Truyền thông nhà nước đưa tin Triều Tiên đã trưng bày vũ khí có vẻ là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới tại cuộc duyệt binh tối 14.1 để phô trương sức mạnh quân sự, gần 1 tuần các cuộc họp chính trị ở đại hội Đảng Lao động.
Hãng thông tấn KCNA gọi SLBM mới là "vũ khí mạnh nhất thế giới".
Mặc áo khoác da và đội mũ lông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cười tươi và vẫy tay khi giám sát lễ duyệt binh ở Quảng trường Kim Nhật Thành thuộc Thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên), các bức ảnh của KCNA cho thấy.
Cuộc diễu hành có sự góp mặt của nhiều binh sĩ cũng như một loạt khí tài quân sự như xe tăng và bệ phóng tên lửa.
Cuối cùng, một số nhà phân tích cho rằng dường như biến thể mới của tên lửa đạn đạo tầm ngắn và SLBM đã xuất hiện trên xe tải.
Hãng thông tấn KCNA đưa tin: “Vũ khí mạnh nhất thế giới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, lần lượt tiến vào quảng trường, thể hiện sức mạnh của các lực lượng vũ trang cách mạng”.
Triều Tiên đã bắn thử một số SLBM từ dưới nước và các nhà phân tích cho biết nước này đang tìm cách phát triển một tàu ngầm hoạt động để mang tên lửa.
Các bức ảnh do KCNA công bố cho thấy SLBM được dán nhãn Pukguksong-5, có khả năng đánh dấu sự nâng cấp so với Pukguksong-4 đã được công bố tại cuộc duyệt binh lớn hơn vào tháng 10.2020.
“Tên lửa mới chắc chắn trông dài hơn”, Michael Duitsman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí (CNS) James Martin có trụ sở tại California (Mỹ), nhận xét trên Twitter.
Không giống như cuộc diễu binh vào tháng 10.2020, sự kiện hôm 14.1.2021 không giới thiệu các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của Triều Tiên, được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul (Hàn Quốc), nói cuộc diễu hành này không nhằm mục đích khiêu khích mà là dấu hiệu đáng lo ngại về các ưu tiên của Bình Nhưỡng.
“Nền kinh tế đang bị căng thẳng nghiêm trọng vì đóng cửa biên giới do đại dịch, quản lý chính sách yếu kém và các lệnh trừng phạt quốc tế. Có lẽ vì điều này, Kim Jong-un cảm thấy cần phải dành nguồn lực khan hiếm cho một màn phô trương chính trị-quân sự khác”, ông nói.
Hôm 13.1, Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un và là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền, đã chỉ trích quân đội Hàn Quốc vì cho rằng họ đã phát hiện dấu hiệu của cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào 17.1.
Các quan chức Triều Tiên vừa nhóm họp tại Bình Nhưỡng trong kỳ đại hội đảng đầu tiên kể từ năm 2016.
Hôm 10.1, hãng thông tấn KCNA đưa tin đại hội Đảng Lao động Triều Tiên hoàn toàn nhất trí bầu Kim Jong-un cho chức vụ Tổng bí thư, gọi đây là vị trí người dẫn đầu cách mạng và trung tâm chỉ đạo, thống nhất đất nước.
Nhà lãnh đạo Kim gần như nắm giữ quyền lực tuyệt đối kể từ khi người cha Kim Jong-il qua đời năm 2011. Năm 2012, Đảng Lao động Triều Tiên bầu ông Kim Jong-il vào vị trí “Tổng bí thư vĩnh viễn”, còn nhà lãnh đạo Kim là “Bí thư thứ nhất”.
Đảng Lao động Triều Tiên cũng quyết định khôi phục Ban Bí thư (bị loại bỏ 5 năm trước). KCNA cho biết thay đổi này nhằm đảm bảo quyền lực của đảng với tư cách cơ quan chính trị hàng đầu.
Một điểm đáng bất ngờ là bà Kim Yo-jong không có tên trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị như giới quan sát dự đoán.
Hôm 9.1, phát biểu tại đại hội đảng hiếm hoi ở Bình Nhưỡng chỉ ít ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông Kim Jong-un gọi Mỹ là "kẻ thù lớn nhất", cho biết chính sách thù địch của Washington với Triều Tiên sẽ không thay đổi bất kể ai làm chủ Nhà Trắng. Ông Kim nhấn mạnh việc từ bỏ những chính sách thù địch đó sẽ là chìa khóa cho Triều Tiên – Mỹ.
"Các hoạt động chính trị đối ngoại của chúng ta nên được tập trung và chuyển hướng vào việc khuất phục Mỹ, kẻ thù lớn nhất và là trở ngại chính cho sự phát triển, đổi mới của chúng ta", nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết hôm 8.1, theo một báo cáo của KCNA.
“Bất kể ai đang nắm quyền ở Mỹ, bản chất thực sự của Mỹ và các chính sách cơ bản của nước này với Triều Tiên không bao giờ thay đổi”, ông Kim nói, đồng thời cam kết mở rộng quan hệ với “các lực lượng chống đế quốc, độc lập” và kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân.
Từng là phó tổng thống dưới thời Barack Obama, ông Biden gọi Kim Jong-un là “côn đồ” trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ông Kim Jong-un có ba cuộc hẹn gặp với Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump nhưng không thành và hai người đã trao đổi thư khá nhiều, nhưng những nỗ lực đó không dẫn đến thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoặc thay đổi chính thức trong quan hệ hai nước.
Đề cập đến các cuộc gặp, ông Kim chỉ trích chính sách thù địch của Mỹ ngày càng mạnh tay dù Triều Tiên hết sức kiên nhẫn, cố gắng giảm căng thẳng.
“Thực tế cho thấy chúng ta cần tăng cường quốc phòng để đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim kêu gọi không ngừng việc phát triển hạt nhân vì an toàn cho người dân, cho số phận của cách mạng, cho sự tồn tại và phát triển tự cường của đất nước”, KCNA đưa tin.
Vào tháng 10, Biden từng nói rằng ông sẽ chỉ gặp Kim Jong-un với điều kiện Triều Tiên phải đồng ý giảm năng lực hạt nhân.