Sau hơn 2 năm được minh oan, đến nay, ông Đinh Quang Điền (Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa được cơ quan chức năng bồi thường cho 240 ngày bị tạm giam.

Trầy trật đòi bồi thường oan sai

Một Thế Giới | 20/05/2015, 04:25

Sau hơn 2 năm được minh oan, đến nay, ông Đinh Quang Điền (Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa được cơ quan chức năng bồi thường cho 240 ngày bị tạm giam.

Hôm nay, 20.5, TAND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk dự kiến mở phiên sơ thẩm xét xử vụ ông Đinh Quang Điền khởi kiện VKSND TP Buôn Ma Thuột yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổn thất tinh thần vì bị bắt giam oan ức.
Bỗng dưng bị bắt!
Do nhu cầu mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất, năm 2009, Công ty Quang Điền vay 13,8 tỉ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nơ Trang Long (TP Buôn Ma Thuột). Đến ngày 21.6.2011, từ một lá đơn nặc danh, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột ra quyết định khởi tố vụ án. Ngày 22.6.2011, VKSND TP Buôn Ma Thuột phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Đinh Quang Điền về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đến ngày 17.11.2011, vụ án được chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định trước khi Công an TP Buôn Ma Thuột khởi tố vụ án, Công ty Quang Điền vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường và không có hành vi tẩu tán tài sản, ông Điền cũng không bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tiền vay. Ông Điền vẫn thực hiện việc trả nợ ngân hàng và ngân hàng chưa có đơn tố cáo ông lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc cơ quan chức năng quy ông Điền tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khởi tố, bắt tạm giam là không có căn cứ.

Ông Điền nhớ lại: “Lúc đầu, họ nói tôi bị bắt vì buôn bán gỗ lậu. Sau khi điều tra không có gỗ lậu trong xưởng thì họ quay sang nói tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tôi giải thích rất rõ việc này nhưng họ vẫn kiên quyết khởi tố, bắt giam. Họ làm vậy vì động cơ gì thì đến giờ tôi vẫn không thể hiểu được”.

Tại buổi công khai xin lỗi ông Điền vào ngày 31.1.2013, đại diện VKSDN TP Buôn Ma Thuột thừa nhận việc để xảy ra oan sai là do nghiệp vụ non kém, thiếu tinh thần trách nhiệm chứ không có vụ lợi gì!
Tray trat doi boi thuong oan sai-hinh-anh-1
 Trầy trật đòi bồi thường oan sai

Mất mát quá lớn

Ông Điền trở thành bị can 473 ngày, trong đó bị tạm giam 240 ngày, đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho cá nhân, gia đình và Công ty Quang Điền.

“Khi nghe tin tôi bị bắt giam, cha mẹ tôi bị sốc nặng, con cái mặc cảm với bạn bè, học hành sa sút rồi bỏ học. Vợ tôi làm chủ một trường mầm non, vì nghe tin tôi lừa đảo, phụ huynh cho con chuyển trường khác, nghỉ học hết. Công ty đóng cửa, nhà xưởng, máy móc bị phá hoại, hàng trăm công nhân thất nghiệp, nhiều hợp đồng kinh tế bị hủy, lãi suất ngân hàng không ngừng tăng lên...” - ông Điền ngậm ngùi.

Sau nhiều lần thương lượng bất thành, ông Điền đã khởi kiện VKSND TP Buôn Ma Thuột ra TAND TP để yêu cầu bồi thường. Tòa án đã 2 lần mở phiên tòa xét xử nhưng bị đơn đều xin xét xử vắng mặt nên phải hoãn.

Hôm nay, 20.5, dự kiến TAND TP Buôn Ma Thuột tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lần 3. “Trong đơn khởi kiện, tôi yêu cầu bồi thường tổng số tiền gần 7 tỉ đồng nhưng chắc chắn họ sẽ không bồi thường được như vậy. Trong khi đó, việc bắt giam oan sai chỉ tính kinh tế đã gây thiệt hại cho tôi hàng chục tỉ đồng” - ông Điền khẳng định.
Ai phải trả tiền bồi thường?
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, kinh phí dùng để chi trả cho người bị thiệt hại nếu do người thi hành công vụ của cơ quan ở trung ương gây ra thì lấy từ ngân sách trung ương, ở địa phương thì lấy ngân sách địa phương. Sau đó, căn cứ vào mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ, cơ quan có thẩm quyền bồi thường một khoản nhất định.
Liên quan đến vụ việc, các cá nhân liên đới chịu trách nhiệm gồm 4 cán bộ, điều tra viên thuộc Công an TP Buôn Ma Thuột và 3 cán bộ, kiểm sát viên thuộc VKSND TP. Những người này đã bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.
Cao Nguyên/ Người Lao Động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trầy trật đòi bồi thường oan sai