Theo đơn tố cáo của chị Thảo Trang thì trong khi đang ngủ, chị cảm thấy bị ai đó chạm vào người mình, tỉnh dậy thì thấy Lê Phú Cự trần truồng, nằm đè lên người.

Trở lại vụ án anh rể 'dâm ô' với em vợ

1 | 14/06/2017, 11:35

Theo đơn tố cáo của chị Thảo Trang thì trong khi đang ngủ, chị cảm thấy bị ai đó chạm vào người mình, tỉnh dậy thì thấy Lê Phú Cự trần truồng, nằm đè lên người.

Chị Trang vùng dậy, chạy ra ngoài nhưng cửa phòng bị khóa, Cự lôi chị lại, đè chị xuống nhưng bị chị đạp ngã. Chị Trang chụp điện thoại định gọi cảnh sát 113 nhưng bị Cự giật lại và de dọa “muốn chết không!”. Chị cố sức vùng vẫy mới thoát ra được, chạy về phía cửa phòng, Cự đuổi theo, vật chị ngã, tiếp tục đè lên người chị. Chị đẩy Cự ra, chạy về phía cửa sổ kêu cứu. Cùng lúc này có anh Nguyễn Vỹ đến kêu cửa nhưng cửa đã bị khóa. Do vật lộn với Cự nên trên cổ, chân và tay của chị có nhiều vết sây sát (có chụp ảnh). Nếu không có anh Nguyễn Vỹ (em họ chị Trang) đến kịp thời thì không biết sự việc sẽ như thế nào? Sau khi sự việc xảy ra, Cự còn hăm dọa, nếu chị Trang nói chuyện này với ai sẽ giết cả nhà. Vì lo sợ nên ngay ngày hôm sau chị Trang phải lên máy bay về Mỹ.

Còn Lê Phú Cự khai rằng, hôm xảy ra sự việc bị cúp điện, Cự ở trong nhà tắm ra thấy em vợ (chị Thảo Trang) đang nằm ngủ, nên nảy sinh ý định “dâm ô”, lấy điện thoại định chụp hình mông của Thảo Trang. Do “lóng ngóng, hồi hộp” nên đã làm rớt điện thoại trên người Thảo Trang, Cự dùng tay chụp lại, bị té úp mặt vào vùng mông chị Thảo Trang; chị Thảo Trang thức dậy hoảng hốt la hét, Cự ôm chị lại rồi van xin: “Em hãy bình tĩnh, anh đã sai rồi”. Lo sợ Thảo Trang báo cho người thân nên Cự giật điện thoại của chị và năn nỉ. Thảo Trang không nghe mà đi đến cửa sổ la hét, Cự kéo chị ngồi xuống giường, cầu xin chị bỏ qua.

Theo lời khai của anh Nguyễn Vỹ (em họ chị Trang) thì hôm đó anh đến nhà chị Trang, khi đến nơi thấy cổng khóa, trong nhà không có điện, anh đứng ngoài cổng nghe tiếng kêu “Vỹ ơi cứu chị” từ cửa sổ tầng 2. Nhìn lên, anh thấy Cự đang ở trần và kéo chị Thảo Trang vào trong. Cảm thấy không ổn nên anh leo cổng vào nhà, nhìn thấy Thảo Trang đang run run vì sợ hãi, mắt hoen đỏ nhưng không nói gì.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của chị Thảo Trang, ngày 10.11.2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7, TP. Hồ Chí Minh quyết định khởi tố vụ án hiếp dâm và ngày 30.11.2015 quyết định khởi tố bị can đối với Lê Phú Cự và lệnh bắt Lê Phú Cự để tạm giam.

Ngày 31.12.2015, Viện kiểm sát nhân dân quận 7 ra văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra nhanh chóng truy tìm, lấy lời khai của Cự, đấu tranh làm rõ hành vi để xử lý. Nhưng đến ngày 12.1.2016, Viện kiểm sát nhân dân quận 7 lại ban hành quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Phú Cự và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Lê Phú Cự, với lý do Lê Phú Cự không thừa nhận dùng vũ lực nhằm giao cấu với chị Thảo Trang; ngoài lời khai của chị Thảo Trang không còn chứng cứ nào khác; người làm chứng là anh Nguyễn Vỹ thì không trực tiếp nhìn thấy sự việc; hậu quả của việc giao cấu cũng không xảy ra nên chưa có căn cứ để khởi tố Cự về tội hiếp dâm.

Ngày 27.1.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Lê Phú Cự theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân quận 7.

