Quốc hội Hàn Quốc đã chứng kiến cuộc tranh luận sôi nổi vào ngày 21.10 về dự luật đề xuất các nhà cung cấp nội dung toàn cầu như Netflix và Google trả phí mạng cho nước này.
Đề xuất cũng phản ánh nỗ lực của một số quốc gia ở châu Âu muốn Ủy ban châu Âu đưa ra luật đảm bảo các Big Tech (hãng công nghệ lớn) tài trợ một phần cho cơ sở hạ tầng viễn thông, khi phát trực tuyến video và sử dụng dữ liệu khác tăng mạnh.
Nhiều phiên bản luật khác nhau đã được đề xuất ở Hàn Quốc với hy vọng khiến các công ty phải trả cái giá mà những người ủng hộ cải cách gọi là hợp lý.
Phiên điều trần dự kiến sẽ kết thúc vào cuối ngày 21.10 nhưng đề xuất vẫn được coi là còn khoảng cách xa để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quy trình lập pháp.
"Google và Netflix chiếm hơn 1/3 ba lưu lượng truy cập trong nước... Điều này có lợi cho các công ty toàn cầu xem xét vấn đề một cách chủ động hơn", nhà lập pháp Hong Suk-joon cho biết trong phiên điều trần.
Những người khác không đồng tình, cho rằng việc áp đặt phí với các hãng công nghệ lớn đồng nghĩa với việc họ có thể tự tăng phí và làm suy yếu các nhà sáng tạo nội dung Hàn Quốc.
Jung Chung-rae, người đứng đầu Ủy ban Quốc hội giám sát vấn đề này, cho biết: “Nó có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của các nhà cung cấp nội dung trong nước khi cố gắng bảo vệ một số lượng nhỏ các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước”.
Theo nhóm hoạt động Opennet, YouTube của Google vận động chống lại dự luật và hơn 259.824 người đã ký vào bản kiến nghị phản đối luật này.
Liz Chung, Giám đốc tại đơn vị Netflix ở Hàn Quốc, cho biết công ty của cô đang tìm cách để xử lý lượng truy cập tăng vọt.
“Chúng tôi đang phát triển một số biện pháp kỹ thuật để sử dụng hiệu quả mạng lưới và đáp ứng phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng truy cập”, Liz Chung nói.
Ở châu Âu, kế hoạch của các cơ quan quản lý nhằm khiến Google, Meta Platforms và Netflix chịu một số chi phí mạng đã được các nhà khai thác viễn thông lớn hoan nghênh. Thế nhưng, các nhà mạng nhỏ hơn cảnh báo điều đó sẽ làm méo mó thị trường viễn thông và gây hại cho cạnh tranh.
Các chuyên gia cho biết tốn kém chi phí để thiết lập và duy trì cáp ngầm cùng cơ sở hạ tầng đưa dữ liệu từ nơi này đến nơi khác và sự phổ biến bùng nổ của nội dung video toàn cầu làm tăng chi phí đưa dữ liệu được lưu trữ ra nước ngoài.
YouTube có 41,8 triệu người dùng Hàn Quốc đang hoạt động, trong tổng dân số 51,6 triệu dân. Họ đã sử dụng YouTube tổng cộng 1,38 tỉ giờ trong tháng 9, theo nhà cung cấp dữ liệu Mobile Index.
Lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu đạt 67 exabyte mỗi tháng vào cuối năm 2021, dự kiến đạt 282 exabyte vào 2027, hãng Ericsson (Thụy Điển) cho biết trong một báo cáo tháng 6. Lưu lượng truy cập video chiếm khoảng 69% lưu lượng truy cập và dự kiến sẽ tăng lên 79% vào năm 2027.
1 exabyte = 1.000.000 terabyte
Công ty viễn thông SK Broadband (Hàn Quốc) cần ra tòa với hy vọng bắt Big Tech phải trả phí.
Kim Hyun-kyung, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul, nói: "Luật có thể gây ra hậu quả, gồm cả việc các nhà cung cấp nội dung chuyển chi phí cho người dùng cuối".
Google: Chia sẻ chi phí mạng là ý tưởng đã có 10 năm, gây hại cho người tiêu dùng
Hôm 26.9, Google đã phản đối động thái thúc đẩy của các nhà khai thác viễn thông châu Âu để Big Tech (hãng công nghệ lớn) hỗ trợ chi phí mạng.
Google tuyên bố rằng đó là ý tưởng đã có 10 năm, không tốt cho người tiêu dùng và công ty đã đầu tư hàng triệu USD trong cơ sở hạ tầng internet.
Matt Brittin, Chủ tịch mảng kinh doanh và hoạt động EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại Google, đã nói điều đó vào thời điểm Ủy ban châu Âu tìm kiếm phản hồi từ các ngành công nghiệp viễn thông và công nghệ về vấn đề này trong những tháng tới trước khi đưa ra bất kỳ đề xuất lập pháp nào.
Hôm 26.9, Deutsche Telekom, Orange, Telefonica, Vodafone, Bouygues Telecom, KPN, BT Group, TIM Group, Telia Company, Fastweb, Altice Portugal và 5 nhà cung cấp viễn thông châu Âu khác đã tạo áp lực mạnh mẽ để Big Tech chia sẻ chi phí mạng, trích dẫn cuộc khủng hoảng năng lượng và các mục tiêu biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, Ủy ban châu Âu chuẩn bị tìm kiếm phản hồi từ cả hai bên trước khi đưa ra đề xuất lập pháp có thể buộc các hãng công nghệ hỗ trợ trả tiền cho việc triển khai 5G và cáp quang trên 27 quốc gia EU.
Giám đốc điều hành của các hãng viễn thông nói lĩnh vực đầu tư khoảng 50 tỉ euro (48,5 tỉ USD) hàng năm vào cơ sở hạ tầng, cần thêm tài trợ và cấp bách.
"Chi phí quy hoạch và xây dựng đang tăng lên. Tương tự, giá năng lượng và giá các đầu vào khác cũng tăng ảnh hưởng đến lĩnh vực kết nối. Châu Âu phải nhanh chóng xây dựng sức mạnh cho thời đại của metaverse. Để điều này xảy ra và bền vững theo thời gian, chúng tôi tin rằng các công ty tạo ra lưu lượng truy cập lớn nhất nên đóng góp công bằng vào chi phí đáng kể mà họ đang áp đặt cho các mạng châu Âu”.
Các nhà khai thác viễn thông của châu Âu cho rằng 6 hãng công nghệ Mỹ gồm Google, Facebook, Netflix, Apple, Amazon, Microsoft chiếm hơn một nửa lưu lượng mạng toàn cầu và phải chịu một phần chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Big Tech từ chối những yêu cầu như vậy, nói rằng họ đã đầu tư vào thiết bị và công nghệ để cung cấp nội dung hiệu quả hơn. Các công ty này lập luận rằng việc đưa ra bất kỳ khoản đóng góp tài chính mới nào sẽ thách thức "tính trung lập ròng", hoặc nguyên tắc mà các nhà cung cấp dịch vụ internet phải cho phép truy cập vào tất cả nội dung và ứng dụng bất kể nguồn của chúng.
Matt Brittin cho biết ý tưởng này được đưa ra cách đây hơn 10 năm, có thể phá vỡ tính trung lập của châu Âu hoặc truy cập internet mở.
"Giới thiệu nguyên tắc 'người gửi trả tiền' không phải là một ý tưởng mới và sẽ bổ sung nhiều nguyên tắc của internet mở. Những lập luận này tương tự như những gì chúng tôi đã nghe cách đây 10 năm hoặc hơn và chúng tôi không thấy dữ liệu mới thay đổi tình hình", Matt Brittin nói theo nội dung bài phát biểu được phát tại hội nghị do ETNO, tổ chức vận động hành lang của các nhà khai thác viễn thông ở châu Âu, tổ chức.
Matt Brittin nói "nó có thể có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, đặc biệt là vào thời điểm tăng giá", trích dẫn một báo cáo của nhóm người tiêu dùng toàn châu Âu BEUC nêu lên những lo ngại như vậy.
Ông cho biết Google làm phần việc của mình để hiệu quả hơn với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mang lại 99% lưu lượng truy cập và đầu tư hàng triệu euro để làm như vậy.
Matt Brittin cho biết: “Vào năm 2021, chúng tôi đã đầu tư hơn 23 tỉ euro chi tiêu vốn, phần lớn trong số đó là cơ sở hạ tầng”. Chúng bao gồm 6 trung tâm dữ liệu lớn ở châu Âu, 20 cáp ngầm trên toàn cầu (5 ở châu Âu) và bộ nhớ đệm để lưu trữ nội dung kỹ thuật số trong các mạng cục bộ tại 20 địa điểm châu Âu.