Khi thủ tướng một nền kinh tế lớn hàng thứ hai thế giới tuyên bố: “Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh thương mại” thì cũng đồng nghĩa với việc đó chỉ là một nền kinh tế có hình dạng một con hổ giấy mà thôi.

Trên bàn cờ thương mại toàn cầu, Trung Quốc chỉ là 'con hồ giấy'

14/06/2016, 08:36

Khi thủ tướng một nền kinh tế lớn hàng thứ hai thế giới tuyên bố: “Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh thương mại” thì cũng đồng nghĩa với việc đó chỉ là một nền kinh tế có hình dạng một con hổ giấy mà thôi.

Rất nhiều người cho rằng việc ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi áp đặt những trừng phạt về thương mại với Trung Quốc là một hành động nguy hiểm và vô nghĩa. Nhưng những sự kiện mới nhất vừa xảy ra lại chứng tỏ rằng: Trump đã đúng.

Chuyến công du mới nhất tới Trung Quốc của thủ tướng Đức Angela Merkel đang phơi bày một bộ mặt khác của Trung Quốc trên bàn cờ thương mại toàn cầu, khi nền kinh tế số hai thế giới dường như đang sẵn sàng thỏa hiệp với bất cứ sức ép nào miễn là tránh được một cuộc chiến thương mại với nước ngoài. Khi ông thủ tướng nước đó tuyên bố: “Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh thương mại” thì cũng đồng nghĩa với việc đó chỉ là một nền kinh tế có hình dạng một con hổ giấy mà thôi.

Chuyến công du lần thứ 9 trong cương vị thủ tướng Đức của bà Merkel tới Trung Quốc những ngày qua đang cho cả thế giới chứng kiến một bộ mặt khác của nền kinh tế Trung Quốc. Được xem là chuyến đi dàn xếp và giải quyết những bất đồng nghiêm trọng giữa liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc trong những vấn đề trao đổi thương mại giữa hai bên thời gian qua, nhưng có vẻ như bà Merkel đang đạt được nhiều thành quả hơn thế, với sự nhượng bộ đáng kể từ phía Trung Quốc.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chuyến công du Trung Quốc của bà Merkel được cho là liên quan đến việc EU đã tăng mức thuế đáng kể với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường liên minh, đặc biệt là các sản phẩm thép, đồng thời nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu từ chối việc trao cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường - một cơ chế có thể cho phép hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU được giảm thuế suất đáng kể.

Nó gần như được xem là một cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc, khi những xung khắc giữa hai bên là khá lớn, hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc vào EU trong thời gian qua đã đe dọa xóa sổ hàng loạt các lĩnh vực sản xuất tại châu Âu, điển hình là ngành thép và có thể dẫn đến sự gia tăng thất nghiệp của hàng trăm ngàn lao động tại EU. Trong một động thái đáp trả, EU không những tăng thuế nhập khẩu đáng kể với hàng hóa Trung Quốc mà còn thẳng thừng từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho nước này - một động thái được xem là đi ngược lại với xu hướng tăng cường quan hệ kinh tế thương mại giữa EU và Trung Quốc.

Chính vì thế, việc bà Merkel đến thăm Trung Quốc được xem như động thái mang tính hòa giải, nhất là khi Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng hóa châu Âu, chỉ sau Mỹ, còn EU cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những gì mà bà Merkel làm được đang vượt xa so với mục tiêu hòa giải ban đầu, khi thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố “chúng tôi không muốn xảy ra một cuộc chiến thương mại, vì điều đó chẳng có lợi cho bất cứ ai cả”. Đây được xem là một động thái mang tính xuống nước của Trung Quốc, khi chính nước này đã khởi xướng những hành động được xem là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh thương mại, với việc dùng nhiều cách thức mang tính phi thị trường để hạ giá thành các sản phẩm thép và để chúng ồ ạt xâm nhập vào thị trường EU, gây ra những xáo trộn lớn trong ngành thép của hàng loạt các quốc gia châu Âu. Nói cách khác, Trung Quốc là nước đã khởi xướng một vấn đề tương tự như một cuộc chiến thương mại với liên minh châu Âu và khi mà những động thái đáp trả của EU vượt quá mức dự đoán thì Trung Quốc buộc phải xuống nước.

Những lợi ích mà kinh tế Đức nói riêng và kinh tế EU nói chung đạt được trong chuyến công du Trung Quốc của bà Merkel có vẻ như vượt hẳn ra khỏi sự dự đoán. Hiện tại Trung Quốc ở vị thế thấp hơn so với EU trong vấn đề quan hệ kinh tế thương mại hai bên, khi nước này đang phải đối mặt với sự giảm tốc tăng trưởng và việc phải đối mặt cùng lúc với việc bị nâng mức áp thuế. Hai đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và EU đang khiến lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc bị suy giảm nặng nề, từ nay đến cuối năm. Vì thế, những nhượng bộ mà Trung Quốc phải chấp nhận để tránh kịch bản rơi vào một cuộc chiến thương mại với EU đang lớn hơn so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

Trung Quốc nhiều khả năng phải chấm dứt các động thái trợ giá phi thị trường đối với các hàng hóa xuất khẩu của mình sang thị trường EU, đặc biệt là việc nước này sẽ phải xem xét việc tự do hóa hệ thống tài chính và ngân hàng của mình như một biện pháp đảm bảo tránh các động thái trợ giá cho hàng hóa. Cụ thể, Trung Quốc có thể phải nới lỏng các quy định về ràng buộc số cổ phần mà các ngân hàng châu Âu có thể sở hữu tại các ngân hàng ở Trung Quốc, hiện tại mức giới hạn cổ phần mà các ngân hàng Đức được sở hữu tại các ngân hàng Trung Quốc là khoảng 20%.

Theo quan điểm của bà Merkel, đó là những việc mà Trung Quốc phải tiến hành nếu như muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo EU rằng Trung Quốc đang thực sự muốn tiến đến một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa - điều kiện cần thiết để EU có thể trao quy chế kinh tế thị trường.

Rõ ràng, sự nhượng bộ của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế thương mại với EU trong chuyến công du của thủ tướng Đức Angela Merkel cho thấy, việc ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ không phải là quá khó khăn. Hiện Trung Quốc ở trong thế yếu do những khó khăn gặp phải trong vấn đề tăng trưởng, và rõ ràng nước này không hề muốn đối mặt với kịch bản rơi vào cuộc chiến thương mại với cả EU lẫn Mỹ vốn là hai nền kinh tế đã tăng mức áp thuế rất nặng với hàng hóa Trung Quốc thời gian qua.

Bà Merkel đã có thể ép Trung Quốc phải nhượng bộ thì việc ông Donald Trump lên tiếng đòi trừng phạt Trung Quốc bằng cách áp thuế với hàng hóa nước này là điều hoàn toàn có thể. Trung Quốc đã phải xuống nước với EU thì sao lại không thể làm điều tương tự trước Mỹ?

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Ảnh: Bà Merkel trong chuyến công du Trung Quốc mới đây

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trên bàn cờ thương mại toàn cầu, Trung Quốc chỉ là 'con hồ giấy'