Trong danh sách hàng chục khoản thu gây xôn xao đầu năm học mới, có không ít những khoản thu vô lý núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa”.

Tranh cãi xung quanh việc có nên xóa bỏ hoàn toàn Hội phụ huynh

Hải Yến | 21/09/2017, 05:34

Trong danh sách hàng chục khoản thu gây xôn xao đầu năm học mới, có không ít những khoản thu vô lý núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa”.

Khi bị phanh phui về việc lạm thu, rất nhiều trường đã đem ban đại diện cha mẹ học sinh ra làm... lá chắn để khẳng định "là ý kiến của phụ huynh".

Trong những ngày qua, câu chuyện lạm thu trong trường học đã trở thành đỉnh điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua các đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định có xảy ra tình trạng lạm thu trong các trường học. Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi công văn hỏa tốc gửi Bộ GD-ĐT và các UBND tỉnh, thành, nêu yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học.

Có nhiều luồng ý kiến nêu ra nguyên nhân dẫn đến lạm thu,chủ yếu là do sự yếu kém của một số ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều ban đại diện không đứng về phía cha mẹ học sinh mà trở thành “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu đặt ra các khoản thu hết sức vô lý, tiếp tay cho lạm thu. Ông Tống Duy Hiến, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biếtkết quả thanh tra đột xuất về lạm thu ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh cho thấy, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định đặc biệt là các khoản thu thỏa thuận.

Với vai trò là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh hay còn gọi là Hội phụ huynh trường, lớp hoạt động với điều lệ riêng, quy định rõ nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, kinh phí hoạt động, có thưởng có phạt. Tuy nhiên, ít ai nhìn vào điều lệ này để đánh giá hoạt động của hội phụ huynh hiệu quả hay không mà thường chỉ nhìn vào mặt chưa được để “lên án” hội này như một công cụ thu tiền của Ban giám hiệu các trường học.

Tiến sĩ tâm lý - giảng viên trường ĐH Sư phạm Vũ Thu Hương

Chia sẻ về ý kiến của mình, tiến sĩ tâm lý - giảng viên trường ĐH Sư phạm Vũ Thu Hương cho biết thực chất Ban đại diện cha mẹ học sinh chính là việc hình thức núp bóng để thu tiền tự nguyện. Mặc dù quy định hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là không được thu tiền, thế nhưng những "người đại diện cha mẹ" này vẫn thu, đó chính là kẽ hở để lạm thu có đất sống trong suốt cả một năm học. "Khi bị phát hiện, nhà trường chỉ cần “đá” trách nhiệm sang Hội cha mẹ học sinh là có thể thoát. Như vậy rõ ràng ban này đang “tiếp tay” cho nạn lạm thu hoành hành và đổ gánh nặng lên nhiều gia đình. Ban phụ huynh là một tổ chức mà theo tôi, thực sự không cần thiết trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Sự tồn tại của ban phụ huynh đã khiến cho mọi việc thêm rối tung lên và họ không làm được gì ngoài việc mua quà cho các thầy cô trong ngày lễ, Tết...".

Đưa ra giải pháp của mình, tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng cho rằng để giảm tình trạng lạm thu ngay trong nhà trường thì cần có hoạt động giám sát thu - chi của chính trường đó bao gồm các thành viên là 2 đại diện phụ huynh bốc thăm ngẫu nhiên mỗi năm 1 lần, 1 cán bộ phòng Giáo dục, 1 cán bộ phòng nội vụ, 1 đại diện tổ dân phố và công an phường. Hội đồng xem xét cả việc bầu hiệu trưởng, nêu ý kiến miễn nhiệm hiệu trưởng. Còn ban phụ huynh, thực sự không cần thiết để tồn tại, cần xóa bỏ ngay".

Không đồng ý với ý kiến của tiến sĩ Vũ Thu Hương, một phụ huynh tại Thanh Hóa cho biết nhiều ban phụ huynh hoạt động rất hiệu quả chứ không phải là "bình phong" của các nhà trường. Giáo dục trong nhà trường cần yếu tố: Nhà trường - Gia đình - Xã hội, chính vì thế ban phụ huynh hoạt động để chăm sóc, đưa lên ý kiến để nhà trường tiếp thu, thay đổi những vấn đề phù hợp với chính học sinh, tuyên truyền chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục học sinh, tổ chức bồi dưỡng khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Trong khi đó, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề các khoản thu thỏa thuận nếu phụ huynh không biết lên tiếng tự bảo vệ “hầu bao” của mình thì mãi mãi chịu vòng luẩn quẩn: Câm nín đóng tiền rồi về nhà bức xúc kêu than. Nhất là đối với ban đại điện cha mẹ học sinh, cần làm rõ ban này có trách nhiệm, nghĩa vụ gì, nếu chỉ để thu tiền thì không cần thiết.

Ngoài ra, ông Nhĩ cũng cho rằng, để triệt để tránh lạm thu, cần minh bạch vấn đề thu – chi của các trường: “Hiện nay, khoản đóng góp phụ huynh chưa hài lòng vì không minh bạch, người ta không biết tại sao thu khoản này không thu khoản kia, tại sao khoản này ở nơi này thấp, nơi kia cao? Khi có minh bạch, đối chiếu những trường thu sai là vi phạm quy định quản lý nhà nước, theo đó sẽ có những hình thức phạt nhất định tùy theo hình thức vi phạm. Ai vi phạm thì cần có mức độ kỷ luật để răn đe. Việc chỉ đạo xử phạt vi phạm phải nghiêm minh, không đánh trống bỏ dùi” – ông Nhĩ khẳng định.

TS Vũ Tùng Lâm

Chỉ ra những mặt tích cực từ chính Ban đại diện cha mẹ học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc phủ nhận hay xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khiến cho quyền lợi của học sinh và phụ huynh không được bảo vệ, không được phản ánh một cách đúng mức, công khai và có trọng lượng.

“Thay vì phủ nhận, buông xuôi, từng phụ huynh cần mạnh dạn bầu ra những người thực sự có trách nhiệm, năng lực, đại diện cho nguyện vọng của cha mẹ học sinh để tham gia hội phụ huynh thay vì cứ chiều theo ý kiến của giáo viên hay Ban giám hiệu. Hơn ai hết, phụ huynh phải chủ động trong các hoạt động phối hợp với nhà trường để hỗ trợ công tác giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền lợi của con em mình” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động với kinh phí từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh. Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, báo cáo công khai.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi xung quanh việc có nên xóa bỏ hoàn toàn Hội phụ huynh