Đây là vụ án mà việc đánh giá chứng cứ cần phải có tư duy khách quan, logic, nắm chắc các dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm thì mới xác định được sự thật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 1999 (cấu thành cơ bản) thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ là phạm tội hiếp dâm, nhưng không vì thế mà cho rằng người phạm tội phải giao cấu được với nạn nhân thì mới cấu thành tội phạm, mà chỉ cần người phạm tội có ý định giao cấu và đã thực hiện hành vi dùng vũ lực… là đã cấu thành tội hiếp dâm ở giai đoạn chưa đạt.

Trong vụ án này, lời khai của người làm chứng là anh Vỹ rất quan trọng. Người làm chứng khai có nghe tiếng kêu “Vỹ ơi cứu chị” từ cửa sổ tầng 2. Nhìn lên, anh Vỹ thấy Cự đang ở trần và kéo chị Trang vào trong. Cảm thấy không ổn nên anh Vỹ leo cổng vào nhà, nhìn thấy Trang đang run run vì sợ hãi, mắt hoen đỏ. Như vậy, có thể khẳng định, lời khai của anh Vỹ là khách quan, nên khi đánh giá chứng cứ phải đặt ra các câu hỏi: Tại sao lại có tiếng kêu “Vỹ ơi cứu chị”? Tại sao chị Trang phải kêu cứu? Tại sao anh Vỹ phải leo cổng mới vào được nhà? Từ việc đánh giá lời khai của người làm chứng như vậy thì việc đánh giá lời khai của chị Trang là có căn cứ, còn lời khai của Cự là không đáng tin.

Từ việc đánh giá chứng cứ trên, có thể đưa ra kết luận: Việc nạn nhân chưa bị hiếp là do có người khác (em họ nạn nhân) đến kịp thời. Người bị tố cáo lại là người mà theo người bị hại thuộc thành phần anh chị (giang hồ), có sử dụng ma túy, quản lý vũ trường, quán bar. Người bị hại, sau khi sự việc xảy ra đã phải vội vàng trở lại Mỹ, không dám ở lại Việt Nam vì những lời đe dọa của “ông anh rể”.

Cự không nhận đã có hành vi nhằm hiếp dâm chị Trang, nhưng lại thừa nhận có ý định “dâm ô” chị Trang. Về lý luận, cũng như quy định của pháp luật thì dâm ô, nhất là dâm ô người đã thành niên thì nạn nhân nhất thiết phải đồng thuận với người có hành vi dâm ô. Trong trường hợp cụ thể này, không có bất cứ lời nói hay hành động nào của chị Trang thể hiện chị đồng thuận dâm ô với Cự.

Một vấn đề đặt ra là, nếu Lê Phú Cự chỉ có hành vi dâm ô thì tại sao phải bỏ trốn? Điều đáng lưu ý là sau khi Viện kiểm sát nhân dân quận 7 yêu cầu Công an đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Lê Phú Cự thì đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 cũng chưa biết Cự đang ở đâu.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lẽ ra Viện kiểm sát nhân dân quận 7 phải phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, nếu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 triệu tập mà Cự không đến thì phải ra lệnh truy nã. Trường hợp nếu truy nã mà không bắt được Cự thì lúc đó chỉ được tạm đình chỉ vụ án để chờ bắt được Cự, nhưng Viện kiểm sát lại không phê chuẩn mà hủy các quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 và yêu cầu đình chỉnh các hoạt động tố tụng đối với Cự là trái pháp luật.

Vụ án này còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát, lại là vụ án gây bức xúc cho gia đình nạn nhân, các cơ quan thông tin đại chúng ở TP. Hồ Chí Minh lến tiếng, dư luận bức xúc với quyết định của Viện kiểm sát nhân dân quận 7. Lẽ ra chỉ cần Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh vào cuộc là xong, nhưng vì chính các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP. Hồ Chí Minh cũng còn ý kiến khác nhau nên Viện kiểm sát nhân dân tối cao buộc phải vào cuộc, yêu cầu báo cáo là rất cần thiết, tránh tình trạng gia đình người bị hại gửi đơn vượt cấp, đến nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước không cần thiết, gây mất trật tự an ninh.

Thiết nghĩ, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh nên hủy các quyết định của Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra quận 7, phục hồi vụ án, tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật. Có như vậy, mới lấy lại lòng tin của người dân vào các cơ quan tiến hành tố tụng ở thành phố đông dân nhất nước, đang có nhiều chủ trương mạnh để triệt phá làm giảm tình hình tội phạm.

Luật sư Đinh Văn Quế(theo LSVNO)

*Tựa do báo điện tử Một Thế Giới đặt lại
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở lại vụ án anh rể 'dâm ô' với em vợ