UBND tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành) cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp lập thủ tục khai thác mỏ để cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Mỏ cát có công suất khai thác 547.798 m3/năm (thời hạn khai thác là 1 năm).

Trở lại mỏ cát sông Tiền (Đồng Tháp)

Tô Văn | 19/10/2023, 17:09

UBND tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành) cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp lập thủ tục khai thác mỏ để cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Mỏ cát có công suất khai thác 547.798 m3/năm (thời hạn khai thác là 1 năm).

Một ngày trên mỏ cát sông Tiền

Từ xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, phóng viên Một Thế Giới thuê một chiếc vỏ lãi để đến điểm múc cát trên sông Tiền (đoạn giáp ranh Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp). Đó là cách tốt nhất để đến khu vực này.

3-mo3.jpg
Khai thác cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp-Ảnh: Tô Văn
Mỏ cát trên sông Tiền - Clip: Tô Văn

Ghi nhận thực tế, hiện có 3 xáng cạp loại gàu 3,5m3 đang khai thác cát để đưa về phục vụ đắp nền cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Công nhân làm việc 10 giờ/ngày, mỗi ngày khai thác khoảng 4.000m3. Tất cả cát được khai thác được đưa về phục vụ cao tốc.

Đứng trên một sà lan chở chiếc xáng cạp, qua quan sát nhận thấy chiếc cần cẩu buông gàu cạp cát gầm rú liên hồi, náo động cả một khúc sông. Kè sát bên xáng cạp là một chiếc sà lan lớn, trọng tải hơn 200 tấn đang nhận từng gàu cát móc lên từ đáy sông.

“Mỗi xáng cạp có 2 nhân viên thay phiên nhau điều khiển để khai thác cát (mỗi người lái 5 giờ). Trong khoảng thời gian trên, khi sà lan đến mỏ thì ngay lập tức sẽ có người điều khiển xáng cạp, lấy cát lên sà lan để vận chuyển đến công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau”, ông Ngô Minh Tuấn-nhân viên lái cần (thuộc Công ty cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp) dè dặt nói.

1-mo1.jpg
Hoạt động khai thác cát - Ảnh: Tô Văn

Cách đó khoảng 300m về hướng hạ nguồn, ông Nguyễn Hoàng Đông - cán bộ phụ trách giám sát, điều phối cát tại mỏ cát trên sông Tiền cho biết, theo kế hoạch, mỗi ngày có khoảng 9 sà lan đến nhận cát. Nhà thầu CC1 có bố trí người tại mỏ để điều phối cát cho những phương tiện chở đi cung cấp dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

“Nhà thầu CC1 đã hợp đồng với 5 công ty vận chuyển cát từ mỏ đến dự án Cần Thơ - Cà Mau, trung bình mỗi công ty có 20 phương tiện sà lan. Các đơn vị vận chuyển cát có đăng ký số lượng phương tiện sà lan.

Người điều phối cát sẽ theo dõi phương tiện vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình gắn trên sà lan nhằm đảm bảo sà lan chở cát đến đúng địa điểm theo chỉ định của CC1”, ông Đông nói.

2-mo2.jpg
Sà lan trọng tải hơn 200 tấn đang nhận từng gàu cát móc lên từ đáy sông - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, ông Hoàng Trung Thanh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) cho rằng, để có thể thực hiện được việc khai thác tại mỏ cát thuộc xã An Nhơn theo cơ chế đặc thù phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhà thầu đã thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan.

Trong đó, quan trọng nhất là các phương tiện khai thác đều được gắn camera giám sát và định vị phương tiện để cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện.

Theo ông Thanh, gói thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau mà CC1 đang thực hiện có chiều dài 10km, được chia thành hai gói nhỏ. Tổng nhu cầu cát đủ đắp nền là 1,5 triệu m3.

5/6 mỏ có chất lượng cát đáp ứng yêu cầu

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp, trong khoảng thời gian từ ngày 13.10 đến ngày 31.12, do công trình thi công cao tốc cần nhiều cát nên phải khai thác đủ 30 ngày trong tháng, sản lượng cát khai thác trung bình 150.000 m3/tháng.

Sau khoảng thời gian nói trên, sẽ khai thác từ 22 - 27 ngày/tháng với sản lượng cát trung bình mỗi tháng là 45.650 m3. Trong hoạt động khai thác đảm bảo theo phương án an toàn giao thông, báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án đầu tư và thiết kế đã lập. Công ty cam kết thực hiện đúng theo quy định của Luật khoáng sản về khai thác khoáng sản và những quy định khác có liên quan.

5-cat.jpg
Qua khảo sát, thực hiện thủ tục của nhà thầu, có 5/6 mỏ có chất lượng cát đáp ứng yêu cầu phục vụ thi công cao tốc - Ảnh: Tô Văn

UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000m3.

Đồng thời, giới thiệu 6 mỏ cát cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù. Hiện, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập các hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.

Qua khảo sát, thực hiện thủ tục của nhà thầu, có 5/6 mỏ có chất lượng cát đáp ứng yêu cầu phục vụ thi công cao tốc với gần 3,5 triệu m3.

Trong đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao mỏ cát thuộc xã An Nhơn để nhà thầu CC1 tiến hành khai thác. Còn lại 4 mỏ đã thông qua Hội đồng thẩm định trữ lượng, Hội đồng đánh giá báo cáo tác động môi trường, phấn đấu trong tháng 10.2023 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.

Trữ lượng các mỏ cát sông có đủ đáp ứng không?

Trên thực tế, nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, dù rất cố gắng nhưng trữ lượng các mỏ cát sông khu vực ĐBSCL khó đáp ứng nhu cầu các công trình cao tốc trong vùng.

Chỉ tính riêng đến năm 2025, nhu cầu cát đắp nền cho cao tốc ở ĐBSCL cần đến 54 triệu m3; đến năm 2030 con số là gấp đôi.

Trong khi đó, những năm gần đây, do nhiều nước thượng nguồn sông Mekong xây đập thủy điện, chặn dòng cát tự nhiên xuống hạ nguồn (khu vực ĐBSCL) nên khả năng bù đắp lượng cát bị mất đi trên sông rất yếu.

3-cat.jpg
Một công trình cao tốc đang chờ cát - Ảnh: Tô Văn

Theo các doanh nghiệp xây dựng, dù ở ĐBSCL có nhiều mỏ cát nhưng nhìn chung, chất lượng cát tốt, đảm bảo cho trộn bê tông, xây dựng công trình chỉ có nhiều ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, gần đó là Vĩnh Long.

Càng xuống hạ nguồn, chất lượng cát càng xấu, do nhiễm bùn, tạp chất. Nếu dồn lượng cát sông có chất lượng tốt cho đắp nền cao tốc, sẽ thiếu nghiêm trọng lượng cát cho xây dựng.

“Đắp nền có thể sử dụng cát biển, nhưng trộn bê-tông, đổ dầm, móng và nhiều hạng mục công trình xây dựng khác không thể dùng cát biển được bởi hạt cát biển khá nhỏ, mịn, lại nhiễm mặn nên xi măng khó kết dính, chất lượng công trình không đảm bảo. Do vậy, cần ưu tiên cát sông có chất lượng tốt cho xây dựng thay vì đắp nền”, một chuyên gia trong ngành xây dựng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở lại mỏ cát sông Tiền (Đồng Tháp)