Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Trung bình hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng

13/08/2020, 15:03

Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Do dịch COVID-19, hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa mỗi tháng - Ảnh minh họa

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng nguyên nhân chính là dịch bệnh COVID-19. Quá trình phục hồi nền kinh tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay chưa đáng kể, đồng thời diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp.

Điều này thể hiện rõ nhất ở lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 32.722 đơn vị, tăng 41,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng.

Đây được coi là một trong những mức tăng trong giai đoạn 7 tháng cao nhất từ năm 2015 đến nay. Đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh ở tất cả ngành nghề và quy mô vốn.

Theo thống kê thì trong 7 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn (kể từ thời điểm đăng ký thành lập đến nay). Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 16.203 doanh nghiệp (chiếm 49,5%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 9.084 doanh nghiệp (chiếm 27,8%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 7.435 doanh nghiệp (chiếm 22,7%).

So với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực như kinh doanh bất động sản (tăng 98,5%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 69,9%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 71,4%); giáo dục và đào tạo (tăng 64,1%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.932 doanh nghiệp, tăng 60,2%),... đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2020, trên cả nước có hơn 26.650 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy vậy, giai đoạn 7 tháng đầu năm vẫn ghi nhận 75.249 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 2 ngành có số lượng doanh nghiệp mới tăng so với cùng kỳ là sản xuất, phân phối điện, nước, gas (2.340 doanh nghiệp, tăng 190,7%) và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (có 1.372 doanh nghiệp, tăng 20,9%).

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, COVID-19 tạo nên sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch sang những ngành chịu ít rủi ro hơn, mà điện, nước, gas hay nông, lâm, thủy sản là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong 7 tháng đầu năm, gần 2,1 triệu tỉ đồng vốn được đăng ký bổ sung vào nền kinh tế. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,4 tỉ đồng. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá doanh nghiệp đang tiếp tục xu hướng thu hẹp quy mô đầu tư.

Cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực đang có dấu hiệu chững lại trong ngắn hạn, cơ quan này dự báo bức tranh phát triển của doanh nghiệp sẽ có nhiều điểm sáng trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh trong nước được duy trì kiểm soát tốt như hiện nay và tình hình thế giới diễn biến tích cực.

Lam Thanh

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung bình hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng