Mỗi tháng, có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.

Hàng chục nghìn tấn gà thải loại tuồn vào Việt Nam mỗi tháng

Tuyết Nhung | 18/10/2023, 10:55

Mỗi tháng, có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.

Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại diễn đàn trực tuyến về chống buôn lậu gia súc gia cầm chiều 17.10.

Theo đó, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu 9 tháng đầu năm 2023 có chiều hướng gia tăng rất mạnh, đặc biệt tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Long An, An Giang. Gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước, các biến chủng vi rút ngoại nhập vào nước ta.

ga-thai-2-7515.jpg
Hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam mỗi tháng khiến nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm tăng cao

Trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận số ổ dịch bệnh cúm gia cầm giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022 và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm gần 58%, bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm gần 66% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm trên 72%, bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm trên 61%, số trâu, bò mắc bệnh giảm trên 80%; số chết, tiêu hủy giảm gần 80%...

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng, có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Để giải quyết tình hình trên, Cục Thú y đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức cho biết, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng 4,5 - 6%, ngành thủy sản 4 - 8%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 26,7% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đang nhập trên 7 tỉ USD, trong khi xuất khẩu gạo chỉ hơn 4 tỉ USD.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề tự chủ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một nền công nghiệp thức ăn tập trung vào nguyên liệu. Bên cạnh đó, muốn có giá trị gia tăng cao, sản phẩm ngành chăn nuôi cũng cần có công nghiệp chế biến sâu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra rằng hệ lụy từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.

Thứ trưởng cho rằng, hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước.

Bài liên quan
Khi nào ga đường sắt Bình Triệu được thi công?
Hơn 20 năm quy hoạch dự án ga đường sắt Bình Triệu, nhưng đến nay dự án này vẫn “án binh bất động”, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hơn 3.200 hộ dân ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng chục nghìn tấn gà thải loại tuồn vào Việt Nam mỗi tháng