Tính năng biểu thị cảm xúc với tin nhắn SMS đã được người dùng phát hiện trên bản beta của Google Messages.

Google trêu chọc Apple bằng tính năng biểu thị cảm xúc với tin nhắn SMS gửi từ iPhone

Sơn Vân | 29/09/2022, 15:00

Tính năng biểu thị cảm xúc với tin nhắn SMS đã được người dùng phát hiện trên bản beta của Google Messages.

Tháng trước, Google đã khởi động chiến dịch có tên #GetTheMessage nhằm thuyết phục Apple hỗ trợ nhắn tin RCS (Rich Communication Services) trên iPhone. Mục đích chấm dứt tình trạng tin nhắn màu xanh lá xảy ra khi người dùng iPhone chạy iOS nhắn tin cho ai đó xài smartphone Android.

RCS là một nền tảng nhắn tin cải tiến trên Android, mang đến những chức năng được nâng cấp cho tin nhắn. Về cơ bản, RCS sẽ biến tin nhắn văn bản thành trải nghiệm trò chuyện đầy đủ hơn, tương tự như những gì mà Apple đang làm với iMessage. Điều khác biệt là RCS sẽ hoạt động trên nhiều smartphone, nhà cung cấp và hệ điều hành. RCS sẽ được tích hợp ngay trên ứng dụng tin nhắn của smartphone Android.

Một vài tính năng mới trên RCS gồm: hỗ trợ gửi hình ảnh chất lượng cao hơn, kích thước 10MB; cho phép trò chuyện nhóm; chia sẻ vị trí; hiển thị người nhận đã đọc tin nhắn; hiển thị trang thái đang nhập tin nhắn trong cuộc trò chuyện; hỗ trợ gọi video.

Lời kêu gọi của Google không mang lại nhiều hiệu quả khi chỉ chưa đầy một tháng sau, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook nói với phóng viên rằng nên mua cho mẹ mình chiếc iPhone để đáp lại việc anh không thể gửi video chất lượng cao đến smartphone Android của mẹ mình.

Khi một phóng viên hỏi rằng CEO Apple quá cố Steve Jobs sẽ cảm thấy thế nào về việc hỗ trợ tiêu chuẩn RCS trong iMessage, Tim Cook đáp: “Tôi không nghe thấy người dùng yêu cầu chúng tôi nỗ lực làm vậy. Tôi sẽ rất muốn bạn chuyển sang dùng iPhone”.

Phóng viên này vẫn chưa “buông tha” cho Tim Cook khi phàn nàn rằng mẹ anh ta không thể xem được video anh gửi cho bà. Đó là vì giữa iMessage và RCS không liên thông. Hai hệ thống nhắn tin đều hỗ trợ gửi ảnh, video chất lượng cao qua internet, nhưng nếu thử dùng smartphone Android gửi video sang cho iPhone và ngược lại thì sẽ không có kết quả. Về vấn đề này, Tim Cook đưa ra giải pháp: “Mua iPhone cho mẹ bạn đi”.

Google đang cải thiện tính năng nhắn tin giữa người dùng Android và iPhone với tính năng mới nhất đang được thử nghiệm. Theo phát hiện của người dùng mạng xã hội Reddit, ​​ứng dụng Google Messages đang thử nghiệm khả năng phản ứng (bày tỏ cảm xúc) với các tin nhắn SMS được gửi từ iPhone. Khi phản ứng với tin nhắn SMS từ iPhone, người dùng smartphone Android sẽ thấy một thông báo hiển thị biểu tượng cảm xúc đã được sử dụng.

google-choc-ngoay-nguoi-dung-iphone.jpg
Google Messages đang thử nghiệm bày tỏ cảm xúc với các tin nhắn SMS gửi đến

Về cơ bản, Google đang đáp trả Apple. Người dùng iPhone từ lâu có thể phản ứng với tin nhắn SMS gửi đến. Khi đó, máy sẽ gửi lại tin nhắn SMS cho người gửi (trong trường hợp này là smartphone Android) kèm biểu tượng cảm xúc và nội dung được trích dẫn.

google-choc-ngoay-nguoi-dung-iphone1.jpg
Những gì người dùng Android nhìn thấy khi người dùng iPhone phản ứng với SMS

Nay, Google làm ứng dụng Messages của mình có thể biểu thị biểu cảm xúc với tin nhắn SMS gửi đến. Cụ thể là hiển thị biểu tượng cảm xúc bên cạnh chính tin nhắn đó. Với cách triển khai mới này, Google đang chọc ngoáy người dùng iPhone, khi hiển thị biểu tượng cảm xúc mà không gửi thêm tin nhắn SMS nào khác.

Phản ứng với tin nhắn bằng biểu tượng cảm xúc không phải là điều gì mới. Nhiều ứng dụng nhắn tin đa nền tảng bao gồm WhatsApp, Telegram, Messenger, Skype, Teams, Instagram đã hỗ trợ phản ứng bằng biểu tượng cảm xúc. Tại thời điểm này, thị trường mà điều này thực sự quan trọng với Mỹ, nơi người dùng thích sử dụng trải nghiệm nhắn tin mặc định của smartphone. Trong trường hợp của người dùng smartphone Android là ứng dụng Google Messages với RCS, còn trên iPhone là ứng dụng iMessage.

Tính năng biểu thị cảm xúc với tin nhắn SMS đã được phát hiện trên bản beta của Google Messages nhưng chưa được triển khai rộng rãi. Google vẫn chưa xác nhận tính năng này.

Cựu lãnh đạo Apple bất bình vì Tim Cook gợi ý mua iPhone thay vì giải quyết vấn đề trên iMessage

Michael Gartenberg cho biết rất ngạc nhiên khi Tim Cook gần đây nói với phóng viên và cũng là một người dùng iPhone rằng Apple sẽ không khắc phục vấn đề nhắn tin với Android vì người dùng không yêu cầu điều đó. Cựu lãnh đạo thấy câu trả lời của Tim Cook là ngớ ngẩn một cách đáng ngạc nhiên.

Michael Gartenberg từng là cựu Giám đốc điều hành tiếp thị cấp cao của Apple, từng làm việc cho công ty trong hơn hai thập kỷ.

Trong nhiều năm, khách hàng đã phàn nàn về vấn đề nhắn tin của iPhone/Android trên trang cộng đồng Apple - nơi mà nhiều người yêu cầu công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California khắc phục và có hơn 600 bài đăng về nó.

Michael Gartenberg cho rằng giọng điệu của Tim Cook dù có chủ đích là hài hước đến đâu cũng không thú vị với những người dùng muốn thiết bị của họ hoạt động tốt hơn. “Điều đó bao gồm cả khả năng nhắn tin liên tục cho bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp sử dụng smartphone Android”, ông nói.

Quay trở lại thời kỳ hoàng kim của iPod, các giám đốc cấp cao Apple đã thúc đẩy iTunes trên Windows hỗ trợ đầy đủ iPod, bất chấp sự miễn cưỡng của lãnh đạo thời đó là Steve Jobs. iPod như một phụ kiện đắt tiền chỉ dành cho Mac.

Các giám đốc này đã phải nỗ lực để khiến Steve Jobs yên tâm (với lời cảnh báo của Steve Jobs rằng nếu thất bại thì họ sẽ bị đổ lỗi) nhưng hóa ra đây lại là một trong những quyết định tốt nhất mà Apple từng đưa ra.

iPod cùng iTunes giúp Apple có nguồn doanh thu nhiều tỉ USD trong nhiều năm và kế hoạch chi tiết cho hoạt động kinh doanh dịch vụ sinh lợi hiện tại của công ty. Thế nên thật mỉa mai khi một số lãnh đạo Apple chủ trương không cho phép khả năng tương tác nhắn tin với Android.

Craig Federighi, Phó chủ tịch cao cấp về kỹ thuật phần mềm của Apple và là Giám đốc điều hành phụ trách iOS, lo ngại rằng "iMessage trên Android chỉ đơn giản giúp loại bỏ một trở ngại với việc các gia đình iPhone cho con họ sử dụng điện thoại Android".

Trong các email từ năm 2016 được công khai bởi hồ sơ tòa án, cựu nhân viên Apple đã viết "iMessage bị gắn chặt" với hệ sinh thái của Apple.

Phil Schiller, trước đây là Phó chủ tịch cấp cao mảng marketing toàn cầu Apple và hiện là Apple Fellow, viết: "Chuyển iMessage đến Android sẽ gây hại cho chúng tôi nhiều hơn là giúp chúng tôi". Apple Fellow là người đã được công ty công nhận vì những đóng góp đặc biệt về kỹ thuật hoặc khả năng lãnh đạo của họ.

Nếu tạo ra ứng dụng iMessage cho Android, Apple có thể giải quyết vấn đề của người dùng trên cả hai nền tảng.

RCS không tốt hơn iMessage mà cũng không tệ hơn, song đây là công nghệ do Google, đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Apple trong lĩnh vực di động, tạo ra.

Nếu Apple thêm hỗ trợ RCS cho iOS, điều đó sẽ cho phép công ty giữ tất cả tính năng thú vị trên iOS của riêng mình, nhưng giúp người dùng iOS gửi tin nhắn có chứa file đính kèm như video và tin nhắn đồ họa đến người dùng Android với độ trung thực đầy đủ.

google-choc-ngoay-nguoi-dung-iphone11.jpg
iMessage phân biệt người dùng smartphone Android bằng tin nhắn màu xanh lá

Tất nhiên, Apple yêu thích khả năng tương tác khi có lợi nhuận, đặc biệt là doanh thu dịch vụ ổn định và có thể dự đoán được, giống Phố Wall.

Apple TV+ hoạt động trên các nền tảng khác, ngay cả trên tivi và màn hình của Samsung. Apple Music hoạt động tốt trong cửa hàng ứng dụng Google Play. Nhiều khả năng không có một hoạt động kinh doanh hàng tỉ USD ẩn sau khả năng tương tác nhắn tin, song việc Apple từ chối khắc phục điều này là gánh nặng cho người dùng iOS chứ không phải Android.

Nếu iMessage thực sự là lý do chính khiến người dùng iPhone ngại thay đổi thì Apple đang ở trên con dốc trơn trượt. Các vấn đề về khả năng tương tác này càng lan rộng với người dùng Apple thì càng có nhiều người dùng tìm cách thay thế iMessage. Điều đó xảy ra bên ngoài Mỹ, nơi nhiều người dùng đón nhận các dịch vụ như WhatsApp hoặc Signal. Khi người dùng tin tưởng giao tiếp của họ với ứng dụng hãng khác thì có thể lãng quên thứ gắn chặt với iOS.

Michael Gartenberg không nói rằng iPhone hay Apple sẽ diệt vong. Đây là Apple của năm 2022, không phải năm 2002. Apple chắc chắn sẽ bán vô số chiếc iPhone 14 "tuyệt vời, tốt nhất từ ​​trước đến nay" trong năm 2022 (với màu tím tuyệt đẹp để người mua có thể đưa ra một tuyên bố rõ ràng rằng iPhone của họ là mẫu mới, không phải là iPhone 13 hoặc cũ hơn).

Nó thực sự vì lợi ích của Apple để giúp tất cả người dùng smartphone.

Bất chấp mong muốn của Apple, Android - đối thủ mà Apple thậm chí từ chối thừa nhận trước công chúng - sẽ không biến mất.

Tuy nhiên, DNA của Apple, hơn bao giờ hết, là lợi nhuận bằng cách duy trì toàn quyền kiểm soát các nền tảng của họ. Ngược lại với sự khôn ngoan trong tiếp thị thông thường, Apple không cho đi dao cạo để bán lưỡi dao: họ bán dao cạo, lưỡi dao, kem cạo râu, túi chống sốc và chống nước cũng như muốn kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái.

Bất kỳ loại liên kết với Android nào cũng có thể khiến Apple trả giá không chỉ bằng doanh số iPhone mà còn bằng tất cả dịch vụ phụ trợ trả phí và các thiết bị đồng hành như Apple Watch cùng những sản phẩm sau thị trường khác.

Apple hành động như thể họ có thể bảo vệ hệ sinh thái này bằng cách vờ rằng các tùy chọn khác cho người dùng không tồn tại hoặc kém hơn đáng kể so với hệ điều hành iOS hoặc iPadOS. Đó không chỉ là nhận thức trên toàn cầu, tránh xa chiến thuật "bóp méo thực tế" nổi tiếng của Steve Jobs được tạo ra tại Apple Park.

Thực tế không thể nào lay chuyển là bất chấp những bình luận của Tim Cook, người dùng Apple vẫn muốn có khả năng tương tác. Điểm mấu chốt là việc Apple mở cửa hệ sinh thái một chút cũng vì lợi ích của bản thân, không phải bởi điều đó mang lại lợi nhuận, mà đây là điều đúng đắn cần làm cho tất cả người dùng smartphone.

Bài liên quan
Apple sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ, có thể chuyển 20% sản lượng iPad sang Việt Nam
Apple hôm 26.9 cho biết sẽ sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ khi cố giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google trêu chọc Apple bằng tính năng biểu thị cảm xúc với tin nhắn SMS gửi từ iPhone