Ở Pháp, cứ hai ngày có một nông dân tự sát. Nông dân nuôi bò sữa Michou ở vùng Loire-Atlantique đồng ý trao đổi với chúng tôi về căn dịch bệnh lặng lẽ đang ảnh hưởng đến cộng đồng của ông ta.
“Tôi là người tìm thấy anh ta. Thật dễ sợ. Khi tôi gọi điện cho ảnh và ảnh đã không bắt máy nhưng nhìn thấy chiếc xe hơi của ảnh tôi nghĩ, có chuyện gì xảy ra cho Raymond rồi. Phải là một chuyện gì tệ lậu lắm.”
Vào ngày 8/6, 2011, vào lúc 5g45 sáng, người bạn của Michou và cũng là bạn làm ăn cả 20 năm đã treo cổ trên xà gỗ chuồng trại của họ.
“Ảnh cột hai tay lại cho chắc ăn,” bỏ Michou lại một mình thui thủi. Michou, 56 tuổi, yêu cầu đừng ghi hình, sống một mình trong một căn nhà nhỏ ở vùng nông thôn gần TP.Nantes, Pháp.
Trên các bức tường treo các bức ảnh và kỷ niệm về thủ đô Dakar của xứ Sénégal mà ông đã có dịp đến trong một kỳ nghỉ hiếm hoi của ông.
Trên tủ bếp, có một bức ảnh của Raymond cùng ăn tối với bạn bè. Nó làm Michou nhớ lại những năm tháng hạnh phúc hơn.
Trong thị trấn của Michou, không ai gọi tên thật của ông: Jean-Michel. Nhưng ai cũng đều biết và kính trọng Michou, người nông dân nuôi bò sữa sinh ra không có đôi bàn tay nhưng tiếp quản trang trại của gia đình bất chấp tật nguyền.
Tôi đã không làm gì? Tôi đã không nói gì?
“Tôi đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi. Có phải là lỗi của tôi không? Tôi đã không làm gì? Tôi đã không nói gì?”
Đối với nông dân trong vùng Loire Atlantique, tự sát trở thành chuyện như cơm bữa. “Có rất nhiều vụ tự sát,” Michou kể với chúng tôi, vẻ mệt mỏi. “Tôi có một người hàng xóm tự sát, và người bà con của tôi cũng trải qua một thời gian khó khăn. Áp lực sản xuất, kiếm đủ ăn, thật là điên rồ. Và cũng do rượu nữa.”
Vụ tự sát của Raymond không liên quan đến rượu, Michou tin rằng đó là đỉnh điểm của sự kiệt sức, căng thẳng và hạn hán. Năm đó, thức ăn của gia súc khô héo dưới ánh nắng gay gắt.
“Chúng tôi đã làm việc 365 ngày không nghỉ, thức dậy mỗi ngày từ 5 giờ sáng. Và ban đêm, ảnh cũng sẽ phải ở lại với những con bò cái trong lúc chúng sinh nở. Chúng tôi có từ 120 con bò cái tăng lên đến 180 con, và điều đó không hề dễ dàng. Mỗi con vật đều đòi hỏi một sự chú ý coi ngó ngang nhau. Nhà báo có thể thấy có vấn đề ở đó! Một vấn đề thực sự!”
Nông dân chăn nuôi bò sữa có tỷ lệ tự sát cao hơn 50% số bình quân cả nước Pháp. Vấn đề cấp tính nhất là ở vùng Brittany và Loire.
Cũng như công việc hàng ngày của họ, nông dân cũng phải chăm sóc đàn bò ngày và đêm, quanh năm. Giáng sinh, đám cưới và đám tiệc sinh nhật đều chỉ làm qua loa, vì việc vắt sữa vẫn phải làm, Công việc chẳng bao giờ cho phép.
Nhiều năm lao động cực nhọc ngoài trời hằn dấu trên những khuôn mặt và cơ thể của những người cả đời theo đuổi nghiệp nông gia. Nói về những điều chất chứa trong lòng, bộc bạch cảm xúc của họ, không phải là điều mà nhiều nông dân cảm thấy thoải mái.
Trong cái cộng đồng câm nín này, Michou đã cố gắng phá vỡ điều cấm kỵ liên quan đến sức khỏe tâm thần. “Tôi luôn tự nhủ rằng tôi phải không để kết thúc như thế. Và tôi có thể nói với nhà báo, tôi có đầy đủ lý do để làm. Nên ngay từ đầu, tôi đã được giúp đỡ.”
Sự giúp đỡ từ bên ngoài
Năm 2011, chính phủ Pháp đã giao nhiệm vụ phát triển một kế hoạch hành động cho Hội tương tế xã hội nhà nông (MSA). Một đường dây nóng miễn phí được đưa ra vào năm 2011.
Các chuyên gia tư vấn chuyên xử lý các tình huống tự sát trực điện thoại 24 giờ mỗi ngày. Cho tới nay, họ đã thực hiện 4.000 cuộc gọi.
Trong văn phòng Tương trợ nhà nông của TP. Nantes, một tổ chức từ thiện thành lập đã hơn 20 năm, chúng tôi gặp Isabelle Grégoire, một nhân viên xã hội, và Véronique Louazel, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng. Họ đang làm việc với 80 gia đình nông dân trong khu vực địa phương. Hầu hết đều lâm cảnh nợ nần và cần tư vấn cùng với hỗ trợ.
“Từ những điều nông dân nói với chúng tôi, đau khổ tinh thần và tự sát xảy ra khi có một cảm giác tuyệt vọng, như thể không còn chọn lựa nào khác. Điều đó có thể là không có khả năng trả một khoản nợ cho ngân hàng hoặc thanh toán hóa đơn bác sĩ thú y. Tại sao điều đó xảy ra? Nói một cách đơn giản, giá cả mà họ có thể bán sản phẩm của họ không đủ để trang trải chi phí của họ. Và vì thế họ phải làm việc cật lực hơn, hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng rồi họ trở nên kiệt lực. Và nợ nần cứ thế chồng chất và họ nghĩ: “tôi có thể làm gì khác đây? Tôi làm cật lực hơn nhưng tôi không thoát ra vòng lẩn quẩn này.”
Đối với Grégoire, “nguyên nhân thì nhiều và ngoài các lý do tài chính, sự cô độc trong giới nông dân cũng có vai trò. Cảm giác cô độc có thể dẫn đến tự sát.”
Sức ép xã hội cũng là một yếu tố quan trọng. “Có sự xấu hổ, họ phấn đấu để chấp nhận khi họ gặp rắc rối. Họ không muốn thất bại khi các thế hệ đi trước đã thành công. Vì vậy khi họ yêu cầu giúp đỡ, thường là quá muộn màng.”
Michou đã quyết định nghỉ hưu trước khi bị kiệt sức hoàn toàn. Ông hy vọng bàn giao nông trại lại cho đứa cháu. Không phải vì tiền, nhưng để những giờ lao động dằng dặc của ông không trở thành bãi đất hoang.
Trần Bích(AFP)