Loạt tuyên bố phóng thử tên lửa siêu thanh của Triều Tiên thu hút sự chú ý lớn thời gian qua, nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng điều đáng chú ý hơn chính là hệ thống nhiên liệu tên lửa mới mà nước này đang phát triển.
Phần lớn tên lửa đạn đạo lớn nhất mà Triều Tiên sở hữu đều dùng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi phải nạp đầy nhiên liệu tại điểm phóng trước khi có thể khai hỏa - một công đoạn tốn nhiều thời gian, khiến chúng dễ bị phát hiện và tiêu diệt hơn.
Triều Tiên cũng theo đuổi công nghệ nhiên liệu rắn, nhưng đến nay thì hệ thống nhiên liệu rắn chỉ mới được trang bị cho tên lửa nhỏ tầm ngắn.
Tuy nhiên, các vụ thử gần đây cho thấy đội ngũ nhà khoa học quân sự Triều Tiên đang theo đuổi một lựa chọn thứ 3: hệ thống “ống nhiên liệu” - ống chứa nhiên liệu lỏng và chất oxy hóa được trang bị bên trong khung tên lửa, cho phép chúng nạp nhiên liệu ngay tại xưởng nên luôn sẵn sàng để phóng.
“Làm vậy giúp giảm bớt khâu nạp nhiên liệu tại chỗ, làm tăng khả năng sẵn sàng sử dụng của tên lửa dùng nhiên liệu lỏng. Triều Tiên còn lâu mới chuyển hoàn toàn sang nhiên liệu rắn nên đây là giải pháp tạm thời hữu ích”, theo học giả Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.
Triều Tiên tuyên bố lần đầu sử dụng hệ thống “ống nhiên liệu” là vào tháng 9.2021 - thời điểm nước này thử tên lửa siêu thanh đầu tiên. Lúc đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn lời một quan chức hàng đầu nói về tầm quan trọng của việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống nhiên liệu tên lửa thành dạng ống.
Theo tổ chức 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, động thái và phát ngôn trên cho thấy Triều Tiên có ý định tiếp tục duy trì và cải thiện lực lượng tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng dài hạn thay vì chuyển sang sang nhiên liệu rắn hoàn toàn.
Triều Tiên chưa công khai thông tin kỹ thuật về tên lửa phóng thử ngày 4.1, nhưng có thể tên lửa này sử dụng hệ thống “ống nhiên liệu”.
Chuyên gia tên lửa người châu Âu Markus Schiller nghi ngờ về tính hữu dụng quân sự mà hệ thống “ống nhiên liệu” mà Triều Tiên phát triển. Ông cho biết hệ thống này dùng ni tơ tetroxide (NTO) làm chất oxy hóa và dimethylhydrazine không đối xứng (UDMH) làm nhiên liệu. Cả hai đều có độc tính cao và phản ứng dữ dội khi tiếp xúc với nhau tạo ra vụ nổ cung cấp năng lượng dẫn qua vòi phun, tuy nhiên chúng rất dễ bị tác động bởi va đập hay nhiệt độ.
“Thật giống như lái xe chở một quả bom đi khắp nơi vậy. Ống nhiên liệu có thể phát nổ khi xe sa vào ổ gà, hay ai đó bắn trúng nó, mọi thứ sẽ biến mất trong đám mây đỏ”, chuyên gia Schiller cảnh báo.
Ngoài ra, NTO đông cứng ở âm 11 độ C và sôi lên ở 21 độ C. Như vậy mùa đông hay mùa hè ở Triều Tiên đều nguy hiểm cho tên lửa.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố vụ thử vừa rồi giúp xác nhận độ tin cậy của hệ thống ống dẫn nhiên liệu trong điều kiện thời tiết mùa đông, điều cho thấy nước này đang tìm cách đảm bảo sự ổn định của hệ thống.