Thay vì răn đe Bắc Kinh, những chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ hoặc quan chức phương Tây có thể làm tăng nguy cơ Trung Quốc động binh với Đài Loan.

Trào lưu “du lịch chính trị” hỗ trợ Đài Loan của phương Tây nhằm mục đích gì?

Hoàng Vũ | 16/08/2022, 19:32

Thay vì răn đe Bắc Kinh, những chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ hoặc quan chức phương Tây có thể làm tăng nguy cơ Trung Quốc động binh với Đài Loan.

Du lịch quốc tế có lẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Thế nhưng một loại hình du lịch đã bất ngờ phát triển trong 2 năm qua: những chuyến thăm chính trị đến Đài Loan. Các chính trị gia từ khắp nơi đã kết luận rằng Đài Loan cần được hỗ trợ chống lại sự đe dọa của Trung Quốc và cách tốt nhất họ có thể làm điều này là thông qua… “một chuyến thăm”.

Không có gì ngạc nhiên khi sự quan tâm đến Đài Loan tăng lên song song với những lời chỉ trích và phản đối ngày càng gay gắt đối với Bắc Kinh trong vài năm qua, đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát. Song, theo chuyên gia Andrei Lungu, Chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Romania (RISAP), những chuyến thăm như vậy có thể làm tăng mối đe dọa, thúc đẩy Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Các chuyến thăm chính trị tới Đài Loan dựa trên lập luận rằng sự can dự chính trị và ngoại giao như vậy sẽ ngăn cản Trung Quốc xâm lược, bởi chúng cho thấy Đài Loan có sự hậu thuẫn vững chắc của các đồng minh phương Tây. Những vị khách có nhiệm vụ truyền đạt sự đảm bảo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt tàn khốc, hay một đợt viện trợ quân sự cho Đài Loan, hoặc thậm chí là sự can thiệp quân sự trực tiếp từ Mỹ.

Tuy nhiên, đó không phải là cách mọi thứ được nhìn nhận ở Bắc Kinh. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những hành động như vậy được cho là nỗ lực khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng, bằng cách gắn Đài Loan vào cộng đồng quốc tế với tư cách là một vùng lãnh thổ có chủ quyền và là đồng minh phương Tây. Trong mắt Bắc Kinh, Đài Loan đã trở nên tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế và táo bạo hơn trong hành vi chính trị của mình.

Do đó, thay vì răn đe Trung Quốc, các chuyến thăm chính trị như vậy trên thực tế sẽ làm tăng nguy cơ Bắc Kinh động binh. Các chuyến thăm cấp cao và thường xuyên hơn và Đài Loan càng trở nên tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế, thì “vấn đề Đài Loan” càng trở nên gai góc và cấp bách hơn đối với Bắc Kinh. Trung Quốc có thể không vạch sẵn thời gian rõ ràng để tiếp quản Đài Loan, và họ có thể chờ đợi vì cho rằng Đài Loan không phải là vấn đề cấp bách, sớm muộn sẽ thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh cho rằng Đài Bắc đang gia tăng không gian quốc tế và tiến gần hơn tới “độc lập”, ngay cả khi không có tuyên bố độc lập chính thức, thì Trung Quốc sẽ có động cơ tấn công sớm hơn, trước khi hiện trạng được nhận thức là thay đổi hoàn toàn.

Chuyên gia Lungu nhận định, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rằng Đài Loan đang vượt ra khỏi tầm tay của họ, thay vì chờ đợi lâu hơn, họ sẽ thực hiện các biện pháp vũ lực để “thống nhất” đảo tự trị. Và trong 2 năm qua, rõ ràng Bắc Kinh ngày càng khó chịu với Đài Loan và sự can dự của họ với phương Tây, các chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ do đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã nguy hiểm cho Đài Loan.

“Đây là lý do tại sao xu hướng thăm Đài Loan chớp nhoáng không chỉ vô ích mà còn phản tác dụng và nguy hiểm, và do đó, cần phải dừng lại. Những gì Đài Loan cần là phòng ngự tốt hơn, chứ không phải những cái bắt tay thường xuyên hơn và những cái ôm ấm áp hơn”, ông Lungu cho biết.

Trong khi đó, quá trình hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra, cũng như các hoạt động quân sự của họ xung quanh Đài Loan. Đây là điều mà phương Tây nên tập trung vào, thay vì “du lịch chính trị”. Giống như Ukraine, Đài Loan cũng có thể bị tấn công và các “cuộc họp chính trị” hoặc sự “ủng hộ quốc tế bằng lời nói hay văn bản” sẽ không ngăn cản được điều đó.

Các chuyến thăm chính trị đến Đài Loan sẽ không tăng cường khả năng răn đe Bắc Kinh vì chúng không thể thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc về quyết tâm của Mỹ về việc sẽ hết mình chiến đấu bảo vệ Đài Loan bằng bất kể giá nào. Đạo luật Đài Loan năm 1979 yêu cầu quốc gia này phải hỗ trợ Đài Loan tự vệ trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, chính quyền Washington từ lâu đã theo đuổi chính sách "mơ hồ chiến lược", từ chối nêu rõ tình huống nào sẽ dẫn đến việc quân đội của mình can thiệp thay mặt cho Đài Bắc.

Các nhà quan sát từ Mỹ và Trung Quốc nói rằng Washington không hề có sự thay đổi chính sách trong vấn đề Đài Loan, nhưng sự ủng hộ mà họ dành cho hòn đảo này lại đang tăng theo cách rất nguy hiểm.

Shi Yinhong - chuyên gia về quan hệ quốc tế (Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh) nói rằng chính phủ Mỹ chưa từng tuyên bố chính thức về việc sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan, nhưng sự mơ hồ lại đang giảm dần và ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn giữ hiện trạng và tránh một cuộc chiến tranh như lãnh đạo hai bên từng tuyên bố, giới chuyên gia cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự đang gia tăng. Hãy thử vượt qua thực tế rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin Washington sẽ bảo vệ Đài Loan. Nhưng làm thế nào để thuyết phục Bắc Kinh rằng nước Mỹ sẵn sàng vượt qua những chi phí kinh tế tàn khốc và hy sinh hàng chục nghìn binh lính trong một cuộc chiến vì một nơi xa xôi, một cuộc chiến thậm chí có thể đạt tới ngưỡng hạt nhân.

Thực tế là một số chính trị gia ngày nay bày tỏ cam kết đối với Đài Loan thông qua các chuyến thăm tương tự như việc vô số các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ đã đi bộ tới Kyiv trong vài tháng qua, song không có quân phương Tây nào trên đất Ukraine và cả Đài Loan. Các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ hẳn đã cân nhắc khi phải đối đầu trực tiếp với các quốc gia có sở hữu vũ trang hạt nhân.

Các chuyến thăm chính trị rõ ràng khó có thể ngăn chặng một cuộc tấn công tiềm tàng vì tính toán của Bắc Kinh dựa trên các yếu tố khác như cán cân sức mạnh quân sự Đài - Trung, cam kết của Mỹ với Đài Loan, hoặc nhận thức của công chúng về xung đột. Việc một số nước phương Tây tuyên bố tình hữu nghị của họ đối với Đài Loan khiến Bắc Kinh cho rằng Đài Loan đang bị các thế lực thù địch nước ngoài lợi dụng để tiến hành ly khai.

Nhưng có những hành động khác thực sự có thể giúp Đài Loan và giảm nguy cơ bị tấn công. Ví dụ, phương Tây có thể viện trợ hàng tỉ USD cho Đài Loan xây dựng các trường học và bệnh viện chứ không phải cho tàu ngầm và tên lửa như một cách tránh khiêu khích Trung Quốc, từ đó giúp Đài Loan tập trung nguồn lực khác để đầu tư phát triển quân sự và công nghiệp quốc phòng.

Chuyên gia Andrei Lungu cho rằng, thay vì đến thăm Đài Bắc, các chính trị gia phương Tây có thể đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều bằng cách tuyên truyền cử tri của họ về tình hình Đài Loan hoặc thậm chí thuyết phục họ rằng Đài Loan xứng đáng để được hỗ trợ hàng chục tỉ USD và được bảo vệ. Chắc chắn đây là một nhiệm vụ khó khăn nhất là trong bối cảnh các nước phương Tây đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao cùng những lo lắng về suy thoái kinh tế. Song, nhiệm vụ này sẽ hữu ích hơn nhiều so với các chuyến thăm chính trị, vốn không làm gì để tăng cường khả năng răn đe hoặc phòng thủ của Đài Loan.

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trào lưu “du lịch chính trị” hỗ trợ Đài Loan của phương Tây nhằm mục đích gì